Trong suốt 14 năm kết hôn và chung sống, người mang lại cho chị Việt Bích những món ăn ngon như nhà hàng không phải là đầu bếp mà chính là ông xã chị.
Từ lâu nấu ăn dường như là công việc trao cho chị em phụ nữ bởi họ vốn đảm đang, khéo léo lại hay để tâm đến các bữa cơm gia đình. Thật không khó để thấy, cứ mỗi chiều tan sở, nhà nhà lại nổi lửa, hương vị món ăn thơm lừng, hấp dẫn và đứng sau đó là các bà, các mẹ vui vẻ hạnh phúc với thành quả mình làm ra.
Thế nhưng, đâu đó vẫn có bóng dáng của những người đàn ông yêu nấu ăn, thích chăm chút cho bữa cơm gia đình. Họ cũng miệt mài, dành hết tâm trí cho mỗi món mình nấu và thành phẩm cũng không thể đùa được. Thật không quá khi nói, người đàn ông đứng bếp luôn có sức hút chết người.
Có lẽ chính vì điểm này mà chị Việt Bích (37 tuổi, Hà Nội) đã vô cùng hạnh phúc và ngày càng yêu chồng hơn khi ông xã mình luôn là người đem đến cho chị những bữa ăn ngon trong suốt nhiều năm kết hôn, chung sống.
Chị Việt Bích có ông xã cực mê nấu ăn, trình bày biện đồ ăn ngang ngửa nhà hàng.
Ăn uống cầu kỳ nên ông xã tự tay vào bếp, việc nhà cả hai đều chia sẻ cho nhau
Chị tâm sự, hiện tại bản thân và ông xã đều làm việc nhà nước, có một con lớn. Cả hai anh chị đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông xã chị lại là trai phố cổ nên việc ăn uống rất cầu kỳ dù cuộc sống "cũng đều đều không có gì đặc biệt".
Mặc dù ăn uống yêu cầu cao nhưng chồng chị Việt lại không hề đòi hỏi hay buộc vợ phải làm điều đó mà chính anh sẽ thực hiện điều bản thân mình muốn. Thích nấu ăn chính vì thế, ông xã chị Bích sẽ đảm nhiệm luôn công việc bếp núc trong nhà. Chị tâm sự, mình không giỏi bếp núc nên anh nấu mọi người trong nhà mới ăn được. Còn bản thân chị chỉ nhận công việc dọn dẹp sau khi ăn.
Chị Việt Bích kể, người có ảnh hưởng lớn nhất đến đam mê nấu ăn của ông xã có lẽ là mẹ chồng của chị bởi bà là dâu phố cổ, rất chịu khó bày biện, học các công thức nấu ăn đọc sách báo đến xem trên Internet bây giờ.
Vì nấu ăn trở thành một đam mê chưa thấy hồi kết nên không bao giờ ông xã chị phàn nàn về việc này cả. Thậm chí anh còn luôn tranh thủ, hễ cứ có thời gian rảnh là vào bếp thôi. Chị cũng phân chia rõ việc nhà với anh, chồng nấu cơm, vợ dọn dẹp và 1 tuần có vài buổi đi ăn hàng hoặc ăn bên nội ngoại để đổi không khí. Anh cũng chưa bao giờ cảm thấy việc nấu cơm ở nhà là nặng nhọc cả.
"Chúng mình quan niệm không phải là ăn gì, ăn ở đâu mà là ăn cùng nhau nên khái niệm bữa cơm gia đình hiện đại có thể linh hoạt hơn nhiều, không cứ phải nấu cơm ở nhà", chị Việt Bích nói.
8X chia sẻ, chị và ông xã kết hôn đã khoảng 14 năm, nên việc nhà hay việc bếp núc luôn có sự chia sẻ với nhau. Với chị, được ăn cùng nhau những bữa ăn ngon là may mắn và hạnh phúc nhất rồi, đó cũng là bí quyết “giữ lửa” gia đình và gắn kết con cái. Vào những dịp đặc biệt, gia đình chị luôn sắp xếp đi ăn ở các nhà hàng bên ngoài để vừa tận hưởng vừa để chồng học hỏi thêm kiến thức ẩm thực bên ngoài.
Từng đi học nước ngoài, các món ăn ông xã nấu như nhà hàng Âu, vợ chỉ việc rửa bát
Trước đây ông xã chị đã có một khoảng thời gian đi học ở nước ngoài, đọc rất nhiều sách báo nước ngoài nên anh luôn muốn thử nghiệm các công thức nấu ăn mới, kết hợp với nguyên liệu địa phương cũng như các cách trình bày đẹp, đơn giản, độc đáo.
Hiện tại căn bếp nhỏ ở chung cư của gia đình chị sắp xếp rất đơn giản. Đặc biệt nhà chị chỉ dùng nồi chiên không dầu để nướng chứ không có lò nướng nhưng anh vẫn luôn biết cách tận dụng tất cả điều kiện sẵn có để nấu những bữa ăn ngon, bổ, hợp lý, cân bằng đầy đủ tinh bột, đạm và rau xanh, rất nhiều rau xanh.
Nhờ có chồng chăm chỉ thử nghiệm các món ăn mới nên mâm cơm gia đình chị được đổi món Âu rất nhiều. Không chỉ là mỳ Ý, bít tết mà còn nhiều biến tấu kết hợp Âu-Á. Đặc biệt, khi đi chợ, anh luôn chú ý nhất là mùa nào thức nấy. Nhà chị cũng không ăn đồ nhập khẩu nhiều, thi thoảng là bò và cá hồi thôi.
"Còn lại mùa nào có rau củ thế nào thì ăn đúng như thế, không quá cầu kỳ. Nhà mình không đông người nên lượng tiêu thụ thực phẩm cũng không nhiều, chi phí đi chợ hay ước lượng khẩu phần cũng như đảm bảo đa dạng món ăn đơn giản hơn nhiều và chồng mình luôn làm rất tốt nhiệm vụ này", chị chia sẻ.
Cũng vì sự tính toán sức ăn phù hợp mà tủ lạnh nhà chị Bích không bao giờ có thức ăn thừa. Hầu như ăn bữa nào là hết bữa đó. Nhà lại gần siêu thị và chợ nên cũng anh chị không phải mua nhiều đồ sơ chế cho một tuần. Nhà chị vốn ăn rất nhạt nên việc nấu ăn ở nhà sẽ dễ hơn là ra ngoài hàng ăn. Khi gia giảm anh cũng không dùng nhiều loại gia vị hay điều vị để món ăn làm sao tươi và thật nhất có thể.
Điểm đặc biệt, ông xã chị nấu cơm rất nhanh. Thậm chí anh còn dọn dẹp bếp cũng như rửa sạch đồ dùng nấu ăn ngay sau khi nấu. Nhiệm vụ của chị chỉ là rửa và dọn bàn sau khi ăn. Quan điểm của chồng chị là nấu ăn ngon chưa đủ, còn phải dọn dẹp căn bếp lúc nào cũng sạch thơm nữa.
Sau nhiều năm bên nhau, chị Việt Bích hạnh phúc nói, ông xã thực sự là mẫu người của gia đình. Trước khi kết hôn, anh thích đi phượt, đi chơi hơn nhưng lúc đã có vợ, con, anh tự hạn chế rất nhiều và vun vén cho gia đình nhỏ của mình nhiều hơn. Sau kết hôn, chị cảm nhận anh luôn có sự thay đổi tích cực, ngày càng hoàn thiện hơn. Đó cũng là lý do giúp hôn nhân của anh chị bền vững suốt nhiều năm.
Phong cách ẩm thực của chồng chị là Âu, Á kết hợp. Vì thế, hôm nào không ăn các món phong cách Âu, anh lại chế biến các món ăn thuần Việt.