Trong gần 20 năm hạnh phúc bên vợ, vị bác sĩ cũng gặp những chuyện “đỏ mặt” trong đời sống lứa đôi, nhưng với kiến thức và kinh nghiệm của mình, anh đã nhanh chóng lấy lại phong độ.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc (SN 1976), hiện là Trưởng khoa Nam học và Giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Anh được nhiều đồng nghiệp, bệnh nhân biết tới với tên gọi Dr Happy (bác sĩ Hạnh phúc) và là một bác sĩ “mát tay” trong điều trị nam khoa.
Bác sĩ Bắc có cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm bên vợ và 3 con trai. Đằng sau vị bác sĩ nam khoa vừa nghiêm nghị nhưng cũng không kém phần hài hước với vóc dáng mảnh khảnh thư sinh, anh là ông bố, người chồng như thế nào khi rời chiếc blouse trắng, trở về với tổ ấm của mình? Dưới đây là những chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc với Eva.vn về công việc và cuộc sống của anh.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc đang khám bệnh cho một nam bệnh nhân.
- Chào PGS.TS Nguyễn Hoài Bắc, điều gì đã khiến anh chọn trở thành bác sĩ nam khoa khi theo đuổi nghề y?
Khi theo đuổi nghề y, tôi đã nhận ra rằng sức khỏe nam giới là một lĩnh vực đặc biệt, đòi hỏi sự nhạy bén, sự tôn trọng và khả năng tương tác với các bệnh nhân nam. Tôi thấy các vấn đề nhạy cảm như rối loạn cương dương, vô sinh nam, các trục trặc về tiểu tiện hay về tình dục… có thể ảnh hưởng nghiệm trọng đến chất lượng cuộc sống của người đàn ông và cả gia đình họ. Trở thành một bác sĩ nam khoa cho phép tôi được kết hợp cả kỹ thuật y học và khía cạnh tâm lý để giúp đỡ họ tìm lại sức khỏe và sự tự tin. Và để làm điều đó, khi khám chữa bệnh, tôi luôn cố gắng lắng nghe và tạo ra một không gian an toàn để bệnh nhân có thể chia sẻ vấn đề của mình mà không gặp cảm giác xấu hổ và bất tiện. Tôi rất tự hào về công việc của mình và luôn cố gắng cung cấp cho bệnh nhân sự chăm sóc tốt nhất.
- Là một bác sĩ nam khoa, đồng thời cũng là ông bố có 3 con nhỏ, một ngày của anh thường diễn ra như thế nào?
Tôi thường bắt đầu một ngày từ 5h sáng, đầu tiên là học tiếng Anh khoảng 45 phút, sau đó tới các sinh hoạt cá nhân và 6h thì lái xe đi làm. Tôi khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân vào các buổi sáng, lúc ăn trưa thì kết hợp trao đổi với các đồng nghiệp về những trường hợp bệnh nhân đặc biệt hay cách cải thiện chất lượng dịch vụ y tế…, sau đó tranh thủ đọc sách, cập nhật các nghiên cứu mới, kiến thức chuyên môn…
BS Bắc cùng vợ và 3 con trai trong một chuyến du lịch gần đây.
Buổi chiều tôi sẽ ưu tiên cho việc khám bệnh, mổ, giảng dạy, tham gia hội chẩn về các trường hợp phức tạp để đưa ra các phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân… Đây cũng là thời gian tôi có thể tận dụng để tìm hiểu các nghiên cứu mới, tham gia các khóa học chuyên ngành hay hội thảo y khoa để nắm bắt những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực nam khoa… Cuối ngày là lúc tôi trở về tổ ấm nhỏ và dành thời gian nghỉ ngơi, “sạc” năng lượng cho những ngày làm việc tiếp theo.
- Với lịch làm việc “điên cuồng” như vậy, anh làm thế nào để cân bằng được công việc và cuộc sống gia đình?
Quả thực, tôi thường phải học cách xác định được những giai đoạn hay sự kiện nào là quan trọng trong công việc và trong gia đình để có sự ưu tiên. Tôi phải lên kế hoạch cụ thể và phân chia khoảng thời gian hữu hạn của mình sao cho hợp lý giữa vai trò một bác sĩ với vai trò một người chồng, người cha. Dù vậy, nhiều khi một tay cũng không thể ôm xuể. Tôi phải bàn bạc với vợ, tìm ra cách chia sẻ trách nhiệm. May mắn là tôi có được một mạng lưới hỗ trợ rất tốt, đó là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và người giúp việc nên tới giờ vẫn “cân” được mọi thứ.
Nhưng dù “cân” thế nào thì ai làm trong ngành y đều biết, có những tình huống khẩn cấp mà mình cần ưu tiên công việc trên cả gia đình. Để người thân hiểu và hỗ trợ, tôi thường xuyên chia sẻ và giải thích với họ về tính cấp bách của việc cụ thể nào đó và lý do vì sao tôi phải ưu tiên nó. Thực tế, những khó khăn, lo lắng của tôi trong công việc luôn được vợ và đại gia đình thấu hiểu, sẻ chia. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những tình huống khó khăn và luôn gắn kết với nhau bằng cách đó.
Hình ảnh Dr Happy tại nơi làm việc.
- Khi “cân” giữa công việc và gia đình như vậy, anh thấy sao về những thách thức mình thường gặp ở bệnh viện so với những gì anh phải “đương đầu” khi về nhà?
Trong công việc thì ai cũng có các thách thức phải đối mặt. Với tôi, đó áp lực thời gian khi khối lượng công việc phải giải quyết trong một ngày quá nhiều, từ khám bệnh, phẫu thuật, giảng dạy, quản lý tại khoa và tham gia hoạt động xã hội… Hơn nữa, các bệnh nhân của tôi thường gặp những vấn đề nhạy cảm: rối loạn cương, vô sinh nam, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… vì vậy, mình cần có chuyên môn, hiểu tâm lý người bệnh, có khả năng lắng nghe, biết đồng cảm với tâm sinh lý của họ và biết cách đối phó với các tình huống phức tạp.
Còn trong gia đình, thách thức lớn nhất tôi phải đối mặt là làm sao cân bằng giữa công việc và chăm sóc cho gia đình. Nhiều khi công việc mổ xẻ, họp hành đột xuất, những sự kiện y tế khẩn cấp khiến tôi phải xa nhà và dành ít thời gian cho vợ con. Như hầu hết những người đàn ông khác, tài chính cũng là áp lực lớn, nhất là khi tôi phụ trách một khoa vừa bước đầu phát triển và bản thân muốn đầu tư vào sự nghiệp đào tạo thật tốt, lại vừa cáng đáng gia đình nhỏ với 3 cậu con trai đang tuổi đến trường.
- Là bác sĩ nam khoa, có bao giờ anh gặp trục trặc trong chuyện chăn gối và anh giải quyết như thế nào?
Bệnh tật không trừ một ai. Bệnh xảy ra với người khác thì cũng sẽ xảy ra với mình. Áp lực cuộc sống, quá tải công việc, deadline nhiều cũng có lúc đã làm tôi "gục ngã", rồi gặp tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Tuy nhiên, là một người có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực, hơn ai hết tôi luôn hiểu rằng "chuyện đó tốt" chỉ có thể xảy ra khi chúng ta ở trạng thái khỏe mạnh về thể chất và thoải mái về tinh thần. Do vậy, mỗi lần gặp những biến cố như vậy, tôi coi đó như một dấu hiệu mình đang làm việc quá sức, để từ đó có những thay đổi và điều tiết cho phù hợp, giúp cho mình thăng bằng hơn.
Tôi thường giảm bớt công việc, lựa chọn những thứ cần ưu tiên để làm trước, dành nhiều thời gian cho gia đình và giao lưu với bạn bè, đi ngủ sớm hơn và chú ý rèn luyện vận động, ăn đủ chất, uống bổ sung thêm vitamin. Khi stress qua đi, tinh thần mình thoải mái, sức khỏe thể lực được cải thiện thì mọi chuyện sẽ đâu vào đó.
Ở bên nhau 20 năm, vợ chồng anh Bắc vẫn giữ được ngọn lửa hôn nhân tươi mới nhờ luôn chia sẻ, hỗ trợ và dành thời gian chất lượng cho nhau. Ảnh: NVCC.
- Anh cảm thấy việc là một bác sĩ nam khoa ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống gia đình, và ngược lại, hạnh phúc của gia đình tác động ra sao tới sự nghiệp, công việc của anh?
Công việc của một bác sĩ thực sự đòi hỏi thời gian và nỗ lực lớn. Đặc biệt trong giai đoạn đầu gây dựng một khoa Nam học và đào tạo đội ngũ mới, tôi phải làm việc cật lực, có khi làm cả ca đêm hoặc ngày nghỉ nên ảnh hưởng đến quỹ thời gian dành cho gia đình. Dù vậy, tôi luôn thấy công việc của mình đáng giá khi có thể giúp đỡ được người khác, mang lại sự chăm sóc và hy vọng cho bệnh nhân và người thân của họ.
Khi ở nhà, ông bố Hoài Bắc thích dành thời gian chơi với các con và nấu món ngon cho gia đình.
Những cống hiến và thành tựu tôi đạt được trong công việc cũng truyền cảm hứng cho người thân. Mọi người trong gia đình luôn trân quý công việc tôi đang làm, sẵn sàng hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho các các ca tôi phẫu thuật. Bà xã lúc nào cũng tin tưởng và khích lệ tôi, đồng cảm và lắng nghe tôi “dốc lòng về những khó khăn, áp lực gặp phải. Cô ấy tôn trọng những quyết định và tin tưởng vào khả năng thành công của tôi, chẳng nề hà đảm nhận phần lớn trách nhiệm gia đình để tôi có thời gian và không gian hoàn thành tốt nhất công việc.
Gia đình, đặc biệt là vợ và con cái thực sự là nguồn động viên, là cảm hứng và sự ổn định trong cuộc sống của tôi, mang đến cho tôi tình yêu, sự chăm sóc và niềm hạnh phúc đích thực. Sự ủng hộ và hiểu biết từ vợ và các con đã giúp tôi tự tin và đủ sức mạnh theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực y học.
- Trong mắt vợ và các con, anh nghĩ hình ảnh của mình như thế nào?
(Cười tươi) Tôi nghĩ hình ảnh mình trong mắt vợ con cũng khá tuyệt vời: Một người chồng biết quan tâm và chia sẻ, luôn sẵn sàng lắng nghe vợ; Một ông bố khá mẫu mực, đáng tin cậy và đóng vai trò định hình giá trị cho con cái.
Nhiều người ngưỡng mộ những hình ảnh "tình bể bình" của vợ chồng bác sĩ Bắc.
- Thực sự thì người đàn ông - bác sĩ siêu bận rộn như anh đã quan tâm tới vợ con như thế nào để tạo dựng và giữ vững được hình ảnh “khá tuyệt” đó?
Quan tâm đến nhau không cần phải làm những việc gì to tát cho nhau. Không phải lúc nào cũng đi du lịch hay phải có điều kiện để hưởng thụ cuộc sống một cách sang chảnh. Đôi khi chỉ cần chia sẻ những việc nhỏ nhặt trong gia đình, chỉ là những câu nói đơn giản nhưng chất chứa một sự quan tâm thật lòng như: “Em có mệt lắm không?”, “Em đã ăn gì chưa?” hay “Đi ngủ sớm đi em, ngày mai lại làm việc tiếp”... khi vợ trở về nhà vào buổi tối muộn.
Bất cứ khi nào có thể, tôi đều dành thời gian cho gia đình, sẵn sàng lau nhà, đón con hoặc thỉnh thoảng nấu ăn. Thật sự nấu ăn là một sở thích của tôi mỗi khi rảnh rỗi. Tôi không chắc là mình chế biến món ăn có ngon không nhưng có một điều chắc chắn là mình luôn luôn dành cả tâm huyết cho việc nấu. Khi bạn dành tâm huyết cho việc gì thì những người xung quanh sẽ cảm nhận được. Tôi nhận thấy nhu cầu của phụ nữ nói chung, người vợ nói riêng rất đơn giản, không cần gì to tát, chỉ cần những thứ nho nhỏ nhưng thật lòng!Với con cái, tôi dành thời gian tối đa của mình để tham gia vào cuộc sống của các con, chơi cùng và dạy dỗ chúng.
- Anh nghĩ sao nếu sau này 1 trong 3 con trai muốn theo đuổi nghề nam khoa như bố?
Nếu con trai sau này có mong muốn theo nghề của tôi thì đó là điều tôi hạnh phúc nhất. Tôi sẽ giải thích cho con về tầm quan trọng của sứ mệnh trong nghề bác sĩ nam khoa, đó là chăm sóc và giúp đỡ sức khỏe nam giới. Tôi sẽ hỗ trợ và khuyến khích con trong việc theo đuổi đam mê và lựa chọn nghề nghiệp, lắng nghe những gì con muốn và giúp con khám phá lĩnh vực này. Nhưng tôi cũng khuyến khích con tự mình quyết định và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với đam mê và sở thích. Bất kể con chọn nghề gì, tôi luôn ủng hộ và sẵn lòng hỗ trợ.
Vợ TS.BS Nguyễn Hoài Bắc, chị Bùi Lan Hương (hiện công tác tại đài truyền hình Việt Nam), chia sẻ về chồng: Anh ấy là một người đáng tin cậy, rất quan tâm và có trách nhiệm với gia đình, luôn yêu thương và chia sẻ với vợ con. Trong mọi tình huống, anh luôn vững vàng bên cạnh cả nhà, quan tâm, thấu hiểu và chăm sóc tận tâm cho từng người. Có lúc anh thể hiện tình yêu và sự quan tâm bằng những bữa ăn ấm cúng, chăm sóc con hay tổ chức để cả nhà đi dạo, xem phim, đi du lịch… Tôi trân trọng công việc của chồng, nhất là khả năng anh đem lại sự chăm sóc và giúp đỡ cho người khác. Tôi thấy anh tận tâm và đáng kính khi cống hiến thời gian, năng lực và kiến thức của mình để chăm sóc và cứu chữa những người cần giúp đỡ. |