Nhiều gia đình nghệ sĩ khác như nhà Hoàng Bách, Quế Vân... cũng soạn lễ cúng ông Công ông Táo chỉn chu.
Theo quan niệm dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm (23/12 âm lịch), thần Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình để có thưởng phạt công minh. Cứ dịp này, người dân cùng nhau sắm sửa lễ vật, làm mâm cỗ cúng để tiễn ông Táo về trời.
Trên mạng xã hội lại ngập tràn các mâm cỗ đủ sắc màu từ truyền thống đến hiện đại của các gia đình. Các sao Việt đang bận bịu trong thời điểm chạy show cuối năm nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn không quên chuẩn bị cỗ cúng trong ngày đặc biệt này, dù có người đơn giản, có người cầu kỳ với khá nhiều món.
NSND Tự Long khoe hình ảnh bàn thờ khang trang nhà mình với các lễ vật đủ đầy. Cỗ cúng cũng rất đặc biệt, ngoài canh mọc, nộm còn có gỏi cuốn, hải sản... Nam danh hài tức cảnh làm thơ: "Hôm nay ông táo về trời/ Báo cáo chuyện đời suốt một năm qua/ Ông đi đúng ngày hai ba/ Lúc ông về nhà là đêm ba mươi/ Lửa ông sưởi bếp bao người/ Nhà nhà yên ổn đời đời ấm no/ Cha con tình nghĩa vợ chồng/ Trong ngoài gia đạo thuận hoà an vui".
Cỗ cúng nhà Minh Hương "Nhật ký Vàng Anh" thì đúng chuẩn hương vị Tết, rất chỉn chu. Có gà luộc cánh tiên, bánh chưng, xôi gấc, bánh bao, giò các loại, canh mắng chân giò, nem rán và cốm xào đậm chất Hà Nội.
Quế Vân cúng chay với nhiều món nem rán, nem bì, thịt quay chay, đỗ xào, canh, đặc biệt là bánh hình cá và đĩa xôi gấc được tô điểm với những bông hoa rất đẹp mắt. Nữ ca sĩ viết: "Giữa thịnh suy đổi thay của cuộc đời. Phiền não của đời người khiến cho đôi lúc trong cuốc sống con không kiếm chế được bản thân con xin ông chầu trời báo cáo soi xét cho con ạ".
Á hậu Diễm Châu lại làm cỗ cúng khá đơn giản với thịt kho, khổ qua dồn thịt, cá rán, bánh thỏi vàng, hoa quả. Cô thổ lộ: "Năm hết Tết đến, kính tiễn ông Táo bà Táo về trời, cầu mong cho gia đình mỗi nhà 1 năm mới vạn sự khổ hạnh được qua đi, sức khỏe an khang, làm ăn phát đạt, lộc lá đầy nhà. Mâm cúng đơn sơ, nhà bán gì dâng đó ạ".
Ca sĩ Thu Phượng cũng làm cỗ khá đơn giản nhưng hình ảnh chồng Tây của cô đứng trước mâm cỗ cúng khấn ông Công ông Táo thành tâm điểm. Nữ ca sĩ chia sẻ: "Ông Công ông Táo về Trời nhé... Hai bố con Bull - Zon đã thuộc làu nét văn hoá đẹp đẽ của ngày 23 tháng Chạp tại Việt Nam. Ba Bull khấn : "Hai ông, một bà Thần Bếp ơi, xin cám ơn đã mang cho chúng tôi thức ăn quanh năm qua...'"
Cựu người mẫu Đoàn Thanh Thảo cùng ông xã là nhạc sĩ Hoàng Bách và mẹ chồng cùng cúng ông Công ông Táo. Gia đình cúng trong gian bếp với lễ vật gồm cá chép, bánh trôi tàu, hoa quả, bánh kẹo, vàng mã. Thanh Thảo bày tỏ: "Hôm nay đã là 23 tháng chạp, chị em mình chuẩn bị đưa Ông Công - Ông Táo đến đâu rồi?Mong cả nhà sẽ có những ngày cuối năm bình an bên gian bếp và thật nhiều phúc lộc sắp đến cùng năm mới".
MC Mai Ngọc chỉ đăng một góc lễ cúng ông Công ông Táo với cá chép. Cô chia sẻ: "7 ngày nữa là năm mới... 23 tháng Chạp năm nay thời tiết đẹp để các ông về trời báo cáo".
Tham khảo cách luộc gà cúng đẹp dưới đây: Nguyên liệu: - Gà trống hoa (tơ): 1 con từ 1.2 - 1.5kg - Lạt giang hoặc dây nilon: 1 sợi - Muối, chanh Cách chọn gà cúng ngon Khác với chế biến các món thông thường, gà cúng phải được lựa chọn tỉ mỉ: - Gà trống chọn loại gà tơ, chưa thiến. - Quan sát thấy gà có lông mềm, trên mào gà màu đỏ tươi, không bị thâm hoặc xuất hiện sẹo, dị tật là được. - Chạm tay vào thân gà thấy phần mình gà béo, không bị trơ xương. - Trên da gà lỗ chân lông nhỏ không quá to. Loại gà này khi luộc lên da mới căng và đẹp mắt. - Ức gà tròn đầy. Nếu thấy ức nhọn thì đó là gà gầy, làm lễ sẽ không đẹp. Hướng dẫn luộc gà cúng buộc cánh tiên: Bước 1: Sơ chế gà - Gà mua về lấy muối và chanh chà xát lên trên bề mặt da gà. Thao tác này giúp khử sạch mùi hôi của gà một cách hiệu quả. Lưu ý, bạn có thể dùng nước gừng để thay thế, tuy nhiên loại củ này có thể ảnh hưởng tới mùi vị của nước luộc gà, khó sử dụng được cho nhiều món ăn. - Dùng tay bóp nhẹ ở đầu gà để lấy hết phần dịch mũi, dịch lưỡi và cuống họng. - Rửa lại gà với nước sạch. Một mẹo nhỏ mà ít người biết, là khi rửa bạn nên dựng con gà lên như thế dễ lấy đi các cặn bẩn còn sót lại trên mình gà. - Gà cúng cần có đầy đủ bộ lễ: Tiết, mề, lòng gan… nên bạn cũng làm sạch chúng. Tiết rửa dưới vòi nước cho sạch rồi để ráo. Lòng mề bóp muối sau đó rửa lại cùng nước. Bước 2: Buộc gà cúng cánh tiên - Lạt giang ngâm trong nước cho mềm để khi buộc gà dễ hơn. - Đặt gà nằm thẳng lên, dùng tay dựng cổ gà rồi kẹp 2 cánh để cố định. - Lấy lạt đã ngâm buộc dưới cánh sao cho cố định được cánh và cổ gà. Lưu ý, không buộc lạt vào mào gà, như thế phần gà cúng trông sẽ không được đẹp. Bước 3: Luộc gà - Không phải nồi nào cũng luộc được gà. Bạn nên chọn nồi sâu lòng, to vừa đủ để khi luộc dễ lật gà nhất. - Thêm nước lạnh vào ⅔ nồi, đặt gà đã buộc cánh tiên vào nồi rồi đặt lên bếp đun với lửa lớn. Chú ý, gà cúng muốn đẹp không bị “chín ngoài, sống trong” thì bạn nên đặt gà nằm úp. - Thêm ½ thìa bột canh hoặc vài hạt muối vào trong nồi nước luộc để thịt gà khi chín đậm đà hơn. - Khi thấy nước trong nồi đã nóng già, bạn thả tiết, lòng, mề… vào luộc chung. - Nồi gà luộc sôi, bạn vặn nhỏ lửa sao cho nồi gà chỉ sôi lăn tăn rồi hớt bọt. - Để gà khoảng 5 phút tính từ thời điểm sôi thì tắt bếp. Muốn gà chín hoàn toàn, bạn cần ngâm gà thêm khoảng 15 - 20 phút. Bước 4: Vớt gà - Vớt gà cùng bộ lòng mề ra bát nước lạnh để da gà giòn ngon, màu vàng đẹp và thịt săn chắc. Bước 5: Trang trí - Dùng lòng gà cuộn quanh lòng mề để tạo thành một bó tròn gọn gàng. - Đặt lòng mề vào bên trong con gà hoặc để ở bên cạnh cũng được. - Xếp gà ra đĩa, cài vào miệng gà 1 bông hoa hồng đỏ là bạn đã có một đĩa gà luộc đẹp mắt dâng cúng ngày giao thừa, mùng Một, lễ hóa vàng… trong dịp Tết Nguyên đán này rồi. Chúc bạn thành công với cách luộc gà cúng buộc cánh tiên siêu đơn giản mà ai cũng có thể áp dụng này. |