Đi công tác 5 hôm, 2 bụi cây nở đầy hoa của tôi giờ chỉ còn mỗi gốc. Hỏi chồng mới biết tôi vừa đi công tác, mẹ đã xách dao ra chặt hai cây đó ném ra thùng rác.
Sau khi xây nhà xong, có khoảng sân vườn rộng nên tôi muốn trồng ít hoa, cây cảnh cho đẹp nhà. Nhưng vì công việc bận rộn, ít có thời gian chăm sóc cây cối nên tôi chỉ muốn trồng loại cây nào ra hoa đẹp, dễ sống, không phải tốn công chăm sóc nhiều.
Khi đang lăn tăn không biết chọn cây gì, đứa bạn lại đưa cho tôi 2 gốc cây. Nó bảo hai cây này cùng một giống nhưng một loại ra hoa màu vàng, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, cây còn lại ra hoa màu hồng, tượng trưng cho bình yên, gia đình hạnh phúc.
Bạn cũng bảo tôi loại cây này rất dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chỉ cần trồng ở chỗ nắng, tuần tưới nước 2-3 lần là được, trời nắng thì tưới nhiều hơn. Năm cắt tỉa 2 lần cho thoáng cây và để tập trung chất dinh dưỡng thúc hoa nở đẹp hơn. Hoa nở quanh năm, nhưng nở nhiều nhất là mùa hè và mùa thu.
Tôi từng thấy hoa của loại cây này trong sân vườn nhà đứa bạn rồi, nó đẹp dịu dàng, cuốn hút, lại mang hương thơm dễ chịu nên tôi thích lắm. Vừa dễ trồng, dễ chăm sóc lại có hoa đẹp ngắm quanh năm dại gì không trồng. Tôi cảm ơn đứa bạn rối rít, mang cây về nhà trồng trong sân vườn luôn. Chăm bẵm mãi cây mới ra hoa, nhìn hoa nở rực rỡ khoe sắc trong sân vườn mà tôi lòng ngập tràn vui sướng.
Nhà mới xây xong, có khoảng sân vườn nên tôi muốn trồng ít hoa. (Ảnh minh họa)
Cách đây 2 tuần, tôi phải đi công tác nên đành nhờ mẹ chồng sống cách đó 80km tới ở vài hôm để chăm con hộ. Con còn nhỏ, chồng thì vụng, để anh ở nhà trông con một mình tôi không yên tâm.
Nào ngờ, đi công tác 5 hôm, 2 bụi cây nở đầy hoa của tôi giờ chỉ còn mỗi gốc. Hỏi chồng mới biết tôi vừa đi công tác, mẹ đã xách dao ra chặt hai cây đó ném ra thùng rác. Bao công sức tôi chăm sóc, mong ngóng mãi cây mới ra hoa, chưa ngắm được mấy hôm đã bị mẹ chồng chặt ngang, ai mà chịu cho nổi chứ. Tôi ôm một bụng tức tối chất vấn mẹ chồng.
- Con nhờ mẹ lên chăm cháu thôi mà sao mẹ ở nhà lại tự tiện chặt cây của con đi thế? Mẹ có biết con trồng bao lâu cây mới ra hoa đợt đầu đó không?
Những tưởng mẹ chồng sẽ áy náy, xin lỗi, không ngờ mẹ còn cao giọng trách ngược lại tôi:
- Bao nhiêu giống hoa đẹp con không trồng, lại đi rước cây độc như trúc đào về nhà. Nhỡ cu Bi ăn phải thì làm sao hả? Lúc đó hối hận không kịp đâu con ạ.
- Độc gì mà độc, nhà bạn con cũng trồng, bao năm nay có xảy ra vấn đề gì đâu. Mẹ cứ quan trọng hóa vấn đề lên.
Hai mẹ con cãi nhau thêm vài câu, mẹ chồng tức giận xách vali về nhà luôn. Tôi cũng chẳng giữ, vì rõ ràng bà chặt cây của tôi là sai mà. Trách mẹ chồng nhưng hôm qua tôi đã phải gọi điện xin lỗi mẹ chồng.
Đi công tác về biết mẹ chồng chặt cây tôi trồng, tôi tức xì khói, trách móc bà. (Ảnh minh họa)
Chẳng là hôm qua đang đi làm, đứa bạn cho tôi cây về trồng bỗng gọi điện tới với giọng hốt hoảng:
- Hai cái cây lần trước tao cho mày về trồng, mày chặt ngay đi. Con trai tao nghịch dại ăn một tí lá trúc đào mà ngộ độc, phải đi nhập viện đây này. Bác sĩ bảo may đưa tới bệnh viện kịp thời, chậm chút nữa chắc là…
Nghe đứa bạn nói mà tôi giật mình, vội vàng tra cứu ngay về loại cây này thì mới biết cây trúc đào đẹp nhưng toàn thân từ lá, hoa,... đều có độc tố. Nếu nhựa cây tiếp xúc với bề mặt da có thể gây bỏng nhẹ, viêm tấy. Với những vùng nhạy cảm như giác mạc, nhựa cây trúc đào sẽ gây lở loét nhanh dẫn đến mù lòa.
Tệ hơn, nếu con người và động vật ăn phải lá trúc đào có thể gây buồn nôn, chóng mặt, xuất huyết nội, nhịp tim khó kiểm soát. Trong trường hợp nặng có thể gây ảnh hưởng tới dạ dày, hệ thần kinh trung ương, dẫn đến đột quỵ, tai biến, thậm chí là tử vong.
Đọc đến đâu tôi rùng mình, ớn lạnh đến đó vì không ngờ loại cây đẹp như trúc đào lại độc đến thế. Bao nhiêu ca đã phải nhập viện vì ăn nhầm lá trúc đào, báo đài đưa tin cảnh báo rất nhiều vậy mà tôi lại “mù tịt” chẳng để ý gì. Cũng may mẹ chồng biết mà chặt đi, chứ không một ngày nào đó con vô tình ăn phải và nằm viện, chắc tôi sẽ ân hận cả đời mất.
Một số loại cây có độc không nên trồng trong nhà
- Vạn niên thanh: Lá cây, đặc biệt là nhựa cây vạn niên thanh có chứa chất calcium oxalate. Người trưởng thành nếu nhai nuốt phải có thể gây đau rát miệng, phù nề và nôn mửa. Với trẻ em, nếu tiếp xúc thường xuyên với mủ cây này sẽ có nguy cơ viêm da cao.
- Hoa đỗ quyên: Độc tố andromedotoxin và arbutin glucoside được tìm thấy tại hầu hết các bộ phận của cây đỗ quyên, bao gồm cả rễ và hoa. Người lớn nếu ăn phải dễ bị khó thở, buồn nôn, hoa mắt, trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị ngộ độc nặng.
- Hoa thủy tiên: Có vẻ bề ngoài thanh khiết nhưng nhựa của hoa thuỷ tiên lại chứa chất độc alkaloids. Nếu da tiếp xúc với loại độc này sẽ gây ra tình trạng dị ứng, mẩn ngứa. Nếu ăn phải hoa thủy tiên có thể gây giãn đồng tử đột ngột, co giật, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim,…
- Cây trạng nguyên: Nhựa cây trạng nguyên có độc, nếu da tiếp xúc với nhựa cây có thể gây dị ứng, phát ban. Nếu nuốt phải nhựa cây dù chỉ là một lượng nhỏ cũng có thể khiến bạn bị tiêu chảy.
- Cây lưỡi hổ: Khoa học đã chứng minh, trong nhựa cây lưỡi hổ có chứa saponin – một trong những độc tố gây phát ban, dị ứng, nặng hơn là buồn nôn và tiêu chảy nếu nuốt phải.