Đẹp hơn cổ tích

Nhà văn Võ Thu Hương - Ngày 20/11/2023 01:21 AM (GMT+7)

Cổ tích thực ra không chỉ có từ ngày xửa ngày xưa. Mà cả ngày nảy ngày nay, trong những gì ngọt ngào, tử tế.

Hôm kia, tôi lặng đi hồi lâu trước một câu chuyện bình dị, đời thường quá đẹp đăng trên báo Thanh Niên, kể về cô gái Phương Vy dạy học miễn phí cho những đứa trẻ bán hàng rong. Nguyễn Phương Vy thường đợi qua 0h sáng, đến một quán cà phê ở Quận 1, TP.HCM để dạy từng con số, cái chữ cho 2 cậu bé bán hàng rong xa lạ. Mục đích ban đầu thật đơn giản: Để các em có thể tự viết được tên mình.

Cô sinh viên tuổi 21, còn rất trẻ nhưng tinh tế đến độ, không chỉ mua tập vở, giấy bút, màu vẽ tặng cho những "học sinh" của mình, mà còn mặc áo dài mỗi khi đến "lớp học đặc biệt". Những đứa trẻ bán hàng rong mới lên 10 đã dang dở giấc mơ tới trường chỉ vì nhà nghèo, sớm phải mưu sinh thành phố. Và bất ngờ, cả 2 gặp được "cô giáo" - người biến giấc mơ của chúng thành hiện thực tại quán cà phê.

Khi ấy, Vy ngủ gật, xung quanh vắng người, laptop, máy ảnh, điện thoại để hớ hênh. Cậu bé bán hàng rong đã đánh thức cô vì lo mất đồ. Hỏi thăm, Vy biết em đã nghỉ học vì đêm đi bán về khuya, sáng ra lên lớp hay ngủ gục, không theo nổi… Cậu bé 10 tuổi ấy còn chưa biết tự viết tên mình vì chưa thuộc hết bảng chữ cái. Vy đã hứa quay lại dạy em học chữ.

Câu chuyện của Phương Vy lan tỏa trong những ngày qua. Một câu chuyện không hề có sắc màu bi lụy nhưng vẫn khiến người đọc cảm động rưng rưng, có người rơi nước mắt. Vẻ đẹp mà cô sinh viên - "cô giáo" không bục giảng, không ghế không bàn - dạy những đứa trẻ lang thang trên vỉa hè đường phố chỉ vì lòng trắc ẩn với những số phận tình cờ gặp nhau, khiến tôi tin không chỉ đẹp trong dịp 20/11 mà còn là nốt nhạc ngân dài, để chúng ta có thể nhắc nhớ mỗi khi nghĩ về một câu chuyện thật đẹp giữa đời thường.

Đẹp hơn cổ tích - 1

Những ngày này, con gái tôi đang tham gia chương trình văn nghệ cùng các bạn trên trường chào mừng 20/11. Hôm nọ con về khoe được tham gia đội múa hát, gồm 13 bạn. Con bé nói, đó là những bạn có khả năng múa hát tốt trong lớp, được cô và các bạn cùng cử ra để đi thi với các lớp khác. "Vậy những bạn khác không tham gia, các bạn ấy hơi buồn nhỉ?", tôi hỏi. "Không mẹ ạ, có 12 bạn tham gia thi kéo co, là những bạn thể lực tốt nhất lớp đấy mẹ. Và có 3 bạn thi vẽ vì các bạn ấy vẽ đẹp nhất lớp. 3 bạn thi viết chữ đẹp…". Tóm lại là, dưới sự khéo léo và tâm lý của các cô giáo, không có bạn nào đứng ngoài cuộc vui, không có bạn nào là không có khả năng ở một lĩnh vực nào đó. Lũ trẻ, đứa nào đứa nấy đều tự hào về mình ra trò. Và dĩ nhiên trong mắt chúng, cô giáo của chúng rất tuyệt. Tất nhiên là thế.

Hôm nọ, bé con của tôi tự dưng đưa ra một danh sách xếp hạng những người con yêu quý. Cô chủ nhiệm được xếp thứ 3, chỉ sau bố mẹ và… hơn cả ông bà. Có thể sẽ có những bố mẹ bực bội rằng, ơ hay, phải dạy con biết tôn ti trật tự, có ông bà mới có cha mẹ mà sinh ra con chứ, ai lại xếp cô giáo lên trước thế kia? Nhưng với tôi, tôi thực sự mừng vì điều ấy. Công bằng mà nói, thời gian ở trường của con còn nhiều hơn ở nhà, dĩ nhiên nhiều hơn nhiều lần so với việc gặp ông bà ở quê. Trẻ con trực quan, gần gũi ai, yêu quý ai thì cứ xếp hạng theo đúng suy nghĩ của mình. Thời gian còn rộng và dài, đủ để sau này con hiểu biết nhiều hơn về nguồn cội.

Còn trong những tháng ngày ấu thơ, khi các con gặp được cô thầy có tâm, tôi vẫn nghĩ điều ấy tuyệt hơn những trang cổ tích.

Đẹp hơn cổ tích - 2

Thi thoảng nghĩ lại, tôi vẫn nhớ như in cảm giác xúc động trước sự tử tế của thầy cô dành cho mình. Cô giáo dạy văn lớp 5 nói với tôi rằng, cô tin em sẽ thành nhà văn tử tế, khi tôi in cuốn truyện đầu tiên, dù vẫn đang ngồi giảng đường báo chí. Cô giáo dạy văn lớp 8, cứ mỗi độ 20/11, thấy tôi đến nhà với vẻ mặt hơi ái ngại vì giữa trăm bó hoa khoe sắc, "bó hoa" của tôi - đứa học sinh nghèo chỉ luôn nhõn 1 cành hồng. Cô luôn trân trọng giữ lại cành hoa ấy và ép tôi cầm về vài bó hoa để mang tặng các thầy cô khác, đỡ tốn tiền mua…

Đến giờ, khi đã mua bao nhiêu bó hoa lộng lẫy để tặng thầy cô của con mình, tôi vẫn nhớ những bó hoa ngày thơ ấu ấy, được nhận từ tay cô, với một chút ngại ngần bị niềm xúc động phút chốc che mất.

Cổ tích thực ra không chỉ có từ ngày xửa ngày xưa. Mà cả ngày nảy ngày nay, trong những gì ngọt ngào, tử tế. Mà, sự ngọt ngào, tử tế, tôi vẫn nghĩ sẽ luôn khắc ghi sâu sắc khi đến từ những tấm lòng thầy cô.

Trung thu nay, Trung thu xưa
Trung thu xưa, chúng tôi háo hức từ trước cả tháng, tập múa, làm đèn, đếm ngược từng ngày đợi Rằm tháng Tám. Trung thu nay, đứng giữa đêm hội rộn ràng...

Chạm

Theo Nhà văn Võ Thu Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Mỗi lần đi qua một khu nhà tập thể và nhìn lên, tôi lại nhớ về cái thời mình còn là một đứa trẻ đi học bán trú, leo ra ngoài lồng sắt của...

Chị mở cửa hàng nhỏ ngay dưới khu tập thể, trong cửa hàng có các dịch vụ: gội đầu, massage thư giãn, làm mặt, làm móng… Nhiều khách hàng hay...

Thật lạ là khi bé, ta được khuyến khích hãy mơ những giấc mơ thật lớn lao. Nhưng khi trưởng thành, câu chúng ta hay nghe lại là: "Thực tế...

Tin bài cùng chủ đề Chạm