Trung thu xưa, chúng tôi háo hức từ trước cả tháng, tập múa, làm đèn, đếm ngược từng ngày đợi Rằm tháng Tám. Trung thu nay, đứng giữa đêm hội rộn ràng ngay dưới chân tòa nhà, tôi thấy mình như một vị khách ghé qua.
"Tối nay chung cư mình tổ chức lễ hội Trung thu đó". Nghe tôi nói câu này hôm cuối tuần, hai đứa con, một tuổi teen, một "tiền teen", còn chẳng buồn ngẩng mặt nhìn mẹ một cái. Tụi nó có vẻ hờ hững với Trung thu. Cô nhóc 15 tuổi của tôi còn than phiền khi "phải" ở lại thêm 2 tiết học để "vui Trung thu" tại lớp. "Con chỉ muốn về sớm, khỏi tắc đường", nó giải thích.
Buổi tối, tôi cố tìm mọi cớ lôi cậu bé 11 tuổi của mình xuống vui hội Trung thu dưới sân tòa nhà. Cu cậu không muốn chen chân xem múa lân, hát hò, nhảy múa. Những người trên sân khấu kia dường như chẳng có tí liên quan nào tới con, và cả tôi. Nhưng, là bà mẹ đã bước qua tuổi 40, tôi vẫn thấy tim xốn xang khi nhìn những gương mặt bé thơ mắt trang điểm lấp lánh, xúng xính trong bộ váy nhóng nhánh, vừa hồi hộp, vừa háo hức bước lên sân khấu và bắt đầu nhịp chân, xòe tay theo điệu nhạc.
Tôi nhớ những ngày Trung thu thuở ấy. Chúng tôi háo hức từ trước đó cả tháng. Tối tối, cả hội trong xóm í ới gọi nhau. Chúng tôi tập trung ở sân một nhà giữa xóm - thường là nhà chị bí thư chi đoàn, và cùng nhau tập văn nghệ. Góc này các bé mẫu giáo tập hát đồng ca, góc kia đội thiếu nhi múa tập thể, giữa sân là đôi thanh niên tập bài song ca… Bên ngoài, nô nức hết nhóm nọ tới nhóm kia tới xem. Tối nào cũng như tối nào, từ 7 giờ có khi tới tận hơn 10 giờ đêm. Nhớ có lần, tôi đã vào cấp 2 rồi, tối mải mê tập văn nghệ tới 11 giờ, bị bố đạp xe tới tận nơi "gô cổ" về, còn dọa: "Từ mai buổi tối cấm có đi đâu". Nhưng tối hôm sau, tôi vẫn lẻn đi.
"Cái Anh con nhà bà Kiệm kìa", "Cái Thu đấy, cả 3 chị em đều hát hay lắm…". Cả làng tôi hầu như ai cũng biết nhau, từ lớn tới bé. Hồi đó, cứ người đã diễn năm trước chỉ cho người năm sau. Chúng tôi nào đã có YouTube!
Rồi ngày "trọng đại" tới. Rằm tháng 8. Từ hôm trước, đứa nào đứa nấy bắt đầu thấp thỏm sợ trời mưa. Nhưng thật kỳ lạ, năm nào cũng vậy, dù sáng xầm xì, hay chiều đổ mưa rào, thì tới tối, trăng tròn vành vạnh vẫn ló ra, tỏa sáng.
Từ sáng sớm, ngủ dậy là mấy đứa trẻ chúng tôi đã chạy một mạch ra sân kho - khoảng rộng nằm phía trước chiếc kho cũ, nghe nói trước đây là nơi chứa thóc lúa của cả làng thời còn lao động tập thể. Sáng đó, các anh chị thanh niên, cô bác hội phụ nữ bắt đầu dựng bàn (hình như mượn từ trường học gần đó), kê sát thành một sân khấu hình vuông ngay góc sân kho. Rồi phông bạt mượn được về, mọi người bắt đầu túm tụm cắt, dán chữ. Tới buổi chiều, các nhạc cụ xuất hiện - một cây đàn organ, chiếc trống hoành tráng, guitar.
Thường, Rằm tháng 8 rơi vào mùa gặt rộ. Hôm đó, cả nhà tôi vẫn ra đồng nhưng sẽ về sớm hơn thường lệ. Bố kiếm được mớ cua từ mương cạnh ruộng và trong lúc mẹ làm cua, luộc mì, chị em tôi vác mấy chiếc ghế con - ghế gỗ nhỏ ông nội đóng cho, mọi khi vẫn dùng ngồi quây quần ăn cơm - ra sân kho để "xí chỗ". Ở đó, nhiều nhà đã đến trước, chỗ trải tấm nilon, chỗ đặt viên gạch, tấm chiếu... Ai không xí chỗ, tối phải đứng vòng ngoài xem từ xa, còn lâu mới thấy sân khấu, nhìn rõ mặt người nhà mình biểu diễn.
Xí xong chỗ là chị em tôi ào về nhà, ăn vội bát mì cua rồi lại chạy đi chuẩn bị biểu diễn. Chúng tôi thích "tiết mục" này lắm, được tô mắt xanh, đánh má hồng, bôi môi đỏ, tóc buộc cao hoặc thắt bím, có khi quấn thêm sợi dây kim tuyến lóng lánh. Trang điểm xong là đứa nào đứa đó chúm chím, không dám nói to, cười lớn hay ăn uống gì hết, sợ son đỏ trôi đi, môi không còn đẹp.
Rồi tới màn quan trọng nhất, run nhất nhưng cũng mong chờ nhất: bước lên sân khấu và bắt đầu căng mắt nhìn xuống dưới - nơi đã xếp chỗ lúc chiều, xem nhà mình ngồi ở đâu, mẹ hay bà có đang xem bên dưới.
Sau đêm biểu diễn đó, chúng tôi không về mà ở lại sân kho rước đèn, phá cỗ. Đèn của chúng tôi đa dạng lắm. Có đứa được bố mẹ mua cho đèn ngôi sao 5 cánh màu đỏ, đứa thì tự làm từ chai nhựa, đứa xâu vòng từ hạt bưởi phơi khô, đem đốt lên thành những đốm sáng xanh...
Cuối cùng là phá cỗ. Cỗ được bày trên những chiếc mẹt, với bưởi, na, kẹo, một cái bánh dẻo, bánh nướng được cắt thật nhỏ để đủ cho 7-8 đứa quây quần… Mỗi đứa nhón vài cái lấy lệ, chủ yếu là buôn dưa lê, nói cười vang cả góc sân, rồi còn múi bưởi, miếng bánh nào là chia nhau mang về. Đêm Rằm kết thúc, chúng tôi lại bắt đầu mong ngóng Trung thu năm sau.
Với tôi, hồi ấy và tới bây giờ, Trung thu là lễ hội vui nhất, đáng mong chờ nhất trong năm. Về sau này, có lẽ từ hồi tôi học cấp 3, Trung thu ở làng dần dần thay đổi. Chúng tôi không còn năm nào cũng tập trung dựng sân khấu biểu diễn nữa. Ngày càng có nhiều người đi làm ăn xa, ra Hà Nội học rồi làm việc, và cả những lý do gì khác tôi cũng không biết… Nhưng mỗi Trung thu, tôi đều muốn trở về, ở trong nhà, trong ngôi làng của mình.
Vài năm nay, phong trào vui Trung thu có vẻ tưng bừng trở lại. Có lẽ bắt đầu từ những người thế hệ 8X đầu 9X, vẫn lưu luyến Trung thu xưa và muốn mang lại cho con cái mình những cảm giác đặc biệt thủa nào. Nhưng Trung thu không tập trung được cả làng nữa. Làng đông lắm rồi. Từng xóm, từng thôn, các ông bố thi đua làm những chiếc đèn lồng khổng lồ, trang trí xe rước thật hoành tráng. Đội các con cũng tụ lại tập hát, tập nhảy theo YouTube. Các bà, các mẹ chuẩn bị đồ ăn vặt cho các buổi tập, sắm sanh hay mượn váy áo cho các con trong buổi biểu diễn.
Lâu lắm cũng có dịp Trung thu vào cuối tuần, tôi đưa lũ trẻ về "vui ké", đi theo đám rước đèn. Các ông bố hăng hái nhất, không phải tụi trẻ con. Trống đánh tùng tùng, xóm này có múa lân, xóm kia nhảy hiện đại, rồi xóm khác thiết kế hẳn xe kéo tụi nhỏ đi từ đầu tới cuối làng. Khi trăng đã treo đỉnh trời, xóm nào về xóm nấy, trải bạt ra ngồi chật ngõ, cả người lớn, trẻ con cùng phá cỗ. Có bia cho các bố, trái cây cho mẹ, bánh kẹo, bim bim cho trẻ con…
Ở thành phố, nhịp sống hiện đại cuốn nhanh. Chúng ta thường nhận ra mùa Trung thu từ rất sớm, khi những mẩu quảng cáo hay quầy bánh Trung thu bắt đầu xuất hiện, nhưng ta thường hững hờ ngoảnh mặt, đi ngang. Nhiều người quan tâm đến Trung thu không phải vì yêu thích dịp lễ này, mà bởi họ cần nhớ để mua bánh tặng đối tác, thầy cô, gia đình...
Giờ đây, dù ở Hà Nội hay về quê, tôi đều thấy mình như một vị khách, đứng bên ngoài quan sát, xem mọi thứ diễn ra, "vui ké" niềm vui của người khác. Tụi trẻ con dường như cũng vậy. Chúng có thể đi theo đám rước, ngồi mâm phá cỗ, nhưng vẫn như một vị khách tham dự, e dè, lạc lõng.
Tôi nhớ hồi cả nhà ở trọ trong khu Mai Dịch, mỗi năm Trung thu lại được "nhắc" bằng tiếng loa quảng cáo chương trình xiếc thiếu nhi đặc sắc. Rằm tháng 8, tụi trẻ con được một bác trong tổ dân phố đến nhà phát cho mấy cái kẹo, cái bánh. Hai đứa rụt rè chìa tay nhận, và cũng vui, một niềm vui vài phút.
Hồi đó, tôi từng nghĩ rằng có lẽ do mình đi thuê nhà, thực sự chưa có một chốn riêng nên cứ vơ vẩn cái cảm giác không thuộc về. Nhưng ngay cả hiện tại, khi đã có tổ ấm của mình, có tên trong tổ dân phố nơi đây được vài năm, tôi vẫn chưa lần nào có được cái cảm giác Trung thu thân thuộc và háo hức ấy… Có lẽ thật hão huyền và ngờ nghệch khi nghĩ rằng mình sẽ sống lại được cảm xúc của những mùa Trung thu cũ sau 30 năm - khi cuộc sống, xã hội và chính bản thân tôi đã thay đổi quá nhiều?
Tối qua, khi nằm thủ thỉ trước giờ ngủ, tôi hỏi con trai: "Con có thích Trung thu không?". Cu cậu đáp: "Có". "Vì sao thế?". "Thì Trung thu là được phá cỗ, liên hoan với các bạn hay về với ông bà ăn rằm". "Thế con có nhớ Trung thu nào mình vui nhất không?". "Năm nay". Tôi hơi ngạc nhiên trước câu trả lời này. "Mọi năm Trung thu con chỉ ăn cỗ thôi hoặc đi xem mọi người múa lân, rước đèn. Năm nay con tự tay làm một cái lồng đèn bằng vỏ bia, lúc có mẹ làm chung, lúc lại có bố giúp, con thấy vui!". Một niềm vui nhè nhẹ cũng len vào tim tôi.
Ừ nhỉ, lũ trẻ giản đơn mà. Chỉ có người lớn mới ngày càng cũ kỹ và phức tạp. Có lẽ điều tôi vẫn khắc khoải tìm kiếm, không phải chỉ là những đêm Rằm phá cỗ giữa sân kho, trăng tròn vành vạnh treo trên đầu; cũng không phải là cảm giác "làm sao để thuộc về" một nơi nào đó. Có lẽ vào mỗi khoảnh khắc ấy, tôi chỉ đang muốn "nghỉ mệt" một chút khỏi thực tại xô bồ, bằng cách nhớ và mong được sống lại những ký ức thuở thơ bé bình yên.