Không dám tin vào sự lương thiện

Ngày 03/06/2015 09:44 AM (GMT+7)

Chỉ số lương thiện cá nhân và xã hội đang dần giảm xuống, đến mức người nhặt được đồ trả lại cũng bị nghi ngờ.

Hai tháng trước, có chuyện cô kia làm rớt cái ví, em sinh viên đi làm thêm nọ lượm được, gọi điện hẹn tới chỗ em để trả vì em bận làm không đi được. Cắc cớ sao, chỗ em làm thêm lại là khách sạn, nên tuổi trẻ hồn nhiên gọi một người phụ nữ mất của đang lo quýnh tới cái chốn nhiều khả nghi đó, không nghĩ người ta có thể liên tưởng tới chuyện thật xấu.

Đọc tiếp tới đoạn cô đó mật báo cho công an, người đánh mất tài sản gọi công an dí còng vào người nhặt được tài sản màn vừa mắc cười, vừa buồn trong dạ.

Đời sống này hàng ngày vô số người đánh rơi tiền của, cũng vô số người lượm được tìm cách trả. Một trong những tình huống thực tế về chuyện này được xem và bàn tán nhiều gần đây nhất là clip làm rơi ví.

Tháng 2 năm nay, một clip với ống kính giấu kín được quay ở Dubai, người đàn ông vờ rơi ví suốt 45 lần ở nhiều địa điểm khác nhau, 45 lần đều được người qua đường gọi trả lại. Ở Nhật, ở Hàn, đều vậy.

Trong khi đó, cũng clip này được nhóm 4TRY ở Sài Gòn quay lại thì khá nhiều lần những người ăn mặc lịch sự nhặt ví rồi chuồn luôn! Thậm chí có người lượm được số tiền mặt lớn đem đến công an nhờ trả lại đã bị cười nhạo là hâm dở hoặc tự bịa ra để đánh bóng mình.

Nhưng cũng vẫn có người tốt. Tìm một chút trên google thôi, có chuyện vợ chồng anh bán quán ăn ở Nghệ An thức cả đêm trong quán để chờ khách quay lại hôm cuối tháng 1, hay cứ đứng tại chỗ ngoài đường chờ suốt 2 tiếng như em bé học lớp 6 nọ ở Hải Phòng cách đây vài năm...

Không dám tin vào sự lương thiện - 1

Một người đánh rơi được nhận lại tiền từ Thiếu úy công an (Ảnh minh hoạ)

Còn trong câu chuyện đầu bài này, người phụ nữ làm rớt cái ví hoảng sợ tới mức nhờ công an mật phục đủ kiểu. Thậm chí, 2 anh công an còn mang còng số tám lao vào, rồi mới giật mình vì sự việc không phải vậy...

Hồi nhỏ, học trong sách giáo khoa có câu "Nhặt được tiền rơi đem trả người bị mất" với hình vẽ anh công an xoa đầu em bé làm việc tốt. Thấy chuyện phải như vậy, chẳng so đo tính toán, chỉ được khen là người tốt là chúng ta đã đủ hân hoan, hãnh diện. Không chỉ tự mình hãnh diện mà cha mẹ, gia tộc, bạn bè, trường lớp, ai cũng thơm lây. Lớn lên, không hãnh diện ngây thơ vậy nữa mà chúng ta đơn thuần coi đó là việc tất nhiên.

Đồng tiền có hồn, không phải chủ của nó thì cố giữ chặt nó cũng vùng ra chạy mất, chưa biết chừng còn dúi cho mình vấp ngã xước xát. Nhân - quả có thật. Bài học trong sách Đạo đức năm xưa được trải nghiệm và hiểu biết hun đúc trở thành ý thức sâu xa, biểu hiện ra ngoài thành phản ứng tự nhiên: Nếu lượm được của rơi tức khắc đem trả lại.

Người mất của được trả lại dĩ nhiên biết ơn, thành ý xin hậu tạ chính là thể hiện cụ thể sự vui mừng đó. Xưa giờ hiếm thấy ai được báo trả lại của rơi mà lo lắng tới mức cầu cứu công an vì sợ bị cướp. Muốn cướp cũng đâu dễ? Ngân hàng quy định phải khớp CMND, hình ảnh, chữ ký mới cho rút tiền, người qua đường lượm được sổ tiết kiệm cũng đâu rút được?

Có chuyện nửa bi nửa hài này có lẽ vì trong nhiều năm qua, ở thành thị, chỉ số lương thiện cá nhân và xã hội của chúng ta dần dần giảm xuống, giảm đến mức chúng ta tất thảy đều sợ nhau quá, hết dám tin ai, tin vào sự lương thiện càng không. Một sự lương thiện "quá sức"- cỡ lượm được quyển sổ tiết kiệm 1,3 tỷ đồng mà vẫn đem trả lại càng không thể tin nổi.

Sách giáo khoa với những bài học lý tưởng chỉ còn là thứ để cho bọn trẻ học thuộc lòng lấy điểm. Còn muốn sống, chúng phải học những bài học ngoài đời. Nhưng từ lúc nào đó trong xã hội chúng ta, một chân lý ngược đời đã hình thành và bám rễ vững chắc. Đó là cái xấu đông đúc và dễ lý giải hơn cái tốt. Lương thiện ư, cũng tốt, nhưng không bằng lương tháng!

Trên mặt báo, hàng ngày nhan nhản những cướp - giết - lừa đảo, phổ biến đến nỗi nếu vụ sau không lớn hơn vụ trước thì chẳng ai quan tâm nữa. Còn một việc tốt thì luôn bị ngờ vực. Chúng ta tự đặt giới hạn cho sự lương thiện như một cô gái ép cân, nhất định chỉ một miếng trên đĩa mới là hợp lý. Nhưng một miếng rưỡi? Không! Không! Không được phép. Chắc chắn đây là cái bẫy! Chúng ta đáng thương làm sao!

Theo thông lệ, cuối mỗi bài báo bao giờ người viết cũng cố gắng đưa ra một giải pháp dưới quan sát của riêng mình. Nhưng hôm nay, trong bài báo này, tôi nghĩ mãi mà không thể tìm ra giải pháp nào cả. Kêu gọi lòng tốt và niềm tin ư?

Thực ra trong mỗi người đều có những hạt nhân tốt và xấu, mà để cho hạt nhân nào đơm hoa kết trái là chọn lựa chỉ của riêng họ. Chọn lựa đó phụ thuộc vào tố chất và môi trường. Trong đó, môi trường là yếu tố quyết định. Với môi trường như chúng ta đều biết, một lời kêu gọi suông liệu có thể thay đổi được gì?

Hoàng Xuân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG