Trèo rào ở công viên nước: Bố mẹ dạy con điều gì?

Ngày 20/04/2015 14:45 PM (GMT+7)

Hình ảnh, clip về “cuộc vượt rào thần tốc, liều lĩnh” tại Công viên nước Hồ Tây đã nhanh chóng có một sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng.

Cũng như những cảnh: Chen chúc chờ ăn đồ miễn phí, giành giật để được nhận quà tặng ngày khai trương… thì vượt rào để tắm miễn phí cũng nhận được không ít lời chỉ trích.

Nhiều người nhìn nhận hành động này liên quan đến tâm lý đám đông, thái độ hồ hởi trước những gì không mất tiền mua mà có, thậm chí cao hơn nữa người ta còn coi đó là biểu hiện hành vi của người Việt rồi ảo não than thở: “Thật xấu hổ”.

Về hành vi kể trên có thể thấy nó có liên quan đến cái gọi là tâm lý đám đông, bị kích thích, bị dẫn dụ bởi hành động của những người khác. Chúng ta đặt một giả thiết, nếu tồn tại một kiểu miễn phí ấy, nhưng đặt trong một bối cảnh không có ai trèo rào để vào, chắc chắn sẽ có một bộ phận không hề ít những cá nhân khác không tự nhiên hành động thô thiển như vậy. Một phần họ không muốn mình là người đầu tiên, người đầu tiên luôn là người có thể gánh chịu rủi ro, phần khác họ không bị kích động bởi hành vi của người trước đó. Trong bối cảnh của nhiều người đồng hành động, họ bị dẫn dụ, bị lôi cuốn theo. Tuy nhiên, đó là nhìn ở mặt tích cực của vấn đề.

Một lần tôi và một cậu bạn cùng tham gia sự kiện trong đó có phần tặng một suất cơm chay miễn phí. Cậu bạn chẳng hiểu sao cũng giơ tay ra xin phần cơm, nhưng chỉ đi được một đoạn ngắn cậu bỗng ngẩn người tự hỏi: Ủa, mình lấy cái này làm gì nhỉ, mình đâu có ăn cái này. Thế đấy, nhu cầu sở hữu, sử dụng không tồn tại, nhưng cậu vẫn lấy về một cái tự dưng không mất tiền mua mà có… Nó có nguồn gốc từ việc bị dẫn dụ bởi hành động của người khác, gắn với yếu tố miễn phí, cho không. Nếu cũng bị dẫn dụ, nhưng buộc phải mua bằng vật chất, hẳn sự dẫn dụ sẽ bị giá trị hoán đổi lấn át.

Trèo rào ở công viên nước: Bố mẹ dạy con điều gì? - 1

Xét đoán hành vi tìm ra bản chất của hành động rất khó để áp đặt trong tình huống trên.
(ảnh minh họa)

Giải thích hành động trên còn có thể so sánh với những thú vui của đám trẻ nông thôn chúng tôi thủa trước. Vẫn là quả ổi đó, vẫn là nải chuối đó…nhưng nếu bố mẹ mua về, bày biện nghiêm cẩn ra đĩa rồi cho ăn chắc chẳng thể ngon bằng quả ổi, quả chuối mà cả bọn dày công lên kế hoạch, đột nhập vào vườn nhà hàng xóm trộm được. Quả ổi, quả chuối ngoài cái ngon vốn có còn được gia tăng bởi yếu tố kịch tính, sự vất vả để có thành quả.

Xét đoán hành vi tìm ra bản chất của hành động rất khó để áp đặt trong tình huống trên. Tuy nhiên khác với những hình ảnh chờ đợi lấy cơm miễn phí, tranh chấp nhận quà tặng không…thì vượt rào vào bơi miễn phí lại gây ấn tượng bởi tính bất chấp rủi ro của những người tham dự. Thậm chí, có những ông bố, bà mẹ còn bế cả con thơ bê đẩy qua những hàng rào sắc nhọn để vào trong. Riêng hành động này có thể gọi tên là hành vi cực kỳ mạo hiểm, nếu không muốn nói là ngu xuẩn của những đấng sinh thành.

Tôi rất khó có thể hình dung, ngoài việc mạo hiểm tính mạng của bản thân, của con cái mình thì họ có thể giải thích ý nghĩa của hành động trên là gì với con. Có thể là: Con thấy không, để được làm điều mình thích (tức là việc bơi) đôi khi không phải là việc đơn giản, chúng ta phải vượt qua rất nhiều khó khăn, chông gai thử thách.

Đó là nghĩ ở hướng lạc quan, còn ở tầm u ám tôi không có đủ niềm tin để nghĩ rằng cha mẹ sẽ nói được với con những điều như thế. Còn ở thực tại, tâm hồn trẻ thơ có thể dung nạp được những biểu hiện bên ngoài của người khác lên hành vi mà mình và bố mẹ đã thực hiện. Chưa kể, một số ông bố bà mẹ vô tư khi đưa con vượt qua hàng rào còn vui miệng nói với nhau: Vất tí mà đỡ được mấy chục, lại không phải đứng ngoài.

Trẻ em học rất nhanh những gì người lớn biểu hiện. Còn những tác động khác về môi trường ảnh hưởng rất lâu dài, rất khó thấy ở con trẻ.

Có lần chúng tôi tham gia một khóa học về kỹ năng ứng xử. Cuối buổi học ông thầy người Nhật cho chúng tôi mỗi người một túi hạt thóc giống, ông dặn mỗi người hãy đem về gieo vào hai lọ khác nhau. Một lọ, mỗi sáng đều ghé vào đó nói với nó những lời yêu thương, một lọ chỉ toàn nói những lời cay độc. Kết quả, ở lọ nói lời yêu thương hạt mầm lớn lên rất thẳng, ở lọ nói lời cay độc hạt mầm lớn lên cong queo.

Sự đúng sai của điều này hạ hồi kiểm chứng, nhưng tính thông điệp thì rất rõ. Trẻ em cũng như hạt giống, những lời chúng ta nói, những hành động của chúng ta làm đều tác động đến hành vi, ý thức của đứa trẻ sau này.

Hồ Viết Thịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG