Rất nhiều phụ nữ bị đau bụng kinh trước và trong kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể gây khó chịu và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của các chị em.
Để giúp giảm đau bụng kinh, chị em có thể thực hiện theo những cách dưới đây. Một số biện pháp cần phải áp dụng kiên trì trong một thời gian dài mới có thể thấy được hiệu quả.
TRƯỚC KỲ KINH NGUYỆT
1. Chế độ ăn uống
Chế độ của chị em cũng góp phần làm giảm đau bụng kinh ở phụ nữ. Thông thường, chị em nên lưu ý ăn hoặc uống các loại thực phẩm có tác dụng giảm đau bụng trước kỳ kinh nguyệt khoảng 3 ngày để có tác dụng tốt nhất.
Đau bụng kinh nên ăn gì?
Dưới đây là một số loại thực phẩm mà chị em nên ăn để làm giảm tình trạng đau bụng kinh:
Cá hồi: Axit béo omega-3 trong cá hồi có tác dụng giảm viêm, giảm đau. Ngoài ra, trong cá hồi chứa nhiều vitamin D và B6 làm giảm cảm giác đau tức ở ngực và bụng khi đến ngày “đèn đỏ”.
Chuối, dứa và kiwi: Trong các loại quả này giàu B6, kali nên giúp chị em giảm cảm giác chướng bụng và đau khi đến kỳ kinh nguyệt. Có thể kết hợp chuối, dứa và kiwi lại với nhau để hiệu quả được tốt hơn.
Chocolate đen: Chị em nên chọn loại chocolate đen có ít nhất 85 % cacao. Magie và chất xơ có trong chocolate sẽ giúp tạo cảm giác thoải mái và vui vẻ.
Trứng: Việc ăn trứng có thể giúp giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt vì có chứa nhiều vitamin B6, D và E. Ngoài ra, vì đây là thực phẩm giàu protein nên sẽ giúp chị em có thêm sức khỏe.
Yến mạch: Loại thực phẩm này rất ngon và giàu dinh dưỡng. Bên cạnh đó, trong yến mạch có chứa kẽm và magie, có tác dụng ổn định serotonin - một hoạt chất chống lại cảm giác tuyệt vọng trong não. Vì vậy mà chị em sẽ cảm thấy thư thái, dễ chịu hơn khi hành kinh.
Các thực phẩm giàu canxi: Những cơn đau co rút ở bụng do kinh nguyệt sẽ được giảm đi nhờ canxi. Một số loại thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như: sữa, các loại rau xanh đậm, hải sản...
Đau bụng kinh nên uống gì?
Một số loại thức uống sau đây sẽ có thể giúp chị em bớt đau bụng khi đến ngày “đèn đỏ”:
Uống đủ nước mỗi ngày: Chị em nên tập thói quen uống đủ từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày. Uống nhiều nước sẽ giúp giảm đầy hơi và làm hạn chế các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Đặc biệt đối với những phụ nữ bị tiêu chảy, nôn mửa hoặc đau bụng khi tới kỳ kinh nguyệt thì điều này là cần thiết.
Trà ướp hoa hồng: Theo Đông Y, trà hoa hồng có thể dưỡng can thông khí, chữa đau bụng kinh và làm đẹp da.
Trà hoa cúc: Chị em cũng có thể uống trà hoa cúc để tạo hương vị hơn khi uống nước. Việc bổ sung nước cho cơ thể không chỉ giúp giảm đau bụng khi đến tháng mà còn tốt cho sức khỏe.
Những thực phẩm nên hạn chế
Nếu bị đau bụng kinh, nữ giới cần phải tránh những loại đồ ăn, thức uống sau đây:
Thực phẩm giàu chất béo: Có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn sẽ hạn chế việc đau bụng kinh. Vì thế chị em nên hạn chế các loại đồ ăn như khoai tây chiên, bánh quy, bơ thực vật….
Rượu bia, cà phê: Các loại đồ uống này có thể làm tăng thêm cảm giác đau bụng ở nữ giới khi tới “kỳ đèn đỏ”. Vì thế đây cũng là những loại thức uống không có lợi cho những chị em mắc những hội chứng tiền kinh nguyệt.
2. Chế độ sinh hoạt
Việc có một chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh cũng góp phần giảm bớt các triệu chứng tiền kinh nguyệt, trong đó có đau bụng.
Tập luyện thể dục
Rất nhiều phụ nữ đã cảm thấy rằng việc tập luyện thể dục có thể giảm bớt đau bụng kinh. Khi tập thể dục, não sẽ giải phóng ra chất endorphin, tạo ra cảm giác hạnh phúc. Chị em có thể lựa chọn môn thể thao phù hợp như đi bộ, chạy, bơi, yoga...
Tập thể dục mỗi ngày cũng là một cách hiệu quả giúp giảm đau bụng kinh. (Ảnh minh họa)
Massage bụng mỗi ngày
Nếu chị em xoa bóp vùng bụng ít nhất 5 phút mỗi ngày sẽ giúp lưu thông máu được tốt hơn, từ đó hạn chế đau bụng vào “ngày đèn đỏ”. Có thể sử dụng một số loại kem xoa bóp có chứa tinh dầu của cây xô thơm, hoa oải hương hoặc kinh giới để có hiệu quả hơn.
Ngủ đủ giấc
Chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng đến các triệu chứng kinh nguyệt nói riêng và sức khỏe nói chung. Vì thế, chị em cần thiết lập một thói quen ngủ sớm và đúng giờ. Một số cách giúp có thể giúp ngủ ngon hơn là: nghe nhạc êm dịu, tắm nước ấm, tránh xa các thiết bị điện tử trước khi ngủ và ngủ ở vị trí thoải mái...
3. Bổ sung vitamin và khoáng chất
Dầu cá và vitamin B1
Theo On Health, một số nhà khoa học đã nghiên cứu tác dụng của vitamin B1 và dầu cá đối với các triệu chứng đau bụng kinh ở học sinh trung học. Những trường hợp dùng vitamin B1, dầu cá hoặc cả hai đều cho thấy giảm đau đáng kể hoặc cơn đau không kéo dài lâu.
Vitamin D
Trong một nghiên cứu trên nữ giới trẻ tuổi bị đau bụng kinh nguyên phát thì việc bổ sung vitamin D liều cao hàng tuần làm giảm đáng kể cường độ đau sau 8 tuần điều trị và 1 tháng sau khi kết thúc điều trị. Những trường hợp dùng vitamin D cũng ít phải sử dụng thuốc giảm đau để khắc phục cơn đau bụng. Vì thế việc tăng cường vitamin D là điều cần thiết.
Canxi
Phần lớn phụ nữ không được cung cấp canxi một cách đầy đủ. Chất dinh dưỡng này không chỉ giúp cho hệ xương chắc khỏe mà còn cải thiện chức năng tim, cơ bắp và hệ thần kinh. Bổ sung đầy đủ canxi cũng có thể giúp làm giảm đau bụng kinh. Kết quả từ một cuộc nghiên cứu cho kết quả rằng những người dùng thực phẩm bổ sung chứa 1000 miligam canxi mỗi ngày bắt đầu vào ngày 15 của chu kỳ kinh nguyệt sẽ trải qua sẽ có hiện tượng đau bụng ít dữ dội hơn. Chị em có thể uống sữa ít béo, nước cam, ăn cá hồi và các thực phẩm giàu canxi khác để cung cấp canxi hàng ngày.
Magie
Magie là loại khoáng chất có thể giúp giảm bớt các triệu chứng tiền kinh nguyệt, đặc biệt là khi dùng vitamin B6. Tuy nhiên magie có thể ảnh hưởng tới tác dụng của một số loại thuốc khác như: thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton, thuốc lợi tiểu. Vì thế chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung magie một cách phù hợp và an toàn.
TRONG KỲ KINH NGUYỆT
Dưới đây là những biện pháp giúp giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt một cách nhanh chóng cho các chị em:
1. Chườm nóng
Việc chườm nóng có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm chứng chuột rút vùng bụng khi kinh nguyệt. Chị em nên dùng một số vật dụng sau để chườm nóng:
- Chai nước nóng
- Túi chườm nóng
- Miếng dán nhiệt
Lưu ý: Có thể sử dụng vòi hoa sen hoặc khăn ấm như một biện pháp thay thế nếu không có những vật dụng nêu trên.
Việc chườm nóng rất có tác dụng trong việc giúp bớt đau vùng bụng khi đến kỳ kinh nguyệt. (Ảnh minh họa)
2. Tắm nước ấm
Việc tắm nước ấm sẽ giúp làm dịu cơn đau và làm các cơ bắp được thư giãn. Ngoài ra, tắm vào buổi tối cũng là một cách tuyệt vời để giảm đau vùng xương chậu cũng như các triệu chứng kinh nguyệt khác.
3. Đắp gừng tươi
Đây cũng là một cách giúp giảm đau bụng kinh khá tốt. Chị em chỉ cần rửa sạch một nhánh gừng rồi giã nát. Sau đó cho phần gừng đã giã vào một miếng vải sạch rồi đắp trực tiếp lên phần bụng dưới. Sau khi đắp từ khoảng 5-10 phút thì sẽ đỡ đau bụng, cơ thể sẽ dễ chịu hơn.
4. Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định bác sĩ
Nếu các biện pháp khắc phục tại nhà nêu trên không đủ để làm giảm bớt triệu chứng đau bụng thì chị em cần phải đến thăm khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết về các triệu chứng để có thể phát hiện một số loại bệnh lý nếu có và điều trị kịp thời.
5. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Điều này đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa những loại vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể, gây viêm nhiễm. Khoảng 3-4 tiếng thay băng vệ sinh một lần. Mỗi lần thay băng cần phải dùng nước sạch rửa bộ phận sinh dục. Sau đó dùng khăn sạch lau khô mới đóng băng vệ sinh mới.
SAU KỲ KINH NGUYỆT
Trải qua mỗi kỳ kinh nguyệt, khí huyết trong cơ thể người phụ nữ đa phần sẽ bị yếu đi. Vì thế chị em cần có một số lưu ý như sau:
1. Ngâm chân trước khi đi ngủ
Chị em có thể ngâm chân trước khi đi ngủ với nước ấm khoảng 40 độ C. Việc này có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu rất tốt. Ngoài ra có thể bỏ một vài viên đá cuội vào chậu nước ngâm chân, vừa ngâm vừa chà chân bằng đá.
Chị em có thể vừa ngâm, vừa chà chân bằng đá cuội. (Ảnh minh họa)
2. Ăn thực phẩm chứa nhiều sắt
Thường thì các chị em sẽ bị thiếu máu sau mỗi kỳ kinh nguyệt, da dẻ sẽ trở nên nhợt nhạt, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt. Vì thế đây là lúc mà cần phải ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều sắt như:
- Cải bó xôi
- Lòng đỏ trứng
- Thịt bò
- Hải sản
- Bông cải xanh
- Khoai tây
Chị em có thể tăng cường thêm vitamin C để cơ thể hấp thụ sắt được tốt hơn. Trường hợp thiếu máu trầm trọng hơn thì nên bổ sung thuốc bổ máu sau khi có sự chỉ định của bác sĩ.