7 năm trên hành trình tìm con, bao nhiêu tiền bạc của vợ chồng chị Thảo vay mượn đổ xuống sông xuống bể. Vợ chồng chị đi tìm con với bao hy vọng rồi lại trở về tay trắng.
7 năm hiếm muộn, vợ chồng chị Nguyễn Thanh Thảo (28 tuổi, Hà Nội) đã phải đi gõ cửa không biết bao nhiêu phòng khám, bệnh viện để tìm con.
Với vô số những vấn đề như bị đa nang buồng trứng, bị viêm lộ tuyến, nội tiết kém, kinh nguyệt cả năm mới có 1 lần,… để có con chị Thảo đã phải cắt bỏ 2 bên vòi trứng, IUI vô số lần và IVF không biết bao lần đều thất bại. Và lần cuối cùng với hy vọng mong manh của 1 phôi kém loại 3 duy nhất, vợ chồng chị cũng đã tìm được con yêu.
“Mình tin chỉ cần có hy vọng và đủ kiên nhẫn để chờ đợi thì phép màu sẽ đến”, chị Thảo cười nói.
Chị Thanh Thảo và bé Minh Khánh.
7 năm nhọc nhằn, làm thợ in nhặt nhạnh từng tờ giấy để có tiền kiếm con
Sau 7 năm kết hôn, chị Nguyễn Thanh Thảo và anh Nguyễn Khắc Ngọc mới được tận hưởng niềm hạnh phúc làm bố, làm mẹ. Suốt khoảng thời gian ấy anh chị đã trải qua biết bao nhiêu khó nhọc, không biết bao nhiêu nỗi buồn, nước mắt và sự hụt hẫng khi trở về tay trắng, con chưa tìm được mà tiền bạc vay mượn cứ đổ xuống sông xuống bể.
Chị Thảo tâm sự, chồng chị là con một nên sau khi kết hôn được 5 tháng vẫn chưa thấy "có gì", anh chị quyết định đi khám tại một bệnh viện Phụ sản ở Hà Nội.
Lúc đó, chị mới biết mình bị viêm nấm, viêm lộ tuyến, tử cung cao khó có thể có thai. Bác sĩ đã kê đơn thuốc đặt, dùng phương pháp áp lạnh và cả đốt điện nhưng chị vẫn không khỏi viêm lộ tuyến. Mãi sau khi được chỉ định khám tổng thể chị mới phát hiện mình bị thêm đa nang buồng trứng, nội tiết kém.
“Bác sĩ khuyên mình nên làm IUI, không chỉ định chụp vòi trứng. Mình làm một năm mà không có kết quả gì. Hai vợ chồng nghe người ta mách đến phòng khám ở Hai Bà Trưng uống thuốc bổ tinh trùng rồi các thứ cũng không được.
Sau đó, mình cũng đi phòng khám khác và cả bệnh viện nổi tiếng ở Hà Đông, uống cả đông y nhiều chỗ nhưng không có kết quả”, chị Thảo nhớ lại.
Chạy chữa khắp nơi đến kiệt quệ về kinh tế, vợ chồng chị Thảo vẫn không từ bỏ, cố vay mượn để vào Nam khám chữa. Sau khi vay bố mẹ 2 bên, người thân, hai vợ chồng lại khăn gói, dắt nhau vào Sài Gòn tận 2 năm để theo đuổi ước mơ được làm bố, làm mẹ.
Tại đây, chị Thảo làm IVF 2 lần, tốn gần 300 triệu nhưng cũng không có kết quả. Vì kinh tế không có nên vợ chồng chị phải thuê nhà trọ khu công nghiệp với an ninh không an toàn để ở, còn chồng chị phải xin đi làm thợ in, nhặt nhạnh từng tờ giấy để có tiền chi tiêu hàng ngày. Mỗi ngày hai vợ chồng phải cố gắng chi tiêu, dè sẻn với 100 nghìn kiếm được.
“Sau đó vợ chồng mình xuống bốc thuốc dưới Bến Tre. Ông ý bắt mạch bảo tử cung mình lạnh kê cho hơn chục thang thuốc rồi nói uống hết chắc chắn có nhưng uống xong cũng chả được. Vợ chồng mình đành bảo nhau ra Bắc vì kinh tế cũng không cho phép nữa. Hơn nữa 2 vợ chồng cũng chán nản rồi”, chị Thảo tâm sự.
Để tìm con, vợ chồng chị Thảo đi gõ cửa không biết bao nhiêu nơi.
Chị Thảo bộc bạch, mặc dù kinh tế gia đình không đến nỗi vất vả nhưng vì con vợ chồng chị cũng phải kiệt quệ. Suốt khoảng thời gian tìm con thất bại, chị đã muốn giải thoát cho chồng bởi trong chị luôn có cảm giác mình là gánh nặng. Thế nhưng chồng chị vẫn luôn động viên để 2 vợ chồng quyết tâm “còn cơ hội là còn hy vọng”.
Vì nhà con một, nhiều người cũng khuyên anh lấy vợ khác nhưng anh vẫn nhất quyết ở bên đồng hành cùng chị trên hành trình tìm con gian nan ấy. Thậm chí, anh còn nói với gia đình tất cả vấn đề là do mình để chị không bị áp lực, gánh nặng.
“Chồng mình bảo sống chết cũng không bỏ mình rồi đưa mình ra ngoài thuê trọ đỡ áp lực chuyện con cái. Tuy nhiên kinh tế không có, mình nghỉ việc nhiều nên bị đuổi còn chồng làm lương không cao lắm nên cả 2 lại động viên nhau tìm việc mới và tiết kiệm để đi khám”, chị Thảo chia sẻ
Sau đó vợ chồng chị tiếp tục đi khám ở một bệnh viện nổi tiếng điều trị vô sinh hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, chị mới biết mình bị tắc 2 bên vòi trứng, không có khả năng có thai tự nhiên. Chị đã đồng ý nghe bác sĩ thông 2 vòi trứng, thậm chí cắt 2 bên vòi trứng để làm IVF nhưng cũng đều thất bại.
Phải nói, suốt 7 năm đó vợ chồng chị đã đi gõ cửa không biết bao nhiêu nơi, thực hiện không biết bao nhiêu phương pháp và tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền. Không nản lòng, anh chị vẫn quyết định vay cả ngân hàng để tìm con. Và dường như “ông trời không phụ lòng người”, trong lần IVF cuối cùng trước khi quyết định vay mượn sang Thái Lan tìm con, anh chị đã thành công với một phôi yếu duy nhất loại 3 mình có được.
Sau 7 năm, anh chị đã thành công với một phôi yếu loại 3.
38 tuần mang bầu như ngồi trên đống lửa
Vất và suốt 7 năm tìm con, đến khi có bầu chị Thảo cũng khó nhọc không kém. Chồng đi làm xa để lấy tiền lo cho 2 mẹ con nên thai kỳ chị phải tự lo liệu một mình. Để đảm bảo an toàn, gần như cả quá trình mang thai chị đều phải nằm trên giường giữ con. Ngay từ lúc biết có thai, chị phải tiêm thuốc dưỡng và thuốc bổ đến 12 tuần.
“Mình tiêm thuốc đến mức tím hết bụng phải chuyển sang tiêm ở mông. Nhiều lúc dậy còn phải có người đỡ vì đau chỗ tiêm và nằm lâu. Mặc dù vui mừng khi có thai nhưng mình cũng nhiều mối lo lắm. Nào đợi ngày 21 xem con có vào tổ không hay thai ngoài, chửa trứng rồi phải đợi ngày 28 xem con có tim thai không hay thai lưu. Mình nghén không ăn được nôn ra cả máu cũng lo lắm.
Chồng mình thương 2 mẹ con nên cứ tranh thủ về chớp nhoáng rồi lại đi kiếm tiền gửi về vì mỗi ngày tiêm thuốc và uống cũng gần triệu rồi, chưa kể ăn uống”, chị Thảo tâm sự.
38 tuần mang thai chị như ngồi trên đống lửa.
Bác sĩ cho biết cổ tử cung của chị thấp, dễ sảy, phải treo chân và hạn chế nằm ngửa, chỉ được nằm nghiêng nên thai kỳ của chị cứ giam mình trong 4 bức tường. Có lẽ khoảng thời gian hạnh phúc nhất của chị lúc đó là đếm từng ngày để được đi siêu âm vì được nhìn thấy con và được ra ngoài.
Mãi sau 12 tuần, chị về nhà ở cùng bố mẹ chồng nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Bố mẹ chồng đỡ đần chuyện ăn uống, không phải lo tiền thuê nhà nên chồng chị không phải làm nhiều như trước nữa.
Tuy nhiên, không lúc nào vợ chồng chị thôi lo lắng về tình hình con. Đặc biệt, sau khi bác sĩ thông báo ối của chị quá ít, nếu cạn ối bé không thể sống được. Vậy là về nhà, ngày nào chị cũng uống 2 quả dừa và 3 lít nước lọc để cải thiện nước ối. Vì sợ mất con nên cứ mở mắt ra là chị nghĩ đến uống nước. May mắn 2 tuần sau đi khám mực nước ối của chị tăng và dần ổn định hơn.
“Khó khăn này chưa qua khó khăn khác lại tới. Được ít hôm mình thấy ra máu rồi thấy con không đạp nữa. Vào viện kiểm tra, bác sĩ bảo thành bụng dày nên con máy khó phát hiện và ra máu chỉ là bị trĩ thôi. Mình xin thuốc uống điều trị ở nhà nhưng được 2 tuần thấy dịch ra nhiều quá lại phải vào viện ngay vì sợ viêm rò rỉ nước ối.
Tình hình không sao, mình lại lo lúc huyết áp tăng cao phải nhập viện vì sợ tiểu đường thai kỳ, rồi con không quay đầu nữa nên nhập viện luôn tuần 36”, chị Thảo chia sẻ những lo lắng của mình.
Bé Minh Khánh chào đời nặng 3,3kg.
Chị Thảo sinh con ở tuần thứ 38 bằng phương pháp mổ chủ động. Vì gây tê 2 lần không được nên chị được chỉ định gây mê. Bé Minh Khánh nhà chị chào đời vào ngày 10/3 nặng 3,3kg.
Mặc dù không được nghe tiếng con khóc đầu tiên nhưng sau hơn một ngày ở phòng mổ, khi gặp con, chị cũng vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy con khỏe mạnh, kháu khỉnh. Cuối cùng hành trình 7 năm của chị cũng đã kết thúc trọn vẹn.
Làm mẹ lần đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng nhờ chồng và mẹ chồng đỡ đần, hơn nữa con trai ăn ngoan ngủ ngon nên chị không gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, bé Minh Khánh được hơn 11 tháng tuổi nặng 13kg, thông minh, bụ bẫm và vô cùng nhanh nhẹn.