Chị Hạnh sinh con ở tuần thứ 25, bé chỉ nặng vỏn vẹn 7 lạng.
Lần đầu tiên tổ chức sinh nhật cho chàng trai Tôm chính thức có tuổi, chị Hạnh (31 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) lại rưng rưng nước mắt. Chị vui vì nhìn lại hành trình 1 năm vừa qua, cuối cùng vợ chồng chị đã vượt qua bao khó khăn vất vả nuôi con sinh non chỉ vỏn vẹn 7 lạng trở thành chàng trai nhí như bây giờ.
Chị Hạnh và bé Tôm.
Mang thai nằm treo chân vẫn bị con dọa đến đứng tim
Chị Hạnh và anh Mạnh quen nhau trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Ngày đó, ngoài giờ làm, anh Mạnh tham gia đội cứu hộ Hà Nội chuyên hỗ trợ vá xe đêm cho những ai đi đường gặp sự cố. Hôm đó 11h đêm, chị đi làm về không may xe bị thủng xăm nên phải gọi cho đội hỗ trợ và anh Mạnh là người đến sửa xe cho chị. Kể từ đó anh chị nhắn tin liên lạc với nhau và có một kết thúc đẹp bằng một đám cưới chỉ sau gần 2 tháng kể từ ngày gặp gỡ định mệnh đó.
Chị Hạnh chia sẻ, hơn một năm sau ngày cưới, chị có bầu nhưng do không biết nên khi đi khám thai đã bị lưu. 2 vợ chồng chị dù buồn nhưng vẫn động viên nhau cùng cố gắng. Và 5 tháng sau chị lại phát hiện mình có bầu bé Tôm. Tuy nhiên từ khi phát hiện que thử thai 2 vạch chị phải đối diện với muôn vàn nỗi lo.
“Ngay ngày hôm sau nhận tin vui, mình bị ra máu nhiều lắm, từng cục to như ngón chân cái. Lúc đó mình sợ lắm nghĩ mất con rồi. Chồng mình chở đi khám may bác sĩ báo tim thai vẫn còn. Khi đó mình mới thở phào nhẹ nhõm”, chị Hạnh trầm ngâm.
Bầu bé Tôm, chị Hạnh nhiều lần bị dọa sinh non.
Chị Hạnh tâm sự, mang bầu bé Tôm, thời gian ở viện của chị nhiều hơn ở nhà. Cộng với lần trước thai bị lưu không hay biết nên tinh thần chị vô cùng nặng nề. May mắn có gia đình và chồng ở bên động viên nên chị cũng được an ủi phần nào. Từ khi chị bầu, anh Mạnh cũng nghỉ ở nhà chăm chị và lần nào đi viện anh cũng luôn ở bên chăm sóc chị.
Biết sức khỏe yếu, mang bầu khó khăn nên khi ra viện về nhà chị không dám đi lại nhiều mà nằm treo chân. Vậy mà không ít lần máu chảy ồ ạt khiến chị phải đứng tim, nhanh chóng đi viện cấp cứu.
Sinh con 7 lạng, một năm sau ngỡ ngàng
Chị Hạnh cho biết, chị được bác sĩ chẩn đoán doạ sinh non vì cổ tử cung thấp. Lần nhập viện cuối cùng của chị là khi thai được 25 tuần, nặng 7 lạng. Chị được bác sĩ chỉ định tiêm 2 mũi trưởng thành phổi để đề phòng khi bé sinh non phổi sẽ ổn hơn. Và sau 5 ngày nằm viện chị được đẩy đi cấp cứu gấp.
“Nằm viện được ngày thứ 5 thì khi đang ngủ trưa mình thấy ướt nhẹp người nhìn xuống máu lại lênh láng. Bác sĩ đẩy mình đi cấp cứu, nghe bác nói đẻ đến nơi rồi gọi người nhà chuẩn bị lên ký giấy tờ, mình lúc đó không biết gì lại hỏi bác sĩ tim thai còn đập không? con em có cứu được không? Bác sĩ nói “cái này chưa chắc chắn được” khiến chân tay mình rụng rời”, chị Hạnh nhớ lại.
Chiều hôm đó chị sinh bé Tôm. Nằm trên bàn đẻ chị vẫn cố tỉnh táo. Vì thai bé nên chị sinh khá nhanh. Tuy nhiên bé khóc tiếng rất nhỏ, chị còn chưa kịp nhìn mặt con bác sĩ đã mang đi luôn và chỉ kịp nói một câu “Con nặng 7 lạng nhé, con sinh non quá nên chuyển xuống khoa sơ sinh rồi em nhé”.
Chị Hạnh chia sẻ, ban đầu bác sĩ gọi điện trao đổi với chồng chị rằng bé Tôm khả năng sống được rất thấp vì bé sinh non quá. Tuy nhiên, chị không hề hay biết điều này bởi mọi người đều giấu chị, để chị không phải lo nghĩ sau sinh.
Sau 2 tháng sinh chị mới được gặp con.
Nói đến đây, chị Hạnh thổ lộ, sau 3 ngày nằm viện chị được xuất viện. Tuy nhiên khác với các sản phụ khác được ôm con về chị lại lủi thủi chỉ có mình. Cảm giác xuất viện mà không được ôm con về khiến chị buồn và vô cùng lo lắng.
Chị quyết định không về nhà ngay em thuê phòng trọ ở cổng viện để hằng ngày có thể vắt sữa và mang lên cho con hay bác sĩ cần gì có thể lên ngay được luôn. Thế nhưng những ngày ở trọ đối với chị sao lâu đến thế. Chị chỉ mong đến ngày bác sĩ gọi điện để biết tình hình con. Khoảng thời gian đó đối với chị không thể nào quên, những hôm mang sữa lên cho con gặp trường hợp không cứu được bố mẹ khóc ngoài cửa khoa chị lại rụng rời chân tay. Cũng may có chồng lúc nào cũng quan tâm chăm sóc cơm nước, giặt giũ, đồng hành, động viên chị để không bị trầm cảm sau sinh.
Sau gần 2 tháng, chị mừng rỡ khi được bác sĩ gọi điện lên ấp kangaroo cho con bởi chị sắp được nhìn thấy mặt con, sắp được ôm con. Đến bây giờ chị vẫn nhớ như in lúc bác sĩ trao con cho mình bế trên tay, chị run run bởi con bé chỉ bằng cái bắp tay của mẹ, vẫn còn cắm ống dây dợ quanh người. Nhìn vách mũi con bị rách vì cắm máy trợ thở lâu chị thương con không thể nào kể hết, chị lại có cảm giác có lỗi với con vì mình khiến con chịu nhiều đau đớn.
“23 ngày ấp kanggaroo là 23 ngày mình không dám ngủ vì lúc đó con vẫn còn chưa bú được, vẫn còn có cơn ngừng thở, mỗi lần như thế con tím lại phải đánh vào chân cho con khóc lên thì thôi. Vì thế mình không dám ngủ vì chỉ sợ ngủ máy báo nhịp tim kêu không biết. Đúng ngày thứ 23 khi con không còn cơn ngừng thở nữa, tự bú được thì được xuất viện về”, chị Hạnh cho biết.
Mặc dù bé được về nhà nhưng vì con sinh non nên chị bị ám ảnh bởi những cơn ngừng thở ở viện. Khoảng thời gian đầu của chị rất khó khăn. Nhưng rồi dần dần mọi thứ cũng thành quen, chị tìm hiểu cách chăm con sinh non nên trộm vía bé tăng cân đều, hợp tác với mẹ.
Hiện tại, bé tròn 1 tuổi nặng 8kg, dài 72cm, bé cứng cáp và nghịch ngợm không thua các bạn sinh đủ ngày đủ tháng. Đặc biệt, chị luôn được “phổng mũi” khi nhận rất nhiều lời khen của mọi người “mẹ chăm con khéo quá”.
"Mong các mẹ có con sinh cực non như mình luôn vững tin, tin ở các con, tin vào các bác sĩ, luôn giữ tinh thần mạnh mẽ, sức khỏe thật tốt để làm động lực cho các con", chị Hạnh nhắn nhủ.