Nghe xong kết luận của bác sĩ, thai phụ đã khóc ngất ngay tại chỗ.
Hầu hết các bác sĩ đều khuyên mẹ bầu nên đi khám theo đúng lịch hẹn để được kiểm tra và làm các xét nghiệm tầm soát dị tật, tầm soát các nguy cơ biến chứng trong thai kỳ nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bà bầu nào cũng chăm chỉ đi khám thai. Vì nhiều lý do, có một số mẹ đã bỏ lỡ một loạt các cuộc hẹn khám thai rồi sau đó khóc ngất vì hối hận.
Cao Liên là bà mẹ 8X sống ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Năm nay cô đã 37 tuổi rồi nhưng vì nhỡ nhàng mà mang thai đứa con thứ 3. Mặc dù bị ốm nghén, mệt mỏi, cơ thể gần như kiệt quệ, song nhờ sự chăm sóc và động viên của chồng và 2 con mà Cao Liên cũng dần vượt qua được mọi khó khăn.
Kết quả siêu âm cho thấy thai nhi chết lưu do bị dây rốn quấn cổ (Ảnh minh họa)
Đến tuần thứ 36 của thai kỳ, bác sĩ đề nghị thai phụ đến khám thai 1 tuần/lần, nhưng Cao Liên thường không rảnh và đôi khi quên nên cũng không đi khám đều đặn. Mấy ngày gần đây, đột nhiên bà bầu này thấy con trong bụng không nhúc nhích. Cảm thấy bất an, cô liền nhờ chồng chở vào bệnh viện khám. Nhìn vào màn hình siêu âm, bác sĩ lắc đầu thông báo: “Thai chết lưu do dây rốn quấn cổ”. Nghe xong, Cao Liên khóc ngất ngay tại chỗ.
Trên thực tế, không ít bà mẹ vì nhiều lý do mà không đi khám thai đúng định kỳ. Tuy nhiên, dù muốn hay không thì trong tam cá nguyệt thứ 3, các mẹ nên đi khám đầy đủ theo đúng lịch hẹn để đảm bảo ca sinh nở sẽ an toàn và suôn sẻ. Bởi theo các bác sĩ, trong 3 tháng cuối thai kỳ, dễ xảy ra các tình huống sau đây:
1. Dây rốn quấn cổ
Em bé trong bụng mẹ thường rất nghịch ngợm, các bé thích “đá banh” quơ tay múa chân nên chuyện bị dây rốn quấn cổ rất dễ xảy ra. Nếu bị dây rốn quấn cổ ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 thì thai nhi có thể dễ dàng tự “giải thoát” cho mình được vì không gian trong túi ối còn rộng.
Tuy nhiên, ở những tháng cuối thai kỳ, trong không gian chật hẹp, các bé rất khó để có thể tự thoát ra được. Và nếu dây rốn bị kéo căng nên thắt quá chặt hoặc cắt đứt nguồn cung cấp máu, oxy sẽ khiến thai nhi bị ngạt thở, từ đó dẫn đến chết lưu.
Đi khám thai đúng định kỳ giúp các mẹ bầu hiểu rõ hơn về tình trạng của con mình và để các bác sĩ có phương án cho một ca sinh nở an nở (Ảnh minh họa).
2. Tình trạng thiếu oxy của thai nhi
Đối với các mẹ bầu bị thiếu máu, đa ối, nhau thai bị vôi hóa sớm sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy ở thai nhi. Việc này cũng rất nguy hiểm, nếu mẹ không phát hiện kịp thời bằng cách đếm sự chuyển động của thai nhi thì tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
3. Thai nhi quá to
Tháng thứ 8 và thứ 9 của thai kỳ là 2 tháng em bé phát triển mạnh mẽ nhất. Việc không đi khám thai thường xuyên trong giai đoạn này sẽ làm mẹ bầu không kiểm soát được cân nặng của con, vì thế dễ dẫn đến tình huống thai nhi to. Em bé nặng cân không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe sau này, mà còn không có lợi cho quá trình sinh nở, mẹ bầu dễ phải đẻ mổ.
Suy cho cùng, đã đi được đến 2/3 quãng đường mang thai rồi, chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi là mẹ và con cùng về đích, thì các mẹ bầu hãy chịu khó thăm khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Đừng vì lười biếng do nặng nề, đừng vì không có chồng đưa đi hay vì bận việc mà bỏ qua việc khám thai quan trọng của mình, để rồi phải đau lòng như bà mẹ Cao Liên ở câu chuyện trên.