Mẹ chồng chỉ luộc cho một đĩa rau và vài miếng cá khô chiên sẵn để ăn nguyên ngày. Ức chế và thiếu chất nên tôi không đủ sữa cho con bú, lại càng bị mẹ chồng chê trách.
Tôi là con một trong gia đình, điều kiện nhà tôi khá tốt nên sau khi kết hôn, bố mẹ muốn chồng tôi ở rể nhưng anh ấy không đồng ý. Cuối cùng tôi cũng đành phải theo chồng về làm dâu. Nhà chồng cũng có một chị gái đã có gia đình. Khi vợ chồng tôi mua nhà trên thành phố cho gần nơi chồng tôi làm việc, cả gia đình anh ấy tìm mọi cách để ép chúng tôi phải mua nhà ở gần chị cả, nói rằng hai chị em ở gần có gì còn chạy qua chạy lại giúp đỡ lẫn nhau.
Tất nhiên trong lòng tôi thì không muốn như vậy vì sống gần nhau rất dễ mâu thuẫn, tốt hơn hết là nên giữ khoảng cách. Nhưng số tiền mua nhà phần lớn là được gia đình chồng cho nên tôi cũng không có tiếng nói lắm trong vấn đề này, đành “mắt nhắm mắt mở” đồng ý.
2 năm sau khi kết hôn, tôi sinh được một bé trai, gia đình rất hạnh phúc. Vì tôi sinh thường nên chỉ nằm viện 3 ngày thì đã được xuất viện về. Mẹ chồng nghe tin đã vội vã từ quê lên thành phố, phụ trách cơm ba bữa một ngày, chăm con dâu ở cữ.
Vì nhà tôi sống trong một khu dân cư với gia đình chị chồng, đi lại rất thuận tiện, vì vậy mẹ chồng đã đề nghị gia đình con gái đến ăn tối. Lúc đầu, tôi nghĩ chỉ là ăn trong một hai ngày, nhưng dần dần ngày nào họ cũng sang ăn. Tất nhiên tôi không được vui vẻ cho lắm vì tôi không thích nhà đông người trong thời gian ở cữ, với lại nhà này dù sao cũng là nhà riêng của tôi, không có lý do gì mà tối nào cũng xúm lại để ăn uống rồi tám chuyện được. Mặc dù tôi đã phàn nàn với chồng nhưng anh ấy lại một mực bênh mẹ và nói rằng mẹ muốn nấu ăn cho con gái, đây cũng là điều bình thường.
Bữa ăn nào mẹ chồng cũng gọi chị chồng qua nhà tôi ăn. (Ảnh minh hoạ)
Gia đình chị chồng có hai đứa con, một đứa 6 tuổi và một đứa mới 4 tuổi, chúng rất nghịch ngợm. Buổi tối tôi muốn đi ngủ sớm nhưng 2 đứa trẻ chạy tán loạn quanh nhà. Có khi chúng còn xộc vào phòng hét to khiến em bé đang lim dim giật mình tỉnh giấc. Chưa kể từ ngày gia đình nhà chị cả qua ăn, tôi phải đưa cho mẹ chồng một số tiền nhiều gấp đôi hơn mọi khi để đi chợ.
Mẹ chồng tôi lại luôn chủ động để dành đồ ăn ngon cho con gái, bà còn nói vợ chồng con gái đi làm vất vả lắm nên phải ăn uống đầy đủ. Về phần tôi, ban ngày bà chỉ luộc cho một đĩa rau và vài miếng cá khô chiên sẵn để ăn nguyên ngày. Ức chế và thiếu chất nên tôi không đủ sữa cho con bú, lại càng bị mẹ chồng chê trách. Lúc nào bà ấy cũng so sánh tôi với chị chồng, khen con gái ngày xưa khéo chăm cháu thế này thế nọ, sữa nhiều đến mức phải vắt bớt còn tôi bây giờ thì chỉ biết đẻ mà không biết chăm.
Tôi mệt mỏi trong suốt thời gian ở cữ. (Ảnh minh hoạ)
Những lúc như vậy, tôi khó chịu ra mặt, không ít lần phàn nàn với chồng nhưng anh ấy vẫn một mực đứng về phía mẹ, cho rằng vợ thì có thể có nhiều nhưng mẹ chỉ một. Cuối cùng, sau khi hết 3 tháng, tôi nói với mẹ chồng rằng mình đã có thể tự chăm con được. Nhưng mẹ chồng lại miễn cưỡng, nói rằng bố chồng gọi điện bảo hãy ở lâu lâu để chăm cháu.
Tôi thấy bất lực khi căn nhà của mình bây giờ đã dần trở thành ngôi nhà tập thể nên đã ôm con dọn về nhà của bố mẹ mình để mong chồng sẽ sớm sáng mắt. Nếu tình hình tệ hơn, tôi đã sẵn sàng ly hôn vì không thể sống chung với một người chồng và gia đình chồng như vậy.
5 nguyên nhân lý giải vì sao trong thời gian ở cữ, sản phụ phải nghỉ ngơi đầy đủ, ăn ngủ tốt thì sữa mới đủ:
- Phục hồi cơ thể: Quá trình mang thai và sinh con gây ra một loạt thay đổi về cơ thể của sản phụ nên sau khi sinh, cơ thể sản phụ cần thời gian để phục hồi và trở lại trạng thái bình thường để sản xuất sữa.
- Hỗ trợ sản xuất sữa: Nghỉ ngơi đủ giờ và ngủ đủ giấc là yếu tố quan trọng để tạo ra sữa mẹ đủ lượng và chất lượng. Khi sản phụ mệt mỏi và thiếu ngủ, cơ thể sẽ sản xuất ít hormone prolactin, là horrmone đóng vai trò chính trong sản sinh sữa mẹ và làm tăng lượng sữa mẹ. Do đó, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể sản phụ duy trì mức hormone prolactin cần thiết để sản xuất sữa.
- Giảm căng thẳng: Sản phụ sau sinh thường phải đối mặt với nhiều thay đổi về cơ thể và tâm lý. Các vấn đề như mệt mỏi, lo lắng, stress và thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa. Việc nghỉ ngơi đủ và có giấc ngủ tốt giúp sản phụ giảm căng thẳng và có thể tập trung vào việc chăm sóc con.
Tăng cường sức khỏe: Nghỉ ngơi đủ và có chế độ ăn uống tốt sau sinh giúp sản phụ tăng cường sức khỏe. Điều này rất quan trọng vì sản phụ cần nhiều năng lượng và dưỡng chất để phục hồi sau quá trình sinh và nuôi con bằng sữa mẹ.
- Gắn kết với con: Khi cơ thể và tâm trạng được nghỉ ngơi đầy đủ, sản phụ có thể tập trung vào việc nuôi dưỡng, chăm sóc và tạo mối quan hệ gần gũi với con, giúp sữa mẹ cũng có thể dồi dào hơn.