Cặp sinh đôi trai gái nhà chị P.T.D.L (29 tuổi, Sài Gòn) chào đời, bé trai nặng 3,1kg còn bé gái nặng 2,9kg.
Mới đây, bác sĩ Thân Trọng Thạch – Giảng viên Bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP.HCM đã mổ đẻ thành công cho sản phụ P.T.D.L (29 tuổi, Sài Gòn). Cặp sinh đôi một trai một gái chào đời ở tuần thứ 38,5 đúng như ước nguyện của vợ chồng chị P.T.D.L, bé trai nặng 3,1kg còn bé gái nặng 2,9kg.
Được biết, sau 2 năm kết hôn chờ mãi không thấy có con, vợ chồng chị P.T.D.L đã quyết định đi khám hiếm muộn. Kết quả khám cho thấy, chồng chị bình thường còn chị dự trữ buồng trứng cạn kiệt dù chưa đến 30 tuổi. Vợ chồng sản phụ đã quyết định đi xin trứng để tìm con và chuyển phôi thành công ngay ở lần đầu tiên.
“Thai kỳ của bà mẹ này diễn ra bình thường. Vợ chồng sản phụ đã có quyết định đúng đắn xin trứng từ sớm khi dự trữ buồng trứng cạn kiệt dù chưa 30 tuổi và có được một cặp song sinh trai gái như ước nguyện ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Cả 2 cũng đã quyết định không chuyển phôi nữa dù còn rất nhiều phôi trữ mà chỉ sinh tiếp khi nếu có thai tự nhiên”, bác sĩ Thạch chia sẻ.
Cặp song sinh trai gái chào đời từ người mẹ đi xin trứng.
Chia sẻ thêm, bác sĩ Thạch cho biết, theo nghiên cứu gần đây, mặc dù mang thai từ trứng đi xin, ADN không phải gen của người mẹ mang thai nhưng em bé vẫn có những đặc điểm như người mẹ mang thai dù không mang gen của mẹ. Chính vì vậy 2 bé song sinh nhà chị P.T.D.L vẫn có những đặc điểm như mẹ dù không mang gen mẹ.
“Những phụ nữ do lớn tuổi hoặc còn trẻ tuổi nhưng bị suy buồng trứng sớm không thể có con bằng trứng của chính bản thân mà phải xin trứng của người phụ nữ khác để thụ thai với tinh trùng của chồng, sau khi tạo phôi sẽ chuyển lại cho người phụ nữ xin trứng.
Tuy ADN không phải gen của người mẹ mang thai nhưng những nghiên cứu gần đây và trong tương lai về Epigenetic (di truyền ngoại gen được xác định bởi yếu tố môi trường như chế độ ăn, bệnh tật, lối sống - PV) hứa hẹn sẽ cho thấy nhiều điều bất ngờ khi đứa bé có những điểm như người mẹ mang thai dù không mang gen của mẹ”, bác sĩ cho hay.
Tuy nhiên, việc xin trứng không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi việc tìm được người cho trứng rất khó, không ít trường hợp phải tham gia các diễn đàn để tìm người cho trứng. Với những trường hợp may mắn gặp người đàng hoàng mọi việc sẽ êm xuôi còn những trường hợp gặp người không đàng hoàng sẽ bị "làm phiền” đến mệt mỏi.
“Có trường hợp chị lớn tuổi mang song thai từ người cho trứng nhưng chị bị người cho trứng "đòi hỏi" và khủng bố tinh thần. Sau đó, chị bị sảy thai ở tuần lễ 7. Có thể có yếu tố nguyên nhân khác gây sảy thai nhưng tinh thần không thoải mái cũng không hẳn không ảnh hưởng đến sảy thai.
Đó chỉ là trường hợp ít gặp còn phần lớn trường hợp xin trứng đều cho kết quả thai khá cao. Cũng không ít trường hợp song thai 1 trai - 1 gái vô cùng xinh đẹp và cũng là mong ước của biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn giống như vợ chồng sản phụ P.T.D.L”, anh kể.
Theo nghiên cứu gần đây và trong tương lai, mặc dù mang thai từ trứng đi xin, ADN không phải gen của người mẹ mang thai nhưng em bé vẫn có những đặc điểm như người mẹ mang thai.
Chia sẻ về những nguyên nhân khiến người phụ nữ dự trữ buồng trứng cạn kiệt khi chưa đến tuổi 30, bác sĩ Thạch cho biết, nguyên nhân gây ra là do lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, phẫu thuật bóc u buồng trứng, cắt buồng trứng, xạ trị ung thư... và phần lớn các trường hợp không rõ nguyên nhân.
Nam bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên, nếu phụ nữ dưới 35 tuổi lập gia đình sau 1 năm hoặc trên 35 lập gia đình sau 6 tháng chưa thấy có con nên khám, kiểm tra hiếm muộn. Với phụ nữ trên 30 tuổi chưa có ý định có con nên cân nhắc trữ trứng để sau này sử dụng. Còn với những người phụ nữ thấy chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, đăc biệt chu kỳ kinh ngắn dần (20-25 ngày) nên kiểm tra lại dự trữ buồng trứng trước khi quá muộn.