Khi đang nằm da tiếp da với con, bà mẹ này vui mừng khi biết bé chào đời đã có "điểm lành".
Thông thường trẻ mọc răng vào khoảng 6 tháng tuổi, vậy nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt khi em bé vừa chào đời đã có sẵn một vài chiếc răng như trường hợp dưới đây.
Bà mẹ họ Lâm (31 tuổi, sống tại Quý Châu, Trung Quốc) mới sinh con trai thứ 2 cách đây không lâu. Và con trai chị chào đời với một điều đặc biệt, khác với những đứa trẻ khác. Đó là khi y tá đặt con lên da tiếp da rồi còn nhẹ nhàng vạch miệng bé ra, chị Lâm ngạc nhiên thấy bé có hai chiếc răng nhỏ nhỏ, xinh xinh ở hàm dưới.
Chị Lâm đã từng nghe mẹ chồng nói về những đứa trẻ vừa chào đời đã có răng được gọi là "miệng ngậm ngọc", sau này sẽ có cuộc sống đầy đủ, giàu có. Chị Lâm thấy con mình như vậy thì mừng ra mặt.
Bà mẹ mừng ra mặt khi thấy con chào đời đã có 2 chiếc răng nho nhỏ.
Vậy nhưng vị bác sĩ đi kiểm tra cho hai mẹ con lại không nghĩ như vậy. Khi biết em bé có răng, anh chỉ nhíu mày nói: "Chị sẽ mệt đó. Phải để ý cẩn thận không răng rụng bé nuốt vào trong sẽ rất nguy hiểm. Và chuyện cho bú có lẽ cũng sẽ gặp khó khăn". Bác sĩ cũng giải thích thêm rằng việc bé có răng sơ sinh có thể do chị Lâm đã bổ sung dư canxi trong thai kỳ. Hiện tượng này không phổ biến nhưng cũng không phải quá hiếm. Bác sĩ sẽ theo dõi thêm và nếu chiếc răng ảnh hưởng quá nhiều đến việc bú của bé thì sẽ nhổ sớm.
Và cái kết sau đó đúng như lời bác sĩ dự đoán, chị Lâm rất khổ sở mỗi khi cho con bú vì chiếc răng của bé cọ vào ngực. Cuối cùng sau 1 tuần, chị phải bế con đến bệnh viện để nhổ đi 2 chiếc răng hàm dưới. Chị rất buồn vì con không còn "miệng ngậm ngọc" nhưng khi đăng lên mạng xã hội, mọi người đều nói đó là chuyện bình thường, chị không cần quá quan trọng.
Những trường hợp bé sơ sinh có răng khá hiếm gặp.
Tại sao bé sơ sinh đã có răng?
Trường hợp mọc răng từ khi lọt lòng được gọi là "răng ngựa". Đây là hiện tượng hiếm gặp, xác suất chỉ vào khoảng 1/3.000 - 1/2.000 và răng ngựa thường là răng cửa hàm dưới. Chân răng thường nông, gắn với lợi bằng một mô mềm nên rất dễ lung lay.
Răng ngựa không giống răng thường nhưng cũng đủ chắc để khiến bé khó chịu hoặc khiến lưỡi bé bị tổn thương khi bú. Bà mẹ có con mọc răng mới sinh cũng cảm thấy khó chịu mỗi lần cho con bú. Thông thường, răng mới sinh sẽ được nhổ trước khi bác sĩ cho em bé về nhà, nhất là trong trường hợp răng lung lay hoặc bé có nguy cơ đẩy răng đó vào trong.
Nếu răng ngựa chưa được nhổ trước khi mẹ và bé được xuất viện sau sinh, gia đình nên chăm sóc răng miệng cho bé bằng cách dùng khăn ẩm sạch lau nhẹ lợi và răng của bé. Thường xuyên kiểm tra lợi và lưỡi của bé xem có bị răng làm tổn thương không. Ngoài ra, bạn cũng nên tư vấn bác sĩ nếu răng mới sinh khiến lưỡi bé bị đau hoặc mẹ thấy xuất hiện thêm bất kỳ triệu chứng nào khác.
Răng ngựa thường được phát hiện khi bác sĩ làm xét nghiệm sơ sinh. Lúc này, bé sẽ được chụp X-quang nha khoa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào liên quan đến răng mới sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu.