Mặc dù được nhân viên y tế khuyên nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi có cơn đau chuyển dạ, nhưng mẹ bầu này nhất quyết ngồi chờ chồng đi làm về để đưa cô tới bệnh viện.
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, hầu hết các mẹ bầu đều vội vã tới bệnh viện càng sớm càng tốt để đề phòng chuyện bất trắc xảy ra. Thế nhưng, vẫn có những bà mẹ khá đủng đỉnh, tuy đang đau đẻ nhưng vẫn chủ quan để rồi hối hận cũng không kịp.
Vào khoảng 5h chiều 16/3, khi ca làm việc gần kết thúc thì Bệnh viện nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) bỗng nhận được cuộc gọi từ một thai phụ tên Tiểu Hồng. “Tôi đang mang thai ở tuần thứ 40 và bây giờ tôi đang rất đau bụng. Tôi có nên đến bệnh viện không?”, thai phụ hỏi nhân viên y tế.
“Cứ vài phút là cô lại đau ư?”, nhân viên y tế hỏi lại. Nhân viên y tế hỏi vậy vì những cơn co thắt được chia thành cơn co giả và cơn co thật. Cơn co giả thường xuất hiện một cách thất thường với cường độ mạnh, nhưng cũng đột ngột biến mất, có thể kéo dài hoặc rất ngắn. Trong khi đó, những cơn co thật sẽ đều đặn hơn, mỗi cơn co thắt kéo dài khoảng 30 giây đến khoảng 1 phút.
Thai phụ một mực chờ chồng đi làm về rồi đưa cô tới bệnh viện đi đẻ khiến cô phải hối hận. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, thai phụ lại nói rằng cô không biết tần suất xuất hiện cơn đau, chỉ đơn giản là bây giờ cô đang rất đau bụng. Do đó, nhân viên y tế tiếp tục hỏi về vị trí đau, vì cơn co thật và cơn co giả cũng có sự khác nhau về vị trí đau. Các cơn co thắt giả thường chỉ đau ở vùng bụng dưới, còn cơn co thắt thật thường bắt đầu đau từ lưng dưới rồi bao quanh hết vùng bụng, kể cả bụng trên và bụng dưới.
“Cô nói vậy tôi cũng chẳng hiểu, dù sao thì bây giờ tôi đang rất đau”, Tiểu Hồng mất kiên nhẫn nói. Khi nghe thai phụ nói vậy, nhân viên y tế cảm thấy rất bất lực và nói: “Vậy cô đến bệnh viện luôn để chúng tôi khám, đừng chậm trễ nữa".
Thế nhưng, bà bầu này lại ngập ngừng nói rằng chồng cô tan làm sớm, đang trên đường lái xe về nhà, cô sẽ đợi chồng về để đưa cô tới bệnh viện. Câu trả lời của thai phụ khiến nhân viên y tế vô cùng lo lắng, vì giờ tan tầm thường rất tắc đường, cô chờ chồng từ công ty về nhà rồi đưa tới bệnh viện thì sợ rằng đã quá muộn.
Thai phụ đẻ rơi trong thang máy nhưng may mắn thay đứa trẻ vẫn khỏe mạnh. Ảnh minh họa
May mắn thay, chồng thai phụ vẫn kịp để đưa vợ tới bệnh viện. Tuy nhiên, chưa kịp vào thang máy bệnh viện thì Tiểu Hồng bị vỡ ối. Các nhân viên y tế vội vàng bế cô lên xe lăn, đẩy vào bên trong thang máy để di chuyển tới phòng sinh. Lúc này, đầu của thai nhi đã lộ ra nên nhân viên y tế nói với thai phụ đừng rặn, hãy cố gắng chờ vài phút để vào phòng sinh.
Dù vậy, Tiểu Hồng vẫn không nhịn được mà rặn đẻ và một lúc sau con gái cô chào đời ngay trong thang máy. May mắn thay, bé gái hoàn toàn khỏe mạnh, nặng 2,45kg, nhưng người mẹ lại bị rách tầng sinh môn nghiêm trọng và rách niêm mạc trực tràng.
Bác sĩ Giang của bệnh viện nhanh chóng khâu vết rách trực tràng, vết rách tầng sinh môn và sát trùng âm hộ cho sản phụ. Mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng nhưng những vết rách khiến Tiểu Hồng vô cùng đau đớn và gặp nhiều khó khăn khi đi đại tiện.
Sau 8 ngày nằm viện, cuối cùng sản phụ cũng được về nhà. Ảnh minh họa
“Chị à, đáng nhẽ ra lúc đó em phải nghe lời chị, không được chần chừ mà bắt taxi tới thẳng bệnh viện”, Tiểu Hồng hối hận nói với nhân viên y tế từng khuyên cô tới bệnh viện sớm.
May thay, sức khỏe của Tiểu Hồng hồi phục rất tốt. Một tuần sau khi sinh con, cô đã có thể đi đại tiện, vết thương đã lành nên được phép xuất viện về nhà.
Đẻ rơi rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Với thai nhi, bé có thể bị ngạt và nhiễm khuẩn, uốn ván rốn. Trong khi đó, người mẹ có thể bị sót rau, băng huyết, nhiễm khuẩn.
Để giảm rủi ro đẻ rơi khi mang thai, mẹ bầu cần phải đi khám thai định kỳ. Trong 3 tháng cuối, thai phụ cần tránh lao động nặng, vận động mạnh hay quan hệ tình dục thô bạo. Khi có hiện tượng đau bụng chuyển dạ hoặc bất kỳ triệu chứng nào trong cơ thể, mẹ bầu đều phải gọi điện cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.