Thảo Ly cho biết, vì đi đẻ trong mùa dịch nên các các vấn đề về vệ sinh như rửa tay, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang được chú trọng hơn hẳn ngày thường. Thậm chí đến khi lên bàn mổ, cắm ống thở vào mũi cô cũng vẫn đeo khẩu trang.
Gần 2 tuần sinh bé thứ 2, Lê Thảo Ly (25 tuổi, Hà Nội) vẫn không thể quên được ngày đi sinh trong mùa dịch của mình. Lên bàn mổ cắm ống thở vẫn phải đeo khẩu trang, chồng và mẹ chồng bị mắc kẹt trong nhà vì lệnh phong tỏa tòa nhà khi có người nhiễm COVID-19 là những câu chuyện khiến cô phải “khóc dở mếu dở”.
Tổ ấm nhỏ của Thảo Ly.
Mang bầu nghén vật vã, chỉ ăn được bánh bao, bánh mì và nước lọc
Tổ ấm nhỏ của Thảo Ly mới chào đón thành viên nhí thứ 2 vào đầu cuối tháng 3 vừa qua. Trước đó, vợ chồng cô đã có một bé gái vào cuối năm 2018.
Thảo Ly cho biết, lần mang bầu thứ 2 này không nằm trong kế hoạch của 2 vợ chồng cô vì cô mới sinh mổ bé đầu được 11 tháng. Thế nhưng vì quan niệm “con cái là lộc trời cho” nên vợ chồng vẫn vui vẻ đón nhận tin vui khi con đến. Mặc dù vậy, con trai đầu mới được 11 tháng tuổi, lại sinh mổ nên cô cũng khá lo ngại chuyện “đẻ dày” nhiều biến chứng. Mãi sau khi khám bác sĩ mổ cho mình lần đầu và nhận được lời động viên "hai vợ chồng yên tâm, không có vấn đề gì", vợ chồng cô mới thật sự thở phào nhẹ nhõm.
Lần thứ 2 mang bầu, Thảo Ly cảm thấy khác hẳn lần đầu tiên khi cô bị ốm nghén đến 5 tháng đầu, sợ mùi cơm, không ăn được cơm mà chỉ ăn được bánh bao, bánh mì và nước lọc. Trong khi lần trước đó cô khá khỏe, không hề bị ốm nghén nhiều.
“Trộm vía đi khám em bé vẫn phát triển đều, chỉ có mẹ là gầy đi thôi. Không ăn được đồng nghĩa với việc mình bị thiếu chất khá nhiều. Nhiều lần khi đang làm việc hay đi ngoài đường mình đã suýt bị xỉu. Thời gian này mình cũng bị đau dạ dày khá nặng và phải nhập viện. Rất may mắn là mình luôn có người thân bên cạnh chăm sóc giúp mình vượt qua những giai đoạn khó khăn”, Thảo Ly chia sẻ.
Vì nghén 5 tháng không ăn được gì nên cả thai kỳ cô tăng được 7kg.
5 tháng đầu nghén không ăn được gì nên sau khi hết nghén Thảo Ly cố gắng ăn nhiều nhất có thể để bồi bổ sức khỏe cũng như đủ chất cho em bé phát triển mà không kiêng khem gì. Tuy nhiên, cả thai kỳ cô cũng chỉ tăng được vỏn vẹn 7kg.
Mặc dù có thai kỳ khó khăn nhưng nhờ có chồng tình cảm và mẹ chồng tâm lý nên cô cũng thoải mái tâm lý phần nào. Thời gian mang bầu hễ thèm món gì, chồng với mẹ chồng lại đưa cô đi ăn, chăm sóc bé đầu giúp cô. Khi bị mất ngủ và stress nhiều, mẹ chồng và chồng cũng bí mật lên kế hoạch 1 chuyến du lịch bất ngờ cho cô vào dịp Tết để tạo tâm lý thoải mái nhất trước khi sinh.
Thảo Ly cho biết, khi mang bầu càng gần tháng cuối thai kỳ, cô càng lo lắng. Cô không chỉ lo dịch bệnh COVID-19 càng ngày càng diễn biến phức tạp mà lo cả tiền sử lần sinh bé đầu có có dấu hiệu rỉ ối và bị cạn ối trước sinh dù không có cơn co báo hiệu.
Chính vì vậy, lần này cô luôn chú ý những thay đổi của cơ thể dù nhỏ nhất. Khi mang thai tuần thứ 34 thấy bắt đầu có dấu hiệu rỉ ối, dọa sinh non cô đã rất lo lắng. Cứ cách 2 ngày cô lại đi khám bác sĩ và uống đầy đủ thuốc bác sĩ kê để giữ con trọng bụng mẹ được ngày nào hay ngày ấy. Đồng thời, cô đi tiêm trợ phổi để chuẩn bị cho quá trình sinh em bé và nằm trên giường một tuần không đi lại để giữ thai.
“Bác sĩ cũng tư vấn cho mình một em bé được coi là đủ tháng đủ ngày khi sinh vào tuần thai thứ 37-40, trước tuần thai thứ 37 được coi là sinh non và em bé sẽ có nhiều nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khoẻ. Lúc này bác sĩ đã phải kê cho mình một số thuốc với mục đích giữ con trong bụng mẹ được ngày nào hay ngày ấy và tiêm trợ phổi để chuẩn bị cho quá trình sinh em bé. Mình phải nằm trên giường một tuần gần như không đi lại vì sợ sinh non.
Cuối cùng đến đúng 35 tuần thì bác sĩ báo lượng nước ối không còn nhiều nữa và mình nhập viện sinh mổ. Rất đúng lúc vì khi mổ em bé bắt đầu thải phân su, nếu chậm trễ sẽ có nguy cơ nhiễm trùng nước ối rất cao”, Thảo Ly cho hay.
Đi đẻ mùa dịch, lên bàn mổ cắm ống thở vẫn phải đeo khẩu trang
Mang bầu lần 2 khá khó khăn nên Thảo Ly chọn sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nhớ lại ngày đi sinh của mình, Thảo Ly tâm sự, đi sinh mùa dịch cô gặp nhiều tình huống “khóc dở mếu dở” nhưng trong cái rủi lại có cái may.
Sáng ngày đi mổ, cô có đi khám bác sĩ và được bác sĩ hẹn mổ vào sáng hôm sau. Tuy nhiên đến buổi chiều khi đang chuẩn bị đồ đi sinh với mẹ, cô nhận được cuộc điện thoại của bác sĩ nói phải nhập viện luôn vì bác sĩ cảm thấy tình trạng nước ối không ổn.
Vậy là chưa kịp chuẩn bị hết đồ, cả nhà cô từ mẹ chồng, mẹ đẻ và chồng đều tay xách nách mang để đưa cô vào nhập viện gấp. Vì đi đẻ trong mùa dịch nên các các vấn đề về vệ sinh như rửa tay, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang được chú trọng hơn hẳn ngày thường. Thậm chí đến khi lên bàn mổ, cắm ống thở vào mũi, cô cũng vẫn phải đeo khẩu trang. Thảo Ly còn chuẩn bị cả mũ có tấm chắn để bảo vệ bản thân khi đi đẻ.
Đi sinh trong mùa dịch, Thảo Ly gặp khá nhiều khó khăn.
Được biết, bé thứ 2 nhà Thảo Ly được bác sĩ mổ chủ động luôn nặng 2,2kg vì sinh non. Mặc dù 2 vợ chồng xót xa vì con nhỏ nhưng cô cũng thầm cảm ơn trời phật vì cuộc sinh nở được mẹ tròn con vuông, con chào đời khỏe mạnh.
“Đêm hôm đó mẹ đẻ mình ở lại viện trông mình và em bé. Định rằng sáng hôm sau mẹ chồng với chồng vào thay ca và mang thêm một số đồ cần thiết cho 2 mẹ con luôn. Thế nhưng đến hôm sau toà nhà khu mình ở bị phong toả vì có người nhiễm COVID -19. Chồng và mẹ chồng mình bị cách ly mắc kẹt trong nhà, không thể đến viện được.
Mình và mẹ đẻ lo lắng vì đồ thiếu có thể đi mua được nhưng sau khi ra viện không biết đi đâu về đâu. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Mình may mắn mổ đẻ từ hôm trước vì bác sĩ mổ cho mình cũng là hàng xóm nhà mình. Nếu mình mổ theo đúng lịch mà bác sĩ bị cách ly tại nhà, không biết ai sẽ là người mổ đẻ cho mình nữa.
Cuối cùng lệnh phong toả cũng được dỡ bỏ vì người bệnh đó đã được cách ly tại nhà từ lâu và ở 1 tháp khác, đi thang máy khác với khu nhà mình. Lúc chồng mình thông báo đã được dỡ bỏ cách ly mà 2 vợ chồng vỡ oà cảm xúc luôn”, Thảo Ly nhớ lại.
Hình ảnh Thảo Ly trong bệnh viện được nhiều người đùa rằng bà mẹ xinh đẹp như biến hình thành Ninja đi đẻ.
May mắn vì đi sinh sớm hơn dự định nên cô không phải "khóc dở mếu dở" khi bác sĩ bị cách ly tại nhà vì tòa nhà phong tỏa.
Sau sinh mổ 1 ngày, Thảo Ly đã bắt đầu tập đứng dậy tập đi và sau 3 ngày cô đã được xuất viện. Mặc dù vẫn còn đau lưng đau vết mổ khá nhiều nhưng vết mổ của cô đang khô và dần hồi phục.
Sau sinh, nhờ chồng hoàn toàn làm việc ở nhà hỗ trợ chăm sóc em bé buổi tối nên cô cũng đỡ vất vả hơn. Hơn nữa, bé lớn tự lập, có thể tự xúc ăn, chơi đồ chơi tự dọn dẹp và đến giờ ngủ tự đánh răng, rửa mặt đi ngủ ngoan với bà nội không đòi mẹ nên cô không phải lo lắng nhiều. Đến nay, sau gần nửa tháng sinh, cô đã hồi phục sức khỏe hơn rất nhiều.