Tanya Pham đau đẻ đến phát sốt, bác sĩ phải truyền nước và tiêm kháng sinh liên tục. Đến lúc đau quá không chịu nổi nữa cô đã hét ầm ĩ cả tầng, bác sĩ trấn an nhẹ nhàng không được liền dọa.
Yêu và kết hôn với cậu bạn thuở học cùng trường phổ thông, Tanya Pham (SN 1993) đang có cuộc sống hạnh phúc ở nước Nga xa xôi. 11 năm sống ở nước ngoài cô không chỉ có cho mình mối tình 7 năm vô cùng ngọt ngào, mà còn có được những trải nghiệm đáng nhớ, trong đó có cả kỷ niệm về hành trình mang bầu, sinh con. Dù mới lên chức mẹ cách đây 4 tháng nhưng cô tỏ ra khá chững chạc, tháo vát trong việc chăm sóc em bé.
Yêu nhau 7 năm, Tanya Pham quyết định tiến tới hôn nhân với anh chàng cùng học trong trường phổ thông.
Sau 7 năm yêu nhau, Tanya Pham và bạn trai chính thức tiến tới hôn nhân. Ngày biết tin có em bé cũng là lúc hai vợ chồng đang về Việt Nam chơi, hay tin mầm sống mới xuất hiện trong bụng mẹ cô vừa hồi hộp vừa lo lắng. “Vì 2 đứa vẫn còn “ham chơi” và chưa nghĩ tới việc có em bé trong thời gian này nên ban đầu nhận tin có em bé chúng mình khá lo lắng” – 9X nói.
Vốn tình cầu toàn nên ngay khi biết có em bé Tanya Pham lập tức tìm hiểu trên mạng, đọc sách, hỏi thăm chị em bạn bè về kinh nghiệm, cũng như tìm đến bác sĩ để biết cách chăm sóc cơ thể và em bé được tốt nhất.
Hạnh phúc ngọt ngào ấy nhanh chóng được nhân đôi khi Tanya Pham hay tin cấn bầu
Ba tháng đầu thai kỳ cô ở Việt Nam, cũng đi siêu âm và trải qua giai đoạn ốm nghén, nôn ọe như các mẹ bầu khác. Hết tam cá nguyệt đầu tiên Tanya Pham cùng chồng quay trở về nước Nga, lúc này tình trạng nghén đã hết và cô ăn được khá nhiều. Đặc biệt suốt quá trình mang thai cô liên tục thèm đồ ngọt dù trước đó gần như không bao giờ đụng tới đồ ngọt, rất may mắn là cô không bị tiểu đường thai kỳ.
Vì thương vợ nên anh xã của Tanya thường xuyên mua đồ ăn về cho vợ, nhờ vậy mà cả thai kỳ cô tăng được 16kg. Tuy nhiên có thể do vóc dáng khá “gọn” nên vào những tuần cuối đi kiểm tra thai, bác sĩ đều hỏi “Có tăng được 10kg không?”.
Thai kỳ Tanya Pham chỉ tăng vỏn vẹn 16kg nên trông cô khá thon gọn
Nói về dinh dưỡng giai đoạn mang thai, mẹ 9X không ngần ngại tiết lộ, để cung cấp đủ chất cho mẹ cũng như sự phát triển của bé từ trong bụng mẹ, cô chú trọng tới việc bổ sung DHA và vitamin tổng hợp cho bà bầu ngay từ khi biết tin cấn thai.
Chia sẻ về sự khác biệt khi theo dõi thai kỳ ở Nga và Việt Nam, bà bầu cho biết: “Bên Nga bác sĩ cũng chỉ khuyên bổ sung DHA và vitamin tổng hợp trong thời gian bầu bí, còn lại sau khi làm đủ các xét nghiệm, nếu thấy cơ thể mẹ thiếu chất gì, các bác sĩ mới khuyên bổ sung chất đó. Chứ không phải cứ bầu là cho uống sắt, canxi như ở nước ta. Ngoài ra về ăn uống mình khá thoải mái, không kiêng khem gì cả. Mình chỉ kiêng không ăn nhiều đồ sống (sashimi) và đồ uống có cồn (bia, rượu...), chú ý ăn nhiều hoa quả, rau xanh để cung cấp vitamin, tránh bị táo bón trong thời kỳ mang thai”.
Theo lời cô gái trẻ chia sẻ, các bác sĩ sẽ không cho bà bầu siêu âm quá nhiều, vì họ nói nếu siêu âm nhiều sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến bé, trong suốt thời kỳ bầu bí bác sĩ chỉ cho Tanya siêu âm 4 lần vào những mốc quan trọng.
Tanya đi khám và theo dõi thai kỳ tại 1 bệnh viện chuyên về phụ khoa tại nơi mình sinh sống, sau 32 tuần thì sẽ được bệnh viện cấp certificate - chứng nhận sức khỏe, sau đó sản phụ được quyền chọn sinh tại bất kỳ bệnh viện sản nào trong thành phố nơi mình sống.
Những tháng cuối thai kỳ cô rất nhanh nhẹn mà không hề có cảm giác nặng nề
Cũng theo bà mẹ trẻ chia sẻ, nếu bà bầu không có vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe thì luôn được bác sĩ khuyên đẻ thường chứ không được xin đẻ mổ chủ động như ở Việt Nam.
Kể lại hành trình đi đẻ đáng nhớ của mình, 9X không ngần ngại tiết lộ: “Hôm đó hai vợ chồng mình nằm nói chuyện đến tận 12h đêm. Mình vừa giục chồng đi ngủ thì nghe (hoặc cảm giác) "bụp" như có cái gì vừa vỡ. Vào toilet kiểm tra thì thấy xuất hiện dịch màu hồng nên mình cũng nghĩ là sắp đẻ rồi. Tuy vậy mình vẫn lên giường ngủ tiếp, gần 1 tiếng đồng hồ sau thì thấy bụng bắt đầu lâm râm đau nhẹ. Mình vẫn bình tĩnh đi gội đầu, tắm rửa, sau đó mới chuẩn bị túi đồ để mang vào bệnh viện. Trong lúc soạn đồ những cơn đau cứ kéo đến từng cơn, lúc nào đau quá mình lại đứng dậy bám tường hít thở... cứ thế từ 12h đêm đến tận 5h sáng".
Sau 20 chịu cơn đau đẻ, bé Gấu của mẹ Tanya Pham đã chào đời
Đến 6h sáng, Tanya cùng người nhà vào đến viện, vì ở Nga không cho phép chồng vào phòng đẻ cùng vợ, nên suốt quá trình vượt cạn, chồng cô đều phải chờ bên ngoài. Ban đầu những cơn đau còn ở mức chịu đựng được. Nhưng đến tầm 12h trưa mức độ đau tăng nhanh chóng và dần quá mức chịu đựng, khiến cô cào rách hết cả tay lẫn đùi và la hét, khóc lóc rất nhiều.
Tanya là cô gái khá lì lợm, trước đó cô đã từng làm nhiều hình xăm hoàn toàn không dùng gây tê nhưng không kêu đau một tiếng nào, nên cô không tưởng tượng được là đau đẻ lại khủng khiếp như thế.
“Hôm mình đi đẻ trời nắng nóng vô cùng. Lúc nằm trong phòng chờ sinh mà mình toát hết mồ hôi, lưng và đầu tóc ướt sũng như vừa đi gội đầu về. Vì nóng và đau quá nên mình bị sốt, bác sĩ phải truyền nước và tiêm kháng sinh liên tục, đồng thời giục mình uống nhiều nước vào. Đến lúc đau quá không chịu nổi mình hét ầm ĩ cả tầng, bác sĩ, y tá cứ phải trấn an liên tục. Thậm chí nói nhẹ nhàng mãi không được còn dọa cứ khóc nhiều tí không đẻ được đâu. Lúc đi vệ sinh vì đau quá, mình còn đứng đập đầu vào tường khóc" – mẹ Việt sinh con ở Nga tiếp tục kể.
Cô được chồng cực kỳ yêu thương và quan tâm
Tuy đau đớn là thế nhưng khi chị Tanya xin được gây tê ngoài màng cứng thì bác sĩ liên tục từ chối. Phải đến 4 tiếng sau, bác sĩ mới đồng ý tiêm nhưng với điều kiện cô phải ký cam kết. Sau khi tiêm thì Tanya như được hồi sinh, nửa dưới cơ thể tê cứng hoàn toàn không có cảm giác gì nữa.
Sau 20 tiếng đồng hồ chịu đau, đến gần 8h tối thì Tanya sinh con, bé Gấu (tên thật Nguyễn Trung Nhật Minh) chào đời hoàn toàn khỏe mạnh và nặng 3,2 kg. Trong quá trình sinh, con bị sặc nước ối, ngay lập tức em bé được các bác sĩ đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi sức khỏe và chăm sóc tận 2 tuần. Sau khi chắc chắn sức khỏe con ổn hết mới cho về.
Thú nhận là người nhanh hồi phục, chỉ sau 1.5 tháng sau sinh cô đã quay về mốc cân nặng 52kg
Sau sinh cơ thể của Tanya hồi phục khá nhanh, hơn một tuần là cô đã quay trở lại mọi sinh hoạt như thường ngày. Nếu như hồi mang bầu cô liên tục lo lắng sau sinh không biết khi nào về lại sáng thì chỉ 1,5 tháng sau sinh bé Gấu, cô đã có cho mình câu trả lời khi về mốc cân nặng trước khi mang bầu là 52kg.
“Bí quyết chẳng có gì ngoài việc thức đêm chăm con và hút sữa đều đặn, ăn uống cân bằng đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh những món ăn quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ” - Khi được hỏi về mẹo giúp bà bầu nhanh thon gọn này, 9X dí dỏm chia sẻ.