Là một đất nước phát triển và tân tiến, nhưng quá trình mang thai và khám thai ở Na Uy lại có rất nhiều điều khiến chị Linh phải ngạc nhiên và cảm thấy “kỳ quặc”.
Chị Phan Linh tên đầy đủ là Phan Thị Ngọc Linh, sinh năm 1987 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Thạc sĩ Marketing Truyền thông, là cây viết tự do trong nhiều thể loại. Chị được biết đến là người sáng lập và vận động các dự án liên quan quan đến tâm lý giáo dục và nuôi dạy trẻ nhỏ. Hiện tại, chị đang sống, làm việc ở Na Uy cùng gia đình nhỏ với chồng, con trai (bé Ốc) 4 tuổi và tới đây anh chị sẽ đón thêm một thành viên nhí đến với tổ ấm nhỏ.
Cùng chồng và đứa con nhỏ sống ở Na Uy 6 năm, từ một người không có nhiều kinh nghiệm trong việc mang bầu, sinh và chăm con, giờ đây chị đã có cho mình tất cả những trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Nếu như lần bầu bí này chị tự tin hơn rất nhiều thì ở lần mang thai đứa con đầu tiên, chị Phan Linh đã vô cùng ngạc nhiên với quy trình khám thai “kỳ quặc”, chăm sóc thai kỳ rất khác ở Việt Nam.
Hình ảnh gia đình nhỏ của chị Phan Linh ở Na Uy/
Chi phí khám thai, siêu âm, sinh nở phải trả chính xác là... 0 đồng
Theo lời chị Linh, mọi bà mẹ và trẻ em ở Na Uy, không phân biệt giàu nghèo hay nguồn gốc, đều được hưởng mức quyền lợi như nhau. Ở đất nước Bắc Âu việc chăm sóc trước và sau sinh là hoàn toàn miễn phí, được hỗ trợ bởi hệ thống y tế công. Điều đó có nghĩa là bà mẹ tương lai chỉ phải trả chính xác 0 đồng cho các chi phí y tế, siêu âm, các buổi khám chữa bệnh, nằm viện, sinh nở, hậu thai kỳ của mẹ, theo dõi sự tăng trưởng và sức khoẻ của con tại các Trung tâm y tế trong hai năm đầu và cả những năm sau đó.
Thêm nữa, chính phủ Na Uy sẽ-trả-tiền vì bạn đã có con. Mọi bà mẹ không đi làm trước sinh sẽ nhận được một khoản trợ cấp khoảng gần 215 triệu đồng (83,000 tiền Na Uy, số liệu cập nhật năm 2019) vào tháng thứ sáu của thai kỳ để trang trải cho việc mua sắm đồ đạc chuẩn bị đón em bé chào đời.
Cả gia đình đã định cư ở đất nước Bắc Âu tính đến nay là 6 năm.
Sau khi em bé được sinh ra, toàn bộ các chi phí khám chữa bệnh, kiểm tra sức khoẻ thường niên, tiêm chủng, khám răng… đều hoàn toàn miễn phí. Thậm chí các chi phí liên quan tới đi lại (như tiền taxi) và chi phí dành cho người thân (chồng) khi ở cùng cũng được bệnh viện chi trả hết. Thực tế là khi sinh con tại Na Uy, bệnh viện đã trả hết các chi phí đi lại và ăn ở không chỉ cho chồng mà cả mẹ đẻ của mình trong thời gian bốn ngày mình nằm viện.
Với những ông bố bà mẹ đang đi làm và nghỉ sinh, mẹ có thể lựa chọn giữa việc nghỉ 46 tuần với 100% lương hoặc 56 tuần với 80% lương mỗi tháng (với điều kiện bạn đi làm và có hợp đồng lao động ít nhất 6 tháng trước khi sinh em bé). Đặc biệt, chế độ này được áp dụng với cả cha và mẹ sau khi có sự xuất hiện của một thành viên mới chứ không chỉ riêng với mẹ như rất nhiều quốc gia khác (có nghĩa là nếu mẹ đi làm thì bố hưởng chế độ thai sản và ngược lại). Điều này giải thích vì sao chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người đàn ông Na Uy đẩy xe đẩy và đi chợ trong các siêu thị hoặc ngoài đường… một mình.
Khám thai “kỳ quặc”, chăm sóc thai kỳ rất khác Việt Nam
Là một đất nước phát triển và tân tiến như vậy, nhưng quá trình mang thai và khám thai ở Na Uy lại có rất nhiều điều khiến chị Linh phải ngạc nhiên và cảm thấy “kỳ quặc”.
Mẹ 8X chia sẻ"Chuyện mang thai đối với người Na Uy được coi là một điều hết sức bình thường của cuộc sống. Không có chuyện muốn “khám bất cứ lúc nào mình muốn”, cứ chạy ra phòng khám bệnh viện trả tiền khám là được, đặc biệt việc siêu âm một cách vô tội vạ là hoàn toàn không có ở Na Uy. Điều này thực sự gây ngạc nhiên với nhiều bà mẹ đến từ nước khác, trong đó có Việt Nam, như mình (nhất là ở lần đầu tiên mang thai)”.
Với bà mẹ trẻ sinh năm 1987, mang thai, sinh con và làm mẹ là hành trình vô cùng thú vị.
Trong suốt quá trình mang thai, nếu sức khỏe thai kỳ tốt người mẹ chỉ cần ít hơn tám cuộc hẹn với một trong hai nơi: nữ hộ sinh hoặc bác sĩ (do bà bầu quyết định lựa chọn) với khoảng tối đa 2-3 lần siêu âm 2D. Nếu muốn siêu âm 3D hoặc 4D, bà bầu có thể tới một trung tâm chuyên siêu âm 3D hoặc 4D tư nhân, và phải tự trả tiền cho việc siêu âm với chi phí khoảng 3 triệu đồng Việt Nam một lần.
Bà mẹ trẻ nhấn mạnh, việc siêu âm ít như vậy không có nghĩa là họ coi thường chuyện khám thai. Vì nếu bà bầu có bất kỳ biến chứng hay biểu hiện bất thường nào, cả nữ hộ sinh và bác sĩ đều sẽ theo dõi bạn rất sát sao và có những chăm sóc cần thiết để đảm bảo thai kỳ và một cuộc vượt cạn thành công. Và thực tế, tỉ lệ tử vong của các sản phụ ở Na Uy là 1/14,900 ca sinh, tỉ lệ thấp nhất thế giới.
Những lần đi khám thai định kỳ, chị Linh đều được các nữ hộ sinh và bác sĩ hỏi ăn uống như thế nào và chế độ dinh dưỡng hằng ngày ra sao. Sau đó chị phải điền vào một bảng câu hỏi khá dài các thói quen về sinh hoạt, ăn uống và tình trạng sức khoẻ để những nữ hộ sinh nắm được và tư vấn cho mình, các bác sĩ cũng theo dõi cân nặng của bà bầu chính xác tới từng lạng.
“Mình được dặn rằng cần uống đủ nước, ăn thêm rau xanh, trái cây, nếu đói thì có thể uống sữa ít béo và ăn một vài chiếc bánh quy nhỏ hoặc lát bánh mì nguyên cám vào các bữa phụ. Tất cả các chỉ số của mình đều bình thường và cơ thể cũng không có phản ứng gì đặc biệt, bác sĩ chỉ khuyên mình có thể tìm uống thêm dầu cá chứa omega 3 (Na Uy rất nổi tiếng về loại sản phẩm này) do thành phố nơi mình sống có mùa đông kéo dài và tối. Không sắt, không canxi, không vitamin bầu, không thuốc bổ… không gì cả ngoài “Chị chỉ cần ăn uống điều độ, vừa phải, vận động nhiều vào và đừng có nghĩ là ăn cho hai người!” – mẹ Việt ở Na Uy cho biết.
Hình ảnh chị và con trai trải nghiệm ở trời Tây.
Một trong những điều khiến chị thích thú và cảm thấy an tâm hơn rất nhiều khi mang thai ở một đất nước xa lạ đó là ngoài bác sĩ ra, chị luôn được theo dõi và hỗ trợ bởi một nữ hộ sinh. Những nữ hộ sinh vô cùng nhạy cảm. Họ có thể dễ dàng nhận ra những thay đổi bên ngoài và các vấn đề sức khoẻ mà bà bầu đang gặp phải. Ví dụ như khi chị bị mắc chứng mẩn ngứa ở tháng thứ bảy của thai kỳ và phù chân ở những tuần cuối trước sinh. Họ chủ động trao đổi, ghi chép và theo dõi những triệu chứng này để gửi tới bác sĩ phụ trách và thường xuyên hỏi thăm xem tình trạng đã được cải thiện hay chưa. Mặc dù cả bác sĩ và nữ hộ sinh đều đo nhịp tim cho em bé nhưng với các nữ hộ sinh, họ còn có thể cảm nhận được cơ thể của em bé bằng cách sờ nắn bụng, biết lưng hay đầu của em đặt ở đâu và đã đúng vị trí hay chưa.
Chị Linh nhớ lại: “Dù các máy đo nhịp tim thai đều được trang bị đầy đủ nhưng đôi khi các nữ hộ sinh vẫn sử dụng loại ống nghe tim thai bằng gỗ rất thô sơ để kiểm tra, với một đầu đặt vào bụng thai phụ, một đầu áp vào tai nữ hộ sinh. Khi mình hỏi sao họ cần phải sử dụng một công cụ đã cũ trong khi công cụ điện tử hoạt động rất tốt thì được giải thích rằng: Thiết bị điện tử là để các bà mẹ có thể nghe được nhịp tim của con, nhưng ống tai nghe bằng gỗ là công cụ để các nữ hộ sinh nghe được những âm thanh khác ở trong bụng mẹ. Cũng giống như bạn áp tai vào bụng để nghe những âm thanh từ dạ dày của một người khác, bạn có thể nghe được cả những âm thanh như tiếng chất lỏng chuyển động, tiếng sôi lục bục… trong bụng bầu, những âm thanh mà các thiết bị điện tử chưa chắc đã ghi lại được”.
Chính nhờ những nữ hộ sinh mà chị được cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích trong việc mang thai, sinh nở và chăm sóc con… “Những nữ hộ sinh ở Na Uy rất giỏi trong việc giải thích “tại sao, như thế nào” cũng như các câu hỏi liên quan đến mang thai và sinh con, họ luôn luôn nhẹ nhàng, từ tốn và thực sự quan tâm tới người mẹ”, bà mẹ trẻ tâm đắc.
Vượt cạn ở tuần 42, 10 tiếng đồng hồ đau đẻ thường và nỗi đau mổ đẻ
Mẹ 8X chia sẻ thêm: “Một điều khác biệt thú vị khi sinh con lần đầu đó là mình sinh ở tuần thứ 42 của thai kỳ và điều đó rất phổ biến với những người mẹ đẻ con so ở đây. Trong khi theo quan điểm của người Việt nói chung thì mẹ đẻ con so sẽ được sinh sớm trước dự sinh trong khoảng 1-2 tuần, ở tuần thứ 37-38”.
Ngày thứ 12 sau lịch dự sinh, vì nước ối đã cạn, 8 giờ sáng chị Linh được chuẩn bị để lên bàn đẻ bằng phương pháp kích đẻ. Ê kíp đỡ đẻ của chị ngày hôm đó bao gồm một bác sĩ chính và khoảng ba nữ y tá thay nhau túc trực. Chị được áp dụng các phương pháp khác nhau để cổ tử cung mở rộng hơn, kể cả châm cứu. Nhưng dù độ mở đã đạt để em bé có thể chui ra thì chị vẫn không thể đẻ thường.
Cứ 30 phút, y tá kiểm tra một lần, khuyến khích chị vận động, nằm, ngồi và di chuyển nhiều nhất có thể. Tận tới 5 giờ chiều, khi biểu đồ theo dõi những cơn co tử cung, độ mở cửa mình và độ tụt của đầu em bé vẫn không có điểm giao nhau, bác sĩ cho họp y tá và yêu cầu chồng chị ký biên bản trước khi chị được chuyển tới phòng cấp cứu để tiến hành phương pháp mổ đẻ.
Nhớ lại thời khắc “lâm bồn”, chị Linh cho hay: “Một điều rất ấn tượng là thời kỳ mang thai và sinh nở, người Na Uy thích áp dụng các phương pháp chăm sóc và trị liệu tự nhiên như massage, vật lí trị liệu, châm cứu, yoga… thay vì chỉ cho thuốc. Các bác sĩ hay y tá thai sản luôn hạn chế tối đa các biện pháp can thiệp không tự nhiên. Đây là lí do vì sao tỉ lệ đẻ mổ của Na Uy rất thấp”.
Các bệnh viện ở Na Uy luôn có khu khách sạn đi kèm, nhằm phục vụ cho các bệnh nhân phục hồi sau mổ và có tầng dành riêng cho các bà mẹ và em bé. Tất cả các phòng đều giống như một phòng khách sạn thông thường. Nữ hộ sinh sẽ kiểm tra cho bà đẻ nhiều lần mỗi ngày và luôn có nút bấm để có thể gọi họ, bất cứ lúc nào khi mình cần bất kỳ điều gì, kể cả việc nhờ họ trông và bế giúp em bé để mình có thể nghỉ ngơi một lát.
Thai kỳ của chị được bác sĩ và nữ hộ sinh theo dõi sát sao.
Theo đó bốn ngày nằm viện chị Linh bớt kinh hoàng đi một nửa nhờ những nữ hộ sinh tận tụy của Na Uy. “Họ không chỉ là làm hết trách nhiệm mà còn làm vì tình yêu công việc và bệnh nhân thực sự. Họ luôn hỏi mình cần giúp gì, cảm thấy thế nào, an ủi khi mình lo lắng và cảm thông khi mình quá đau. Họ xoa trán mình, xoa vai mình , cầm tay mình trong phòng kích đẻ rồi phòng mổ. Câu mình được nghe nhiều nhất là “Chị làm tốt lắm!”, “Chị cần giúp gì không?”, “Chúc mừng nhé”. Hình ảnh mình được nhìn nhiều nhất là nụ cười và sự tận tụy của mỗi một cá nhân trong bệnh viện đó” – chị cười chia sẻ.
Thực đơn sau sinh của chị Linh tại bệnh viện ở Na Uy.
Mang thai và sinh con ở trời Tây đem lại cho chị Linh rất nhiều cảm xúc, đi từ ngạc nhiên này đến vô vàn những niềm hạnh phúc khác. Mẹ Việt sống ở Na Uy cho biết, bản thân vô cùng hạnh phúc và cám ơn chồng cũng như đội ngũ hộ sinh, bác sĩ vì đã luôn ở bên cạnh.
Kết thúc hành trình mang thai và “vượt cạn” chị Linh cùng chồng bước vào những tháng ngày lên lịch trình làm bố mẹ từ học cách tắm cho con, tiêm phòng và kiểm tra tình trạng sức khoẻ của con. Ở đất nước Bắc Âu xa xôi chị được chăm sóc, hỏi han và hướng dẫn cách cho con bú mẹ rất tận tình. Điều đặc biệt hơn đó là thời gian lưu lại bệnh viện sau sinh, tất nhiên, cũng hoàn toàn miễn phí.