Hành động của vợ bên nhà hàng xóm khiến tôi tức giận vô cùng. Nhưng khi biết lý do, tôi mới nhận ra mình đã quá sai.
Tôi 30 tuổi, là nhân viên bán hàng, mỗi tháng tổng thu nhập dao động trong khoảng 20-25 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi lấy nhau hơn 2 năm, vợ tôi là nhân viên văn phòng lương khoảng 7 triệu đồng. Hai đứa hiện vẫn đang ở nhà thuê, và chúng tôi đặt mục tiêu trong 5 năm tới phải mua được một căn chung cư trả góp, tất nhiên là có sự hỗ trợ của bố mẹ hai bên nữa.
Mỗi tháng, tiền thuê nhà của chúng tôi hết 5 triệu, cộng với tiền điện nước và một số khoản lặt vặt coi như hết lương của vợ. Trước đây tôi đưa vợ 8 triệu để lo chi phí ăn uống, mua bán linh tinh, hiếu, hỉ,... Đợt này, vợ đang mang thai được 5 tháng nên tôi đưa thêm 2 triệu để cô ấy đi siêu âm, mua thuốc bổ,... Số còn lại tôi gửi tiết kiệm để phòng lúc bất trắc và lo chuyện nhà cửa sau này.
Hành động của vợ bên nhà hàng xóm đã động chạm đến sự sĩ diện của tôi. (Ảnh minh họa)
Hàng ngày, hai vợ chồng chỉ ăn cơm ở nhà bữa tối, vợ tôi nấu thêm đồ mang đi làm ăn trưa. Thế mà không hiểu cô ấy tiêu kiểu gì, tháng nào cũng hết sạch tiền, có tháng còn hỏi thêm. Tôi thực sự khó chịu vô cùng, trách cô ấy hoang phí, không biết chi tiêu tiết kiệm để còn lo cho tương lai, cứ như thế này thì bao giờ mới mua được nhà. Nghe tôi nói, vợ bảo sẽ điều chỉnh lại việc chi tiêu.
Một hôm đi làm về, tôi thấy vợ đang lúi húi bên nhà hàng xóm. Tò mò nên tôi ngó sang xem có vấn đề gì thì bất ngờ nghe được câu chuyện của vợ và bà hàng xóm.
- “Toàn đồ ăn ngon cả đấy, cháu mang về mà ăn, không phải tiền nong gì đâu”.
- “Thôi bác cứ để cháu gửi mấy đồng ạ”.
- “Không cần, bác đi làm ngày nào cũng mang về rất nhiều, ăn cũng không hết, bỏ đi thì phải tội. Mai có bác lại gọi, cháu sang mà lấy nhé. Ăn được cứ ăn nhiều vào cháu ạ, bác thấy cháu bầu bí mà hơi gầy”.
- “Vâng ạ, cháu cảm ơn bác”.
Nói xong rồi vợ tôi xách một túi đồ ăn mang về nhà, còn vừa đi vừa ăn một chiếc nem rán rất ngon lành. Nhìn thấy tôi cô ấy giật mình, ngại ngùng bảo: “Ơ anh về rồi đấy à?”.
Tôi kéo vợ ngồi xuống nói chuyện, trách cô ấy tại sao lại sang nhà hàng xóm xin đồ ăn thừa như vậy? "Em làm anh mất mặt quá đấy, em có nghĩ đến thể diện của anh không?", tôi quát lớn.
“Vì sao em phải xin đồ ăn? Vì em bầu bí, thèm nhiều món mà không dám mua, vì tháng nào anh cũng chỉ trích em tiêu hoang, không biết tiết kiệm. Bác hàng xóm đi làm ở nhà hàng, đồ ăn thừa người ta cho nhiều nên chia cho em một ít. Em dùng chỗ đồ ăn đó để mang đi ăn trưa, bớt chút tiền chợ chứ cũng có bắt anh phải ăn đâu, như thế có gì là sai? Anh chỉ nghĩ đến thể diện của anh, chứ anh không hề nghĩ xem vì sao vợ mình lại phải khổ như vậy à?”, vợ tôi đáp.
Nhìn vợ tủi thân bật khóc, tôi ân hận và áy náy vô cùng vì mình đã sống vô tâm và ích kỷ suốt thời gian qua. (Ảnh minh họa)
Những lời cô ấy nói khiến tôi nghẹn đắng ở cổ. Không ngờ tôi lại là một người chồng ích kỷ và vô tâm như vậy. Vợ bầu bí bao nhiêu thứ phải chi thêm, ăn uống cũng cần được cải thiện, nhưng tôi chưa một lần quan tâm mà chỉ chăm chăm chỉ trích cô ấy hoang phí.
Tôi nhận sai, xin lỗi vợ, khẽ ôm cô ấy vào lòng. Sau hôm đó, tôi đưa thêm tiền để vợ chi tiêu và hỏi han, quan tâm đến cô ấy nhiều hơn mỗi ngày.
Phụ nữ mang thai cần có chế độ ăn uống như thế nào?
- Nếu mẹ có cân nặng bình thường thì gần như không cần tăng lượng calo nạp vào cơ thể trong 3 tháng đầu thai kỳ mà chỉ cần ăn uống như bình thường.
- Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ cần tăng thêm 340 calo mỗi ngày. Và ở tam cá nguyệt thứ 3 thì cần tăng thêm 450 calo mỗi ngày.
- Mẹ cần bổ sung đầy đủ, đa dạng các nhóm chất, nạp protein từ những nguồn lành mạnh như: Đậu, trứng, thịt nạc, hải sản chứa ít thủy ngân,... Uống sữa và các sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo để bổ sung canxi, vitamin D.
- Tăng cường trái cây, rau xanh để cung cấp chất xơ và vitamin. Ăn các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ, mắc ca,... để cung cấp những chất dinh dưỡng có lợi cho mẹ và em bé.
- Mẹ bầu cần chọn các thực phẩm lành mạnh, ăn chín, uống sôi, kiêng rượu, bia, hạn chế nạp caffeine.