Không ai có thể tin được rằng một bà bầu đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ mà lại có một thân hình "nuột" đến thế.
Khi nhắc đến hai từ “mang thai”, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một bà bầu với cái bụng to vượt mặt, bước đi ì ạch nặng nề. Thế nhưng khi nhìn Reanna Stephens, sinh sống ở Nam Carolina (Mỹ), chắc chắn bạn sẽ vô cùng kinh ngạc vì không thể tin được cơ thể thon thả gọn gàng này lại là của một bà bầu đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ.
Reanna đang mang thai ở tháng thứ 7 nhưng cả cơ thể đều thon gọn như gái còn son.
Được biết, khi mang thai đứa con trai đầu lòng năm 2018, Reanna chỉ mới 18 tuổi. Cô gái này đang rất háo hức mong chờ đến ngày được gặp con. Nhưng trái ngược với vẻ vui mừng của bà mẹ trẻ, mọi người đều cho rằng cô đang nói dối bởi bà bầu gì mà bụng phẳng lì, thậm chí còn không có chút mỡ thừa thì mang thai bằng cách nào. Điều này làm Reanna đã từng rất buồn, thậm chí cảm thấy rất xấu hổ.
Bà mẹ 9X cho biết chính chế độ ăn thuần chay lành mạnh, kết hợp với yoga và tập cardio nhẹ nhàng đã góp phần giúp cô kiểm soát được cân nặng, không bị tăng cân nhiều hay phá dáng dù sắp sinh.
Vì ăn uống theo chế độ thuần chay lại chăm chỉ tập yoga và cardio nên cơ thể bà bầu này vô cùng thon gọn.
“Những lời bình luận của mọi người trên mạng xã hội đã làm tôi rất buồn. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh vì tôi biết cả mình và con đều khỏe mạnh. Em bé đang phát triển tốt giống như theo chuẩn của bác sĩ, và dù trông tôi không có bụng bầu nhưng nó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của tôi hoặc của em bé”, Reanna nói. “Tôi đã từng so sánh bụng bầu của mình với các mẹ khác trên các nhóm dành cho bà bầu, và tôi nhận ra bụng của mình khác hoàn toàn so với mọi người. Tôi không có cái bụng to như thế. Nhưng tôi yêu cái bụng nhỏ của mình. Tuy nó không to bằng các mẹ bầu khác nhưng nó hoàn hảo theo cách riêng của nó. Và đó là cơ thể của tôi và bụng bầu của tôi – không phải của ai khác”.
Điều này đã khiến cho Reanna nhận không ít gạch đá vì mọi người cho rằng cô nói dối hoặc bỏ bê thai nhi.
Nhưng thực tế thì con trai của Reanna đã phát triển rất tốt trong thai kỳ.
Bà mẹ trẻ cũng tiết lộ thêm rằng mình có một thân hình thể thao nhờ tập võ tổng hợp trong 6 năm bao gồm quyền anh, kickboxing, jujitsu, tập tạ cùng yoga, cardio – bài tập liên quan đến tim mạch. Nhưng kể từ khi biết mình mang thai, Reanna đã giảm bớt chế độ tập luyện, cô chỉ tập yoga và cardio nhẹ nhàng. “Đây cũng là một phần nguyên nhân giúp tôi có được vóc dáng thanh mảnh. Bên cạnh đó, tôi còn áp dụng chế độ ăn thuần chay. Tôi không ăn bất kỳ thực phẩm nào được làm từ động vật, đồng thời cũng tránh ăn các thực phẩm không lành mạnh như thức uống có ga, bánh ngọt và đồ ăn vặt”, Reanna tiết lộ.
Mặc dù bị mọi người hiểu lầm và chỉ trích, nhưng Reanna luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là mẹ. Reanna chia sẻ: “Mẹ tôi là một vận động viên và mẹ cũng không có bụng bầu cho đến khi mẹ mang thai tôi được 7 tháng. Mặc dù bụng bầu của tôi nhỏ hơn của mẹ, nhưng tôi tin rằng việc vận động có một phần ảnh hưởng đến kích thước của vòng 2 khi bạn mang thai”.
Vì sao kích thước bụng bầu của mỗi người phụ nữ lại khác nhau?
Tiến sĩ Yolanda Kirkham, bác sĩ sản phụ khoa công tác Bệnh viện Đại học Phụ nữ và Trung tâm Y tế St. Joseph ở Toronto, cho biết: “Giữa các lần mang thai, kích thước bụng bầu của mỗi mẹ cũng đã rất khác nhau, chứ huống chi là so sánh vòng bụng giữa thai phụ này và thai phụ kia. Mang thai càng nhiều lần thì bụng bầu sẽ trông càng to trong những lần mang thai sau”.
Bụng bầu to hay nhỏ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức mạnh của cơ bụng, trọng lượng và chiều cao của mẹ, vị trí của thai nhi... (Ảnh minh họa)
Để giải thích lý do vì sao lại có sự khác biệt về kích thước vòng bụng của các mẹ bầu, Tiến sĩ Yolanda tiết lộ có một số yế tố sau đây ảnh hưởng đến vòng bụng của các mẹ bầu.
1. Sức mạnh của cơ bụng
Cơ bụng là nhóm cơ cốt lõi và rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến việc bụng bầu của bạn sẽ to như thế nào. “Nếu bạn khỏe mạnh và thường xuyên tập thể dục thì cơ trực tràng – tức cơ bụng phía trước – sẽ rất căng. Điều này khiến cho bụng bầu của bạn có vẻ nhỏ hơn”, tiến sĩ Yolanda cho biết. Ngược lại, nếu bạn không hay tập thể dục, cơ bụng lỏng lẻo thì khi mang thai, bạn sẽ có một cái bụng bầu to.
2. Trọng lượng và chiều cao của người mẹ
Cơ thể của mỗi người phụ nữ là khác nhau, vì vậy kích thước bụng bầu cũng sẽ khác nhau. Một mẹ bầu có vóc dáng người cao thì khi mang thai bụng bầu cũng sẽ nhỏ hơn, gọn hơn so với mẹ bầu có chiều cao hạn chế. Cân nặng của thai phụ trước khi cấn bầu cũng quyết định một lần kích thước vòng bụng. Tiến sĩ Yolanda nói: “Những người nhẹ cân thì thường sẽ có bụng bầu nhỏ hơn so với các mẹ bầu thừa cân hoặc có cân nặng bình thường”.
3. Vị trí của thai nhi
Tùy thuộc vào vị trí của em bé, bụng của bạn đôi khi trông nhỏ hơn và những người khác sẽ trông lớn hơn một chút. Những em bé nằm sát vào lưng của mẹ sẽ làm cho bụng bầu của bạn nhỏ, và những em bé nằm ở mặt trước của tử cung thì sẽ khiến bụng bầu nhìn rất to.
4. Cách tử cung di chuyển ruột
Khi em bé lớn lên, tử cung cũng sẽ phình to ra và tự đẩy các cơ quan nội tạng, trong đó có ruột ra khỏi vị trí. Trong trường hợp ruột của mẹ bầu di chuyển lên phía trên hoặc đẩy ra phía sau thì bụng của các mẹ bầu sẽ trông không to lắm. Nhưng nếu ruột di chuyển ra phía ngoài thì nhìn vùng bụng của bạn sẽ lớn hơn và tròn hơn.
Thực ra, bụng bầu to hay nhỏ đều không quan trọng bằng việc mẹ bầu và thai nhi có mạnh khỏe hay không, em bé có phát triển tốt theo đúng quy chuẩn của từng tháng hay không. Do đó, khám thai đúng định kỳ là các tốt nhất để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu.