Bác sĩ cho biết với tình trạng sức khỏe hiện tại, mẹ bầu này nên chấm dứt thai kỳ nhưng chị nhất quyết không đồng ý.
Trong thời gian mang thai, các bác sĩ luôn khuyến cáo mẹ bầu cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân. Bất kỳ bất thường nào trên cơ thể mẹ cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm và thậm chí ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Bà mẹ dưới đây cũng rơi vào tình huống như vậy.
Chị Lan (45 tuổi, sống tại Trùng Khánh, Trung Quốc) đã có một con trai đầu lòng đang học đại học. Sau khi nhà nước xóa bỏ chính sách một con, chị luôn ao ước có thể sinh thêm một cô con gái. Sau 2 năm "thả" và mong chờ, cuối cùng chị đã mang bầu thành công. Khi biết tin mình mang thai, chị Lan đã vui mừng đến mức cả đêm không ngủ. Ngày ngày, chị đều chạm tay vào bụng thủ thỉ với con.
Phụ nữ mang thai khi đã ngoài 35 tuổi có nguy cơ gặp những vấn đề như huyết áp cao, tiểu đường,... nhưng may mắn suốt những tháng đầu, thai kỳ của chị Lan đều diễn ra suôn sẻ. Vậy nhưng bắt đầu từ tháng thứ 6, chị cảm thấy cơ thể bị ngứa ở nhiều vị trí, cùng với đó da dẻ chuyển vàng rất khó hiểu.
Bác sĩ cho biết chị Lan bị ứ mật thai kỳ nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)
Chị Lan lo lắng và đi khám. Ngay khi nhìn thấy làn da vàng vọt của chị, bác sĩ đã có chút lo lắng. Sau khi làm một loạt các xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ kết luận chị Lan bị ứ mật trong gan nghiêm trọng, vì thế thai có dấu hiệu chậm phát triển. Vì tuổi đã cao nên bác sĩ khuyên nên bỏ đứa trẻ để đảm bảo an toàn tính mạng cho mẹ. Gia đình cũng vô cùng lo lắng nên khuyên chị hãy từ bỏ.
Khi nghe tin này cũng là lúc chị Lan cảm nhận được những cử động đầu tiên của em bé trong bụng. Điều này khiến chị rớt nước mắt rồi quyết định đóng cửa cả một ngày một đêm để suy nghĩ.
"Không phải y tế đang rất tiến bộ sao? Tôi đã đọc nhiều trường hợp bé 7 tháng chào đời cũng có thể sống sót. Vậy nên tôi quyết định cố gắng mang thai thêm 1, 2 tháng nữa. Đến khi cơ thể không chịu được nữa thì mổ lấy thai", chị Lan tâm sự. Vì sự kiên quyết của chị nên các bác sĩ đã đồng ý cho cô tiếp tục mang thai và theo dõi sát sao cả thai kỳ.
Đến tuần thai thứ 29, bác sĩ cho biết lượng mật trong gan chị đã vượt quá 30 lần mức bình thường, có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi bất cứ lúc nào nên cần mổ gấp. Thời điểm mổ cho chị La, chính các bác sĩ cũng sốc khi nhiều phần nội tạng của chị đã bị "nhuộm" vàng. May mắn là tử cung vẫn hoàn hảo và em bé chào đời an toàn. Vì sinh non nên sau khi sinh, bé lập tức được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Chị Lan quyết tâm giữ con và đã nhận được "trái ngọt". (Ảnh minh họa)
Khi bác sĩ nói với chị Lan rằng đó là một bé gái, chị thở phào nhẹ nhõm và rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Dù cơ thể phải đối mặt với bệnh tật và em bé sinh non nên có nhiều nguy cơ xấu trong tương lai nhưng chị Lan vẫn không hề hối hận vì đã quyết định giữ con lại.
Tại sao có tình trạng ứ mật trong gan khi mang thai?
Khi mang thai các nội tiết tố thai kỳ ảnh hưởng đến chức năng túi mật, dẫn đến làm chậm hoặc ngăn chặn dòng chảy của dịch mật. Túi mật có vai trò tích trữ mật và cô đặc dịch mật, dịch mật được sản xuất trong gan. Chức năng quan trọng nhất của mật là giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo cũng như các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, K, E và caroten. Khi dòng chảy của dịch mật ngừng trệ hoặc bị chậm lại, điều này gây ra một phản ứng mật trong gan có thể tràn vào máu. Những người có nguy cơ cao bị ứ mật là những người béo phì, mỡ trong máu cao, có bệnh lý về gan trước đó, tiền căn gia đình có người bị ứ mật.
Những ảnh hưởng lên thai nhi và lên mẹ:
- Tác động lên mẹ: ngứa, có thể trở nên căng thẳng và trầm cảm, rối loạn đông máu do thiếu vitamin K, chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sinh, ứ dịch lòng tử cung.
- Hậu quả cho thai nhi: thai nhi chậm tăng trưởng, suy thai trường diễn, sinh non, hội chứng hít phân su, thai chết lưu.