Nhìn con chào đời mà toàn thân tím tái, bà mẹ này thầm cảm ơn vì đã đến bệnh viện kịp lúc.
Trong quá trình mang thai, có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, nên các bác sĩ đều khuyên thai phụ nên hết sức cẩn thận trong cả việc ăn uống lẫn hành động hàng ngày. Và càng về cuối thai kỳ, các biến chứng các dễ xảy ra, nên càng phải chú ý nhiều hơn nữa. Và may mắn là trong một số tình huống khẩn cấp, mẹ bầu đã phát hiện kịp thời nên đã cứu kịp cả mẹ lẫn con.
Giai Di năm nay 30 tuổi, cô sống cùng gia đình chồng ở Thấm Quyến Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Giai Di biết tin mình mang thai. Ngoại trừ 3 tháng đầu bị ốm nghén ra, những tháng sau này, mẹ bầu này đều ăn ngon ngủ tốt. Thai nhi lại phát triển tốt nên cả hai vợ chồng cô đều rất vui mừng.
Cách đây không lâu, trong một lần khám thai định kỳ, bác sĩ thông báo: “Em bé đã bị dây rốn quấn cổ 2,5 vòng rồi. Chị nên chú ý đến cử động của thai nhi thường xuyên. Nếu có bất thường gì hãy đến bệnh viện ngay lập tức”. Điều này khiến vợ chồng Giai Di vô cùng lo lắng cho đến khi bác sĩ trấn an rằng dây rốn quấn cổ hơn 2 vòng là chuyện bình thường. Cứ 10 mẹ bầu thì sẽ có 1 đến 2 người gặp phải trường hợp này. Nếu Giai Di cảm thấy lo lắng thì cô có thể sinh mổ lấy thai khi em bé được từ 37 tuần trở lên. Nhưng điều quan trọng nhất chính là phải đếm cử động của thai nhi liên tục.
Bác sĩ thông báo con bị dây rốn quấn cổ 2,5 vòng khiến Giai Di lo lắng (Ảnh minh họa)
Sau khi trở về nhà, ngày nào Giai Di cũng quan tâm đến chuyện cử động của con. Cô nhận thấy con khá bình tĩnh, cứ mỗi khi mẹ chạm vào bụng thì sẽ đạp đạp vài cái cho mẹ biết. Cách đây vài hôm, tự nhiên mẹ bầu này phát hiện con đạp liên hồi một cách dữ dội. Cảm giác bất an dâng trào nên Giai Di liền gọi chồng chở vào bệnh viện ngay tức khắc.
Vừa vào đến bệnh viện, nghe kể tình trạng em bé bị dây rốn quấn cổ mà đạp liên hồi, bác sĩ ngay lập tức đẩy luôn Giai Di vào phòng mổ mà không kịp giải thích câu nào. Lúc chào đời, con gái cô toàn thân tím tái do bị dây rốn quấn cổ xiết chặt làm nghạt thở.
Nhìn con chào đời an toàn, Giai Di đã thở phào nhẹ nhõm. Nhờ nghe lời bác sĩ cộng với bản năng làm mẹ, cô đã bảo vệ thành công tính mạng của con gái mình.
Nhờ nghe lời bác sĩ đếm cử động thai nhi và bản năng làm mẹ, Giai Di đã đến bệnh viện kịp lúc để cứu lấy tính mạng của con (Ảnh minh họa)
Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi là một hiện tượng phổ biến và xảy ở khoảng 1/3 tổng số các ca sinh. Nguyên nhân của hiện tượng này là do trong quá trình di chuyển, thai nhi vô tình bị dây rốn quanh vòng cổ. Mặc dù tình huống này không nguy hiểm nhưng nếu dây rốn vô tình xiết chặt cổ, khiến em bé bị ngạt thở thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của em bé nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, bác sĩ khuyên các mẹ bầu nên đếm số lần chuyển động của con trong ngày.
Về quy tắc, mẹ bầu nên đếm cử động thai nhi 2 – 3 lần/ ngày vào những giờ cố định. Trước khi bắt đầu đếm, bạn nên ăn no và đi tiểu cho sạch bàng quang.
- Đặt tay lên bụng để cảm nhận những cử động của con.
- Đếm số lần con cử động trong vòng 1 giờ.
Thông thường, số lần cử động trung bình mỗi ngày của thai nhi là 16 - 45 lần và khoảng cách tối đa ghi nhận giữa các lần thai máy là 50 - 75 phút. Mẹ bầu cũng nên lưu ý bạn sẽ không thể cảm nhận được cử động của con trong khoảng thời gian con ngủ. Nhưng thời gian ngủ của thai nhi thường ở khoảng 20 – 40 phút, hiếm khi nào quá 90 phút.
Vì thế, nếu mẹ bầu thấy con có ít hơn 4 đợt cử động, thì nên nằm nghỉ và đếm cử động thai trong 1 – 2 giờ tiếp theo. Còn nếu trong 2 giờ tiếp theo mà số lần cử động của con ít hơn 10 lần thì bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được theo dõi.