Bà mẹ 18 tuổi này đã mang thai hai lần và đều tự sinh con tại nhà.
Sinh con, dù dễ hay khó đều là một trải nghiệm khó quên đối với mỗi bà mẹ. Các bác sĩ đều khuyến cáo thai phụ nên lựa chọn sinh nở tại các bệnh viện để có được sự đảm bảo an toàn, phòng tránh các tình huống nguy hiểm xảy ra.
Mới đây, các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân H.T.C, 18 tuổi, trú tại xóm Lũng Gà, xã Thượng Thôn bị ngất sau khi sinh con tại nhà.
Theo đó, người phụ nữ 18 tuổi mang thai lần 2 và cả hai lần chị đều sinh con tại nhà. Sau sinh, sản phụ bị ngất, người nhà gọi xe cứu thương đến đón đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Chị C. ngất xỉu sau khi tự sinh con tại nhà.
Khi xe cứu thương bệnh viện đến đón, sản phụ trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không trả lời, huyết áp không đo được, mạch nhanh nhỏ. Các y, bác sỹ đã khẩn trương truyền dịch, xử trí tích cực giai đoạn 3, đỡ rau, kiểm soát tử cung và đưa sản phụ vào viện.
Vào viện, chị C da xanh, niêm mạc nhợt, mạch 114 lần/ phút, huyết áp hạ còn 70/40 mmHg, tử cung co hồi tốt, sản dịch ra ít, sẫm màu. Sau khi được cấp cứu, điều trị, hiện tại sức khỏe hai mẹ con chị C tạm ổn định.
Sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường, nhưng khi mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để được quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc mẹ và con sau đẻ đúng theo quy trình chuyên môn.
Theo Bộ Y tế, việc sinh đẻ tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng.
Tự sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. (Ảnh minh họa)
Những nguy hiểm khi sinh con tại nhà
Bác sĩ luôn khuyến cáo sản phụ đến sinh tại bệnh viện vì tự sinh tại nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé.
Đối với mẹ:
- Mẹ sinh khó do ngôi thai ngược, tràng hoa cuốn cổ thai nhi hay nhau tiền đạo. Sinh khó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, thậm chí là tử vong.
- Băng huyết sau sinh không được xử lý kịp thời.
- Nguy cơ cao bị sa sinh dục do không được cắt khâu tầng sinh môn dẫn đến nhiễm trùng cơ quan sinh dục.
Đối với bé:
- Bị ngạt thở vì không có bình oxy, dụng cụ hút đàm nhớt
- Nguy cơ cao bị nhiễm trùng khi nhau thai hoại tử.
- Nguy cơ tử vong cao nếu trẻ bị mắc các dị tật bẩm sinh mà khi khám thai có thể không phát hiện ra.
- Bị chấn thương do mẹ khó sinh.
- Nguy cơ nhiễm trùng do các dụng cụ đỡ đẻ không được vô trùng.