12 năm trời đằng đẵng “tìm con” với các phương pháp Tây y đến Đông, Nam y để chữa hiếm muộn, cuối cùng gia đình chị Mai đã được "nếm trái ngọt".
Sinh ra được một đứa con chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt với những người mẹ phải chịu cảnh hiếm muộn. Họ đã phải trải qua khoảng thời gian dài đằng đẵng sống trong bao nỗi thấp thỏm, âu lo, có lúc đau đớn, tuyệt vọng đến tột cùng. Chị Nguyễn Mai (32 tuổi) ở Hà Nội cũng là một trong những bà mẹ như thế.
Chị Mai đã chịu cảnh hiếm muộn hơn 12 năm, bước vào hành trình tìm con gian nan với 2 lần lưu thai, nhiều lần chuyển phôi và thụ tinh thất bại. Song bằng nỗ lực và sự kiên trì, tổ ấm nhỏ của anh chị đã được thắp lên ánh sáng và những tiếng cười từ 2 thiên thần nhỏ chào đời năm 2019 vừa qua.
Chị Nguyễn Mai ở Hà Nội phải đến năm thứ 12 sau ngày cưới mới được làm mẹ.
12 năm đi khắp Bắc - Nam chữa hiếm muộn
Kết hôn khi mới 20 tuổi, như bao đôi vợ chồng trẻ khác chị Mai mong muốn được đón con yêu để có thêm hạnh phúc vẹn tròn. Thế nhưng điều không may mắn là sau hàng loạt các xét nghiệm, chị được các bác sĩ chẩn đoán buồng trứng đa nang và nhiều vấn đề sức khỏe khác làm ảnh hưởng tới khả năng thụ thai.
Đón nhận tin sét đánh đó, chị cùng ông xã động viên nhau ăn uống bồi bổ để cải thiện sức khỏe, tiếp tục nuôi ước mơ được làm cha, làm mẹ của mình. Có bệnh thì vái tứ phương, hễ nghe đâu mách có thầy hay thuốc tốt anh chị đều lui tới song cuối cùng vẫn thất bại.
“Buồn tủi nhưng chẳng biết nói cùng ai, lâu rồi thành tự ti ngại tiếp xúc với những người xung quanh. Nhiều năm liền mình không thể tự tin ra đường bởi những câu hỏi, những nghi ngờ của mọi người. Có những lời ác ý rằng như: “Hay là tịt đẻ rồi?”. Nghe những điều tiếng đó mình buồn lắm, chỉ biết khóc thôi”, chị Mai tâm sự.
Bước sang năm thứ 8 sau kết hôn, hai vợ chồng chị thống nhất vay mượn tiền lặn lội vào Sài Gòn để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), do gặp phải tình trạng quá kích buồng trứng nhưng may mắn chị vẫn đậu thai. Tuy nhiên, chỉ rất nhanh sau đó trong một lần đi khám chị phát hiện thai đã bị lưu. Nghe bác sĩ nói, nước mắt chị chảy dài. Ra khỏi phòng khám, hai vợ chồng không ai nói nên lời.
Để có được những đứa con kháu khỉnh, chị đã phải hy sinh rất nhiều.
Một năm sau khi về nhà, chị Mai tiếp tục quay trở lại bệnh viện ở Sài Gòn khám và chuyển nốt số phôi đang trữ song kết quả không được như mong đợi. Mãi đến năm 2017 mới lại thụ tinh thành công song chỉ mới trải qua vài tuần thai đầu tiên thì chị phát hiện đau bụng như lần mang thai trước. Chị được chồng đưa xuống bệnh viện kiểm tra ngay lập tức. Tại đây, bác sĩ siêu âm phát hiện con không có tim thai.
Trời đất như đổ sụp dưới chân cặp vợ chồng muộn màng, bác sĩ quyết định mổ làm thủ thuật hút thai ra ngoài. Cũng vì gánh nặng con cái mà sau gần 10 năm kết hôn chị Mai đã lấy hết can đảm để nói chuyện với chồng về việc ly hôn để anh có thể đi lấy vợ mới. “Trách số phận hẩm hiu và thương xót chồng rất nhiều nên mình đã khuyên anh đi lấy vợ mới nhưng bỏ ngoài tai tất cả điều tiếng và ác ý, anh chỉ cười và động viên để cả hai lạc quan thôi” – bà mẹ trẻ đau đớn nhớ lại.
Mang thai chồng không cho làm gì, chỉ ăn với ngủ
Sau những tháng ngày giông bão đó, anh chị dốc sức vào lao động song vẫn không thôi hy vọng một ngày được làm cha mẹ. Năm 2018 chị Mai dặn chồng ở nhà yên tâm làm việc, chị một mình khăn gói vào Nam tiếp tục tìm con. Tại đây, một lần nữa chị lại gieo hy vọng nuôi ước mơ chưa thành của mình.
Chị Mai nhớ lại: "Lần chuyển phôi này mình kỳ vọng nhiều lắm. Và hạnh phúc vỡ òa đến đến vô cùng bất ngờ khi mình đậu thai. Tuy nhiên, vì đã có tiền sử lưu thai nên chỉ hai vợ chồng chia sẻ cho nhau biết chứ chưa dám thông báo cho nội ngoại hai bên. Ở lại bệnh viện qua tuần thai thứ 4 mình bay về Hà Nội, ngày về chồng đứng đợi ở sân bay với đôi mắt đỏ lên bởi những giọt nước mắt sung sướng song anh cũng khóc nghẹn xót xa vì vợ vừa xanh vừa gầy”.
Nhờ nỗ lực của bản thân và những tiến bộ của y học, chị đã hái được trái ngọt sau nhiều năm dài đằng đẵng.
Trong lần chị may mắn mang thai đôi và được bác sĩ nói bị tụ dịch màng nuôi nhưng nhờ được theo dõi sát sao nên tình trạng sức khỏe của các con ổn định. Biết bản thân khó có con nên gần như cả thai kỳ chị Mai không dám làm việc nặng, hạn chế đi lại. Cứ 2 tuần vợ chồng chị lại lên đến bệnh viện kiểm tra định kỳ.
“Mình kiêng nhiều lắm, ông chồng không cho làm gì chỉ ăn với ngủ, đến tuần thai thứ 12 mới hết tụ dịch. Biết thai đôi khó giữ mình xin đi khâu cổ tử cung khi thai 23 tuần mình. Từ đó đến gần ngày sinh mình dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ” – 8X nói.
Chị kể tiếp, đến tuần thai 32 thấy xuất hiện cơn gò mỗi lúc một nhiều, cổ tử cung bị tụt buộc chị phải tiêm thuốc để giữ con. Tuy nhiên, chỉ giữ được em bé thêm 10 ngày là chị được chỉ định mổ gấp bắt 2 em bé ra ngoài. Cặp đôi song sinh đã chào đời, nghe tiếng con khóc, chị vỡ òa trong hạnh phúc. Do sinh thiếu tháng lại nhiễm trùng máu dẫn đến viêm phổi nặng nên 2 con được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt để nằm lồng kính theo dõi.
Điều mà chị mong mỏi hơn hết lúc này là con khỏe mạnh mỗi ngày.
Sau gần một tháng gia đình được bác sĩ thông báo cho các bé ghép mẹ. Ôm con trong vòng tay, chị Mai rưng rưng nước mắt: “Sau 12 năm, mình mới biết thế nào là thiên chức làm mẹ, thế nào là hạnh phúc vẹn toàn của một gia đình nhỏ”- chị Mai chia sẻ.
Điều mà chị mong mỏi hơn hết lúc này là con khỏe mạnh mỗi ngày. Qua chặng đường tìm con gian nan của mình, chị Mai cũng muốn nhắn gửi đến các mẹ hiếm muộn khác rằng hãy cố gắng, đừng từ bỏ và nhất định sẽ có ngày được hưởng hạnh phúc như chị hiện tại.