Lúc cầm phiếu siêu âm thai, mắt chị Ly mờ đi, hai tay run rẩy cầm điện thoại gọi gấp cho chồng.
Chị Lê Thương Ly (29 tuổi) ở Hà Nội vừa trải qua một thai kỳ quá nhiều cảm xúc, đã có lúc chị tưởng như ngày con chào đời cũng là ngày phải rời xa mãi mãi. Thế nhưng, bằng sức sống mãnh liệt, em bé Cát An đã kiên cường ở lại bên bố mẹ.
Thai 18 tuần, bác sĩ chẩn đoán thiểu sản tim
Em bé Cát An là con thứ hai của chị Ly. Ngày mang bầu chị vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Để có thêm thông tin và kiến thức chăm sóc sức khỏe thai kỳ, hằng ngày chị vẫn lên mạng tìm những món ăn tốt cho bà bầu.
Những tuần đầu thai kỳ cứ nhẹ nhàng trôi qua, cho đến khi chị đi làm xét nghiệm kiểm tra dị tật thai nhi, bác sĩ nói mẹ mang gen tan máu bẩm sinh. Tuy nhiên khi được bác sĩ giải thích: “Nếu người vợ mang gen tan máu bẩm sinh mà chồng không mang gen bệnh thì tỉ lệ con mắc tan máu bẩm sinh sẽ rất thấp”, nghe xong chị có phần yên tâm hơn.
Hình ảnh em bé Cát An sau khi đã xuất viện về nhà.
Khi thai được 18 tuần chị đến bệnh viện trung ương quân đội 108 để kiểm tra thai định kỳ thì hay tin con mắc hội chứng thiểu sản tim. Mẹ 9X nhớ lại: “Trong quá trình siêu âm mình nhìn nét mặt bác sĩ có vẻ khá căng thẳng, bác ấy siêu âm rất kỹ. Nhìn vậy mình cũng đoán được có chuyện chẳng lành nên liền vội vã hỏi thì được bác sĩ nói em bé nghi bị thiểu sản tim khá nặng”.
Đón nhận chẩn đoán của bác sĩ, chị Ly như thấy trời đất sụp đổ ngay trước mắt. Lúc cầm phiếu siêu âm mắt chị mờ đi, hai tay run rẩy cầm điện thoại gọi gấp cho chồng. Đầu dây bên kia bắt máy cũng là lúc chị òa khóc nức nở nói không nên lời. Nghe tin chồng chị cũng lặng người mất vài phút, sau đó phi xe máy tới bệnh viện đón vợ. Vì quá sốc nên suốt quãng đường dài trở về nhà hai người chẳng thể nói với nhau được câu nào.
Như không muốn tin vào sự thật, cặp vợ chồng trẻ tìm đến bác sĩ siêu âm về tim thai nhi để kiểm tra lại. Khi siêu âm ở đó xong bác sĩ kết luận chưa phải thiểu sản tim mà chỉ là hẹp eo động mạch chủ, lúc này chị Ly như được sống lại thêm một lần nữa.
Con mắc nhiều bệnh lý về tim mạch.
Biết con không được khỏe nên cứ hai tuần là chị lại tới bệnh viện để siêu âm một lần. Những tưởng mọi sóng gió đã qua đi thì đến tuần thai 24 chị đi siêu âm định kỳ và được bác sĩ chẩn đoán giống y như lần khám ở bệnh viện 108 cho thấy em bé mắc hội chứng thiểu sản tim kèm dấu hiệu giãn não thất. “Nghe bác sĩ nói xong mình muốn khóc mà không khóc nổi. Vì con mình đã bị tim giờ còn thêm giãn não thất thì sống thế nào được. Từ khi siêu âm xong trở về nhà không đêm nào mình ngủ được” – chị Ly nói.
Hai tuần sau trở lại tái khám, chị Ly được bác sĩ khuyên nên chọc ối để kiểm tra dị tật thai nhi. Lo sợ chọc ối sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến em bé nên chị chần chừ và quyết định từ chối chọc ối để giữ con được lâu hơn.
Cho đến khi thai được 28 tuần tuổi, chị đến thẳng một bệnh viện sản ở Hà Nội để khám và tiến hành đăng ký hồ sơ sinh. Sau khi siêu âm các bác sĩ nhận định đây là trường hợp thai nhi mắc bệnh tim khá nặng nên đã hướng dẫn tới phòng hội chẩn bệnh viện để được tư vấn và kết luận chính xác.
Tại khoa hội chẩn trước sinh, mẹ bầu 28 tuần được các bác sĩ siêu âm rất kỹ lưỡng, kết quả cho thấy em bé bị giãn não thất, thiểu sản tim và chỉ có 2 mạch ở dây rốn. “Lúc đó mình vẫn lơ mơ thì có một bác sĩ mời hai vợ chồng vào giải thích: “Em bé bị đa dị tật nếu cố sinh ra thì cũng chỉ sống thực vật và cứ cố nuôi cùng lắm cũng chỉ được 20 năm. Gia đình nên cân nhắc việc đình chỉ thai”. Không hiểu sao lúc đó mình không khóc mà chỉ suy nghĩ nếu con mắc quá nhiều bệnh như vậy thì khi sinh ra con sẽ phải gánh rất nhiều đau đớn, bao nhiêu câu hỏi cứ thế ập tới khiến bản thân hoang mang. Sau một hồi trao đổi cùng chồng thì chúng mình quyết định nghe theo tư vấn của bác sĩ là nên đình chỉ thai” – mẹ 9X tâm sự.
Em bé chào đời chỉ nặng vỏn vẹn 9 lạng
Sau khi ký tá giấy tờ để ngày hôm sau nhập viện, chị Ly trở về nhà nghỉ ngơi, buổi tối hôm đó bỗng nhiên em bé đạp bụng mẹ liên hồi. Nếu như ngày thường con chỉ máy một chút thì trước đêm “định mệnh” đó, chị nói chuyện và cả những lời xin lỗi ngập trong nước mắt thì con lại đạp rất khỏe. Chị Ly kể: “Mẹ chỉ cần chạm tay vào vị trí nào trên bụng là bạn ấy đạp vào vị trí đó. Có lẽ con không biết chuyện gì sắp xảy ra với mình nên vẫn vô tư chơi đùa với mẹ. Mình thức nguyên 1 đêm vì nghĩ để được chơi với con lần cuối”.
Sáng ngày hôm sau, trước khi bước vào đình chỉ thai chị được tiến hành chọc ối, khi bác sĩ vừa đưa kim tiêm vào vị trí ở rốn của mẹ thì em bé chạy loạn trong bụng, bác sĩ chọc bên phải thì mẹ cảm nhận được em bé chạy sang bên trái. Thao tác được khoảng 2 phút thì bác sĩ ngạc nhiên vì em bé lấy tay gạt mạnh khiến kim tiêm bật ra, lúc này các bác sĩ đều phải thốt lên: “Em bé có sức sống quá mãnh liệt”.
Trong nhiều lần siêu âm kiểm tra, bác sĩ đã từng khuyên chị Lý cân nhắc về việc đình chỉ thai.
18 giờ chiều khi đã chọc ối xong chị được đưa lên nhập viện để ngậm thuốc tạo cơn co và sau 12 giờ ngậm thuốc cổ tử cung đã mở 8cm. Lúc này chị Ly cảm nhận rõ có một thứ gì đó ở giữa hai chân của mình, không toan tính được gì nhiều chị chỉ biết hét toáng lên kêu cứu. Nhận định thai phụ có nguy cơ vỡ tử cung nên bác sĩ đã nhanh chóng rạch tầng sinh môn để bắt em bé ra ngoài.
Nhắc lại thời khắc sinh em bé, mẹ bỉm sữa cho biết: “Việc rạch sống ở tầng sinh môn khiến mình đau đến chết đi sống lại, sau chỉ vài phút là các bác sĩ đã bê nguyên 1 bọc ối ra ngoài. Chắc do con mình nhỏ nên các bác không bấm ối. Thế là 1 sinh linh 900gram bé như con chuột con được mẹ đặt tên là Nguyễn Cát An nằm gọn trên ngực mẹ, được ôm con trong lòng mình cảm thấy thanh thản vô cùng”.
Dường như có một sợi dây vô hình của tình cha con nhưng lại rất thiêng liêng, ngay sau khi chào đời, em bé phản xạ rất yếu nhưng khi được bố gọi “con gái ơi!” là em bé tự nhiên mở to mắt nhìn. Từ một đứa trẻ sinh non chỉ 9 lạng thở yếu thì sau 24 tiếng lọt lòng con bỗng dần hồi sinh, con thở được và da dẻ hồng hào lên, em bé nhanh chóng được chuyển xuống phòng chăm sóc đặc biệt để nằm lồng ấp.
Do con mắc bệnh lý về tim nên các bác sĩ đã phối hợp cùng gia đình chuyển em bé đến bệnh viện tim mạch để theo dõi. Còn bản thân chị do sinh non sữa chưa về nên đã tức tốc chạy đến bệnh viện phụ sản, đến các gia đình có mẹ vừa sinh để xin sữa cho con.
Giờ đây sau hơn 2 tháng chào đời, dù vẫn còn cả chặng đường phía trước, nhưng chưa một giây phút nào con thôi cố gắng để được sống.
Theo dõi tại bệnh viện và được bú sữa non, em bé Cát An tăng từ 900 gram lên 1kg. “Nghe tin con tăng được một lạng mà vui lắm, hạnh phúc không thể nào diễn tả nổi. Bất ngờ hơn là khi có kết quả chụp cắt lớp vi tính kết quả cho thấy bệnh lý của con không quá nặng mà chỉ bị hẹp eo động mạch chủ và thông liên thất” – mẹ Hà Nội cho biết.
Sau hơn một tháng theo dõi, em bé Cát An được chuyển xuống khoa nội nhi, ghép mẹ được 20 ngày con được xuất viện về nhà. Dẫu chặng đường phía trước còn rất dài, mẹ vẫn phải ngày ngày đi xin sữa, con vẫn chưa phút giây nào thôi nỗ lực để giành giật sự sống nhưng với bản lĩnh kiên cường, em bé Cát An sẽ cùng mẹ mạnh mẽ để vượt qua những sóng gió đầu đời.