Tôi từng tin rằng, dù hôn nhân có rạn nứt đến đâu, chỉ cần có một đứa trẻ xuất hiện, mọi thứ sẽ thay đổi. Nhưng tôi sai rồi.
Khi tôi phát hiện mình có thai, tôi vui mừng và tin rằng đây là cơ hội để vợ chồng tôi làm lại từ đầu. Chúng tôi đã ly thân hơn nửa năm, nhưng tôi luôn nghĩ rằng giữa chúng tôi vẫn còn hy vọng. Chỉ cần tôi cho anh biết về đứa bé, chắc chắn anh sẽ suy nghĩ lại.
Tôi chuẩn bị kỹ càng, chọn một ngày đẹp trời, mua ít đồ ăn mà anh thích rồi đến tìm anh với tâm trạng đầy mong chờ. Nhưng khi đứng trước cửa nhà, tôi phát hiện có một đôi giày nữ lạ đặt ngay ngắn bên cạnh giày của anh.
Tôi khựng lại. Cảm giác bất an dâng lên trong lòng. Nhưng tôi tự trấn an mình: "Có thể là em gái hoặc bạn bè của anh ấy". Tôi hít một hơi sâu, gõ cửa.
Một lát sau, cánh cửa mở ra. Không phải chồng tôi, mà là một người phụ nữ trẻ mặc áo ngủ, cả 2 người đang ôm nhau đắm đuối.
Tôi choáng váng khi nhìn thấy người phụ nữ lạ trong nhà. (Ảnh minh họa)
Cô ta nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh:
"Chị tìm ai vậy?"
Tôi chết lặng. Đứng trước tình huống này, tôi không biết phải trả lời thế nào.
Lúc ấy, chồng tôi từ trong nhà bước ra, trên người mặc bộ đồ ở nhà thoải mái, ánh mắt anh thoáng sững lại khi thấy tôi. Nhưng không có chút gì gọi là vui mừng hay xúc động. Ngược lại, anh cau mày, giọng lạnh lùng:
"Sao em lại đến đây?"
Tôi cảm thấy cả thế giới sụp đổ. Tôi đã mong đợi anh hỏi thăm tình trạng của tôi, anh sẽ ôm tôi vào lòng khi biết tôi có thai. Nhưng tất cả những gì tôi nhận được là ánh mắt khó chịu và xa lạ của anh.
Tôi siết chặt túi đồ trong tay, cảm giác như tim bị bóp nghẹt. Cố gắng kiềm chế giọng run rẩy, tôi nói:
"Em có thai rồi”.
Câu nói đó khiến không gian xung quanh trở nên im lặng đến đáng sợ. Người phụ nữ kia thoáng bất ngờ, còn chồng tôi thì bật cười một cách lạnh lùng.
"Có thai?" Anh nhếch môi. "Vậy thì sao? Chúng ta đã ly thân hơn nửa năm rồi, em lấy gì để chắc chắn đứa bé là của tôi?"
Tôi ngỡ ngàng, nước mắt trực trào. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày người đàn ông từng là chồng mình lại có thể nghi ngờ tôi đến mức này.
Tôi lùi lại, toàn thân run lên:
"Anh nói vậy là có ý gì?"
Anh khoanh tay trước ngực, giọng dửng dưng:
"Ý tôi là, đừng mong lấy đứa bé ra để ràng buộc tôi. Tôi đã có cuộc sống riêng, em cũng nên buông tha cho tôi đi”.
Tôi chết lặng. Câu nói đó giống như một nhát dao đâm thẳng vào tim tôi.
Người phụ nữ bên cạnh anh khẽ cười, khoác tay anh một cách thân mật, như thể muốn tuyên bố chủ quyền. Tôi đứng yên một lúc lâu, rồi như chợt tỉnh mộng. Tôi không cần phải van xin một người đàn ông đã sớm muốn gạt mình ra khỏi cuộc đời anh ta.
Tôi hít một hơi thật sâu, đặt túi đồ trước cửa rồi quay lưng bước đi. Không níu kéo, không cầu xin, không một lời oán trách. Tôi đã tưởng đứa con trong bụng sẽ là sợi dây kết nối chúng tôi. Nhưng thực tế, sợi dây đó đã đứt ngay từ ngày anh quyết định buông bỏ cuộc hôn nhân này. Tôi từng nghĩ mình có thể bắt đầu lại với anh. Nhưng giờ tôi hiểu rồi. Thứ tôi cần bắt đầu lại chính là cuộc đời của mình, mà không có anh.
Tôi bước đi trong làn gió lạnh, bàn tay vô thức đặt lên bụng mình. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra mình không còn gì để níu kéo, nhưng tôi vẫn còn một sinh linh nhỏ bé đang lớn lên từng ngày.
Mang thai khi không có chồng bên cạnh chắc chắn sẽ là một hành trình vô cùng khó khăn. Tôi sẽ phải đối mặt với vô vàn thử thách, từ những cơn ốm nghén, những lần đi khám thai một mình, cho đến cả nỗi cô đơn khi không có ai bên cạnh lúc trở dạ. Nhưng có lẽ, chính đứa con này sẽ là động lực để tôi mạnh mẽ hơn, để tôi học cách yêu thương bản thân, và trở thành một người mẹ kiên cường.
Bài tâm sự được gửi từ độc giả có email: linhnghi…@gmail.com
Những khó khăn khi lựa chọn mang thai khi không có chồng đồng hành?
Mang thai là một hành trình đầy thiêng liêng nhưng cũng không ít vất vả. Đối với những người phụ nữ lựa chọn mang thai mà không có chồng đồng hành, khó khăn càng chồng chất. Không chỉ về mặt thể chất, mà tinh thần cũng phải đối mặt với những áp lực rất lớn. Dưới đây là những thử thách phổ biến mà mẹ bầu sẽ phải trải qua:
1. Áp lực tinh thần và sự cô đơn
Không có chồng bên cạnh, mẹ bầu dễ rơi vào cảm giác cô đơn, tủi thân khi chứng kiến những khoảnh khắc mà đáng lẽ ra cả hai nên cùng nhau trải qua từ lần đầu siêu âm, những cử động đầu tiên của bé, đến ngày sinh nở.
- Thiếu đi sự an ủi và sẻ chia: Khi đối diện với cảm xúc thay đổi thất thường do hormone, mẹ dễ bị stress và trầm cảm hơn.
- Áp lực từ gia đình, xã hội: Nếu mang thai ngoài hôn nhân hoặc phải làm mẹ đơn thân, mẹ có thể bị đánh giá, chịu áp lực từ gia đình và những người xung quanh.
2. Gánh nặng tài chính
Nuôi con không chỉ cần tình yêu thương mà còn đòi hỏi một nguồn tài chính ổn định. Khi không có chồng bên cạnh, mẹ phải một mình xoay xở từ việc khám thai, chuẩn bị đồ sơ sinh đến chi phí nuôi con sau này.
- Chi phí y tế: Tiền khám thai, thuốc men, sinh nở có thể là gánh nặng lớn nếu không có sự hỗ trợ tài chính.
- Không có người chia sẻ trách nhiệm kinh tế: Nếu mẹ đang đi làm, có thể phải đối mặt với việc giảm thu nhậptrong thời gian nghỉ thai sản.
3. Khó khăn trong sinh nở và chăm sóc con một mình
Khoảnh khắc chuyển dạ là lúc mẹ cần một người thân bên cạnh nhất, nhưng nếu không có chồng, mẹ có thể sẽ phải tự lo liệu tất cả.
- Ai sẽ đưa mẹ đến bệnh viện khi chuyển dạ?
- Sau sinh, ai sẽ giúp mẹ chăm sóc bé những ngày đầu?
- Ai sẽ giúp đỡ khi mẹ kiệt sức sau những đêm thức trắng chăm con?
4. Vượt qua cảm giác tủi thân khi nhìn gia đình người khác
Thật khó để không chạnh lòng khi nhìn thấy những gia đình hạnh phúc khác—những ông bố háo hức chờ con chào đời, những cặp đôi cùng nhau đi khám thai. Mẹ có thể cảm thấy thiếu hụt, tổn thương và tự hỏi liệu con mình có thiệt thòi không.