Suốt thai kỳ luôn trong tình trạng “báo động đỏ”, chị Phương mang thai đến tuần 27 thì bất ngỡ vỡ ối, em bé chào đời và chỉ nặng 7 lạng.
Dọa sảy, thiểu ối, sinh non là những nguy cơ khiến chị Hà Phương (33 tuổi, sống tại Hà Nội) thấp thỏm lo âu suốt quãng thời gian mang thai bé thứ 2. 3 năm về trước, chị mang thai và sinh bé đầu hoàn toàn suôn sẻ, khỏe mạnh. Nhưng đến bé thứ 2, sức khỏe của mẹ và bé lại thường xuyên bất ổn.
May mắn thay, sau những nỗ lực của hai mẹ con và ủa đội ngũ y bác sĩ, chị cũng đã cùng em bé về đích thành công ở tuần thai thứ 27. Bé sinh non, nặng chưa đầy một cân song đã rất kiên cường vượt qua được những sóng gió đầu đời.
Chị Hà Phương kết hôn năm 2015 và đã làm mẹ của 2 em bé.
Chị Hà Phương kết hôn năm 2015, một năm sau đó gia đình chị hạnh phúc chào đón bé trai đầu lòng. Bé Nana là con thứ hai của anh chị, em bé đến với bố mẹ rất tự nhiên khi hai vợ chồng còn chưa có kế hoạch cho việc sinh thêm nhưng cả hai đều chung quan điểm con cái đến chính là lộc trời nên rất vui mừng chào đón.
Chị thú nhận bản thân là người phụ nữ rất dễ có thai song cả thai kỳ thì lại rất khó khăn, luôn trong tình trạng “báo động đỏ”. Thai bước vào tuần thứ 7 chị bắt đầu thấy có dấu hiệu chảy máu nhiều, sau khi siêu âm bác sĩ kết luận thai lưu và tư vấn đình chỉ thai nghén. Chị Phương nhớ lại: “Lúc nghe bác sĩ kết luận thai lưu phải đình chỉ, mình như rụng rời chân tay, không khóc nổi vì sợ. Không tin vào kết luận đó nên hai vợ chồng đã tìm đến một bác sĩ quen để khám lại, rất may em bé bình thường và bác sĩ chỉ phải kê đơn thuốc để mình dưỡng thai thôi”.
Nếu như lần sinh và mang thai đầu tiên chị khá thuận lợi thì lần này chị luôn trong tình trạng "báo động đỏ".
Được biết thời gian mang bầu chị Phương ăn uống rất tốt nhưng cả hai lần đều bị nghén rất nặng. Kể về giai đoạn mang bầu khó khăn của mình, chị tâm sự: “Bản thân cứ nghĩ mang thai lần này sẽ thuận lợi như lần sinh trước, nhưng không ngờ lại có quá nhiều thử thách đến vậy. Thai 7 tuần thì bị ra máu động thai, đến tuần 12 thì bác sĩ kết luận mẹ thiểu ối do rỉ ối. Đi khám đâu bác sĩ cũng động viên chịu khó nghỉ ngơi giữ tinh thần thoải mái”.
Nghe lời chuyên gia sản khoa tư vấn, mỗi ngày chị Phương uống nước đều đặn, bổ sung thêm mỗi ngày 1 quả dừa để tăng lượng nước ối đáp ứng sự phát triển của thai nhi. Mang thai đến tuần 12 chị xin nghỉ hẳn công việc để giữ thai.
Nhờ chịu khó bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm tốt cho bào thai nên thai 20 tuần chị đã hết hẳn tình trạng thiểu ối, em bé bình thường, tăng cân tốt, các chỉ số thai nhi đều đạt mức an toàn.
Những tưởng mọi khó khăn đã tạm qua đi nhưng vừa bước vào tuần 24 được vài ngày chị lại thấy xuất hiện hiện tượng chảy máu vùng kín, lúc này bác sĩ siêu âm kết luận bị bong nhau nhẹ. Chị tiếp tục hành trình dùng thuốc để giữ em bé ở lâu trong bụng mẹ.
Cả quãng thời gian mang thai chị như ngồi trên đống lửa, do liên tục ra dịch và chảy máu. Hàng ngày chị Phương vẫn đều đặn uống thuốc bác sĩ kê, kiêng khem đủ thứ và nằm trong phòng để dưỡng thai.
Giữ thai thêm được 3 tuần, chị thấy có dấu hiệu bất ổn nên đã tìm đến bác sĩ để kiểm tra và hỏi về việc tiêm trưởng thành phổi. Nhận thấy thể trạng sản phụ chưa có quá nhiều dấu hiệu đáng lo lắng, bác sĩ khuyên chị nghỉ ngơi và chưa cần tiêm trưởng thành phổi cho con.
Thế nhưng, khi bác sĩ vừa dứt lời thì chị xuất hiện cơn gò tử cung, không lâu sau đó thì bị vỡ ối, các dấu hiệu chuyển dạ sinh non liên tiếp ập tới nên chị được đưa tới bệnh viện phụ sản để cấp cứu.
Em bé sinh thiếu tháng khi mới 27 tuần tuổi.
Tại bệnh viện, bác sĩ nhanh chóng tiêm trưởng thành phổi gấp, em bé ở trong bụng mẹ thêm được đúng 2 ngày. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, bác sĩ đã cho sản phụ đẻ chỉ huy càng sớm càng tốt. Nhớ lại thời khắc được thông báo phải cho bé ra ngoài sớm, chị Phương nói: “Lúc đó mình sợ lắm, không biết mọi chuyện sẽ như thế nào nữa. Quá trình chuyển dạ sinh non của việc dùng thuốc đau đớn hơn rất nhiều việc sinh nở tự nhiên. Em bé quá nhỏ nên mình sinh cũng dễ dàng, không phải rạch tầng sinh môn”.
Nếu như những đợt siêu âm định kỳ, chỉ số đánh giá em bé đạt cân nặng 1350 gram nhưng do mẹ vỡ ối sớm nên khi chào đời bé Nana chỉ nặng vỏn vẹn 700 gram. Chị Phương còn chưa kịp nhìn thấy mặt con thì em bé đã được bác sĩ chuyển lên phòng chăm sóc trẻ sơ sinh để hỗ trợ thở máy.
Vì sinh thường nên chỉ một ngày sau sinh chị đã được xuất viện về nhà, song em bé vẫn phải nằm lồng kính tại khoa chăm sóc đặc biệt. “Lúc này tâm trạng của mình vô cùng hoảng loạn vì mẹ được về nhà nhưng con thì vẫn nằm trong viện. Lo lắng quá mình chỉ biết ngồi cầu nguyện cho con được bình an” – 8X nói.
Con chỉ nặng 7 lạng và phải hỗ trợ thở máy ngay khi vừa lọt lòng
Vừa ở nhà vắt sữa trữ đông cho con ăn chị Phương vừa lo ngóng tin từ các bác sĩ của bệnh viện thông tin về em bé. Vắt được hai hôm thì chị đột nhiên mất sữa, lúc này chồng chị phải túc trực ở bệnh viện để đi xin sữa cho con. “Lúc mới sinh xong bầu ngực mình căng tràn sữa, nhưng được hai, ba hôm thì teo dần. Nghĩ đến con đã sinh thiếu tháng rồi còn không được nuôi bằng sữa mẹ mà thấy tủi thân lắm. Cũng may mắn là mình xin được sữa từ một mẹ cũng cùng hoàn cảnh sinh non có con nằm cùng buồng bệnh với bé Nana và đến tận bây giờ bé Nana vẫn ăn nguồn sữa từ mẹ đó” – mẹ Hà Nội cho biết.
Nhờ được bác sĩ chăm sóc tốt, em bé tiến triển tích cực, tăng cân đều, được cai thở máy. Mẹ cũng được gọi lên để ghép và tập cho con bú. Nhìn thân hình nhỏ bé, yếu ớt của con mà bà mẹ trẻ không cầm được nước mắt.
Về phía chị Phương, sau sinh một tháng chị vẫn có dịch đen lẫn đỏ, lo lắng sức khỏe có vấn đề chị đi siêu âm thì được phát hiện sót nhau thai trong bụng, bác sĩ phải phẫu thuật để gắp nhau ra ngoài.
Thế nhưng, sau rất nhiều cố gắng, em bé đã kiên cường vượt qua được những sóng gió đầu đời.
Sau hơn 6 tháng thai kỳ và 3 tháng lọt lòng mẹ ra ngoài, em bé Nana và chị Hà Phương đã tạm gác lại những thử thách. Em bé từ một đứa trẻ sinh non 6 tháng nặng 700gram, giờ đây tròn 3 tháng tuổi con đã cán đích 2,8kg, mọi tầm soát trẻ sơ sinh như thính lực, thị lực đều đạt chuẩn. Mỗi ngày, chị Phương sẽ chia nhỏ bữa ăn cho bé thành 12 bữa, cứ 2 tiếng con lại ăn một cữ sữa mẹ, dặm thêm 3 bữa sữa công thức mỗi đêm.
Nhìn lại hành trình mang thai và sinh con đầy khó khăn của mình, mẹ 8X vẫn nghĩ đó như một giấc mơ.
Trải qua một hành trình dài vất vả, chị Phương có một niềm tin rằng, con gái Nana bé nhỏ sẽ như một phép màu mà vượt qua mọi sóng gió đầu đời để đến với thế giới, đến với những người thân yêu của con.