Mặc dù không phải là công dân của Singapore và Serbia nhưng chị Cao Thị Huyền có may mắn khi được trải nghiệm dịch vụ ở 2 nước này với 2 lần đi sinh của mình.
Chị Rose Cao (tên thật Cao Thị Huyền) hiện đang có tổ ấm nhỏ bên ông xã Andrey Pilipets - vận động viên Jiujitsu chuyên nghiệp và là huấn luyện viên bootcamp. Hiện tại, tổ ấm nhỏ nhà chị đang có 2 nhóc tì sinh năm 2016 và 2020.
Vì lý do công việc nên 2 lần đi sinh bé là 2 lần chị được trải nghiệm dịch vụ y tế ở hai đất nước khác nhau, Singapore và Serbia. Đó cũng là 2 lần chị có kỷ niệm không bao giờ quên khi đều đi sinh vào mùa dịch Zika năm 2016 và COVID-19 bùng phát vừa qua.
Tổ ấm nhỏ của chị Huyền ở Serbia.
Chị Huyền hiện tại đang là giảng viên bộ môn thiết kế hoa nghệ thuật, đồng thời chị có một cửa hàng hoa nhỏ ở Serbia để làm quen với môi trường bên này. Chia sẻ về bản thân, chị cho biết, 17 tuổi chị có cơ hội đi du học Singapore và đã có 14 năm gắn bó với đảo quốc Sư tử. Chị tốt nghiệp 2 bằng đại học chuyên ngành Tài Chính & Kế toán và đầu quân cho một tập đoàn dịch vụ dầu khí đa quốc gia. Tại đây, chị có cơ duyên quen ông xã Andrey Pilipets qua mạng.
“Sau khi nhắn tin được vài lần, anh đã mời mình tới xem anh thi đấu tại một cuộc thi võ thuật. Ngày hôm đó, anh giành giải vàng trong hạng cân mình đăng ký và buổi tối cả 2 chính thức hẹn hò đi ăn”, chị Huyền chia sẻ.
Chị Huyền và anh Andrey chính thức kết hôn sau khoảng thời gian tìm hiểu chín muồi. Và không lâu sau anh chị chào đón thành viên nhí đầu lòng vào tháng 9/2016. Nhớ lại khoảnh khắc nhận tín hiệu có con lần đầu tiên, chị Huyền cho biết, mặc dù đã lên kế hoạch trước đó nhưng khi biết tin mang bầu 2 vợ chồng chị vẫn ôm nhau rưng rưng khóc vì hạnh phúc rồi báo tin cho gia đình 2 bên.
Mang bầu 6,5 tháng chị vẫn đi leo núi xuyên rừng.
Lần đầu tiên mang bầu dù bỡ ngỡ nhưng vì sức khỏe tốt, không bị ốm nghén nên chị cứ ngỡ như không, vẫn đi làm và bay nhảy bình thường. Thậm chí, tháng thứ 6, chị và chồng vẫn thường xuyên lên rừng leo núi 12km.
Tuy nhiên, mang bầu 3 tháng chị bị khủng hoảng sự nghiệp. Vì muốn giảm stress nên chị tìm đến lớp học cắm hoa và không ngờ sau vài tháng chị có cơ hội dự thi một cuộc thi thiết kế hoa quốc tế Singapore Garden Festival 2016 và may mắn trở thành người Việt đầu tiên lọt vào chung kết khi bầu 7,5 tháng, đạt được Cúp Bạc tại cuộc thi này.
“Mang bầu bé đầu dù bụng to mình vẫn leo cầu thang và thiết kế suốt cả tháng ròng sau giờ làm việc văn phòng. Chưa kể trong năm mình phải đi lại Việt Nam, Nga và Singapore làm đám cưới. Chỉ có tháng cuối cùng chân mình bị sưng to, đi lại khó khăn và mình mang bầu đúng dịch Zika đang bùng phát ở Singapore thôi”, chị Huyền kể về thai kỳ của mình.
Chị Huyền bị vỡ ối ở tuần 39, khi tới bệnh viện chị phải chờ 6 tiếng mới có cơn co, tử cung mở 2 phân. Vì đau không chịu nổi nên chị phải yêu cầu tiêm thuốc giảm đau. Tuy nhiên, do lần đầu bác sĩ tiêm lệch tủy sống nên chị phải tiêm đến lần thứ 2 mới được. Mặc dù sau tiêm không còn thấy đau khi các cơn co đến nhưng chị vẫn phải chờ đợi 16 tiếng nữa tử cung mới mở được 7cm. Lúc này nước ối đã cạn, bác sĩ không còn thấy tim thai nên chị được yêu cầu chuyển qua phòng mổ gấp. Để chị được sinh thường, các bác sĩ đã phải tiêm thuốc trợ tim cho chị mới lấy lại được tim thai cho bé.
“Liều thuốc trợ tim rất mạnh nên chia làm 2 lần tiêm trực tiếp vào ven, bác sĩ cảnh báo mình sẽ bị lên cơn co giật khi thuốc có tác dụng. Đúng thật sau mỗi mũi tiêm, mình lên cơn co giật mà không kiểm soát được nhưng ngược lại em bé lấy lại được tim thai. Tầm 4 tiếng sau mình chỉ mở được 8cm, các bác sĩ tầm 5 người cả y tá đã quyết định rạch tầng sinh môn cho mình. May mắn con trai chào đời nặng 3,46kg đúng ngày Quốc khánh Việt Nam”, chị Huyền nhớ lại ngày đi sinh bé đầu tiên.
Chị trải qua 26 tiếng đau, phải tiêm thuốc trợ tim mới lấy lại được tim thai bé và sinh thường được.
Chia sẻ về dịch vụ y tế ở Singapore, chị Huyền cho biết, phòng sinh và các thiết bị ở đây rất cao cấp và riêng tư, chế độ chăm sóc tại phòng hồi sức rất chu đáo nhưng vì trải qua 26 tiếng và những lỗi trong việc tiêm giảm đau nên chị đã nghĩ hệ thống y bác sĩ không quá chuyên nghiệp và còn non trẻ. Chưa kể, cứ vài giờ lại có bác sĩ mới vào kiểm tra làm cho chị cảm thấy không yên tâm.
Tổng chi phí 3 ngày 3 đêm nằm viện, 5 ngày con nằm lồng ấp của chị hết 17 ngàn SGD (khoảng hơn 279 triệu). Thế nhưng 75% số chi phí có thể dùng từ quỹ tiết kiệm Trung Ương để chi trả, nên chị chỉ trả tiền mặt khoảng 25%.
Sau sinh bé đầu được 4 tháng, chị Huyền nghỉ hẳn công việc và cùng chồng con về Việt Nam định cư. Hai năm ở Việt Nam, do chồng chuyển công tác sang Serbia nên chị cùng con cũng sang đó sinh sống. Và khi sang đây vợ chồng vỡ òa hạnh phúc khi biết tin mang bầu lần 2.
Mặc dù mang bầu bé thứ 2 không còn khủng hoảng về sự nghiệp, chị làm online để dành toàn bộ thời gian cho gia đình nhưng chị gặp khó khăn về việc thích nghi với cuộc sống mới nơi đây. Sự thay đổi về thời tiết, đồ ăn lại khác khẩu vị khiến chị khó có thể tìm được các loại gia vị để nấu đồ Việt, có hôm tìm được chai nước mắm Thái Lan chị cũng mừng không tả nổi. Chưa hết, chị còn gặp khó khăn về ngôn ngữ khi ở đây tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính. Chị như người mù chữ và khó giao tiếp với những người xung quanh, phải dùng google dịch.
Tuy nhiên nhờ nấu ăn ở nhà và ở đây có nhiều hoa quả ăn theo mùa, mùa nào ăn thức nấy, cùng với ăn hạt đậu đỏ và uống 1,5 lít dứa mỗi ngày tuần cuối thai kỳ mà bé thứ 2 chị tăng được 12kg.
“Bé đầu mang bầu đúng vào dịp có dịch Zika bùng phát ở Singapore. Dịch này chủ yếu tấn công mẹ bầu và để lại di chứng đáng sợ cho con của người nhiễm bệnh. Bé thứ 2 mang bầu thì lại gặp phải COVID- 19. Vợ chồng mình đều rất hoang mang, đặc biệt mình đi sinh đúng vào tâm dịch”, chị Huyền chia sẻ nỗi lo lắng khi mang bầu.
Chị mang bầu lần 2 ở Serbia.
Sinh con trong mùa dịch, lo lắng các bệnh viện ở thủ đô Belgrade chuyên về sinh sản có người nhiễm bệnh và lây lan cho các y bác sĩ bị phong tỏa một thì chị Huyền phải lo lắng gấp 10 lần về sự quá tải của bệnh viện GAK Visegradska duy nhất ở đây chưa có người nhiễm, sợ thiếu thuốc giảm đau và người nhà không được vào cùng.
Không biết tiếng Serbia, lần sinh đầu không có thuốc giảm đau không chịu nổi nên 2 điều đó khiến chị lo lắng nhất khi đi sinh nhưng mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp khi chị bị vỡ ối sớm ở tuần 39.
Nếu lần sinh đầu tiên của chị khó khăn bao nhiêu thì lần này chị lại thuận lợi bấy nhiều vì các cơn co dồn dập chỉ xảy ra liên tiếp tầm 20-30 phút là có thể sinh được bé. Thậm chí, chị không cần phải tiêm thuốc giảm đau vì lúc yêu cầu tử cung đã mở được 9cm, việc tiêm thuốc sẽ làm chậm quá trình sinh nở. Và chỉ sau 2h15 phút, chị đã sinh thường mẹ tròn con vuông, bé gái chào đời nặng 4,06kg vào tháng 5 vừa qua.
Chị đi sinh bé thứ 2 vào đúng lúc dịch COVID-19 đang bùng phát ở Serbia.
Sau sinh, rất nhiều các bác sĩ đã khen ngợi chị khi không cần thuốc giảm đau vẫn sinh thường được em bé nặng cân nhất thời điểm bấy giờ. Mọi người cũng đều hỏi chị bí quyết dinh dưỡng giúp bé to còn chị thì vô cùng ngạc nhiên với chính bản thân mình khi sinh thường con to như vậy.
“Về cơ sở vật chất ở Serbia không được tân tiến như ở Singapore, nhưng các bác sĩ rất chuyên nghiệp, họ nói trôi chảy tiếng Anh và rất điềm tĩnh, mình cảm thấy yên tâm. Mình sinh vào nửa đêm và có 1 đội ngũ bác sĩ, y tá túc trực, không có nhiều người tới kiểm tra, họ luôn nhìn thẳng vào mắt mình nói “Cao, cố gắng lên!” và chỉ một hồi cố rặn sinh, mình nghe tiếng khóc của con ngay sau đó. Cảm giác nhẹ bâng cả người “mình đã làm được” mà không cần tới thuốc giảm đau”, chị Huyền cho hay.
Chị Huyền vào phòng sinh một mình, sinh thường con nặng 4kg to nhất bệnh viện.
Chị Huyền chia sẻ thêm, đi sinh trong mùa dịch nên chị Huyền được lấy mẫu thử COVID-19 và nhận kết quả âm tính mới đủ điều kiện đi sinh ở đây. Ngoài ra, lần đi sinh này chị không có chồng ở bên vì họ hạn chế tối đa người ra vào. Sau 3 ngày ở bệnh viện, chồng chị mới được gặp 2 mẹ con ở khu chờ dành cho người thân. Mặc dù mọi thứ đều bị hạn chế nhưng chị cảm thấy nhờ đó mà có cơ hội nghỉ ngơi nhiều hơn cũng như có kinh nghiệm hơn trong việc chăm con.
Khác với lần sinh trước, lần sinh này vì 2 mẹ con có bảo hiểm y tế cùng chồng nên từ khám bệnh thai kỳ cho tới sinh nở, dịch vụ ăn ở chị không mất thêm chi phí nào. Thậm chí, chị còn được hưởng dịch vụ phát hộ lý tới tận nhà dạy chăm sóc bé và vệ sinh cuống rốn. Nhờ vậy, dù bố mẹ chồng không sang đỡ đần được nhưng vợ chồng chị cũng có kinh nghiệm chăm sóc con nhiều hơn. Đặc biệt, nhờ ông xã luôn chia sẻ, lắng nghe, tính tình ôn hòa, chăm sóc gia đình tỉ mỉ, quan tâm vợ mà chị không vất vả việc chăm con nhiều dù chỉ có 2 vợ chồng. Hai lần đi sinh đều có nhiều khó khăn nhưng nhìn thấy con chào đời khỏe mạnh lành lặn, chính là quà tặng giá trị nhất của chị.