Không thiếu những cặp đôi đến gặp bác sĩ Hải với mong muốn xin tinh trùng, chuyển phôi… vì mất niềm tin vào khả năng tự có con được đều được anh “hóa phép nhiệm màu”.
Bệnh nhân hơn 50 tuổi, không có tinh trùng. Hai vợ chồng khám chữa khắp đất nước, cứ nơi nào được giới thiệu tốt lắm là sắp xếp đến ngay. Cho đến khi gặp được bác sĩ Trương Quang Hải (trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Bưu điện Hà Nội) cũng là lúc niềm tin trong họ đã cạn.
"Ban đầu, mình không khám cho cặp đôi này vì anh chị được sắp xếp vào phòng của một bác sĩ không chuyên về những ca không có tinh trùng. Mục đích của họ là đi xin tinh trùng, xin phôi... chứ thực sự họ không còn tin rằng có thể nhờ bác sĩ giúp để có con bằng chính tinh trùng của mình nữa", BS Hải nhớ lại.
Khám cho một người mất hết niềm tin vào chuyện có con thật sự khó khăn hơn rất nhiều, mặc dù bác sĩ Hải khám qua đã biết trường hợp này tiên lượng khá tốt, chỉ cần làm thủ thuật “nho nhỏ” là có thể tìm thấy tinh trùng.
Niềm hạnh phúc của bác sĩ Hải là khi được bế trên tay những đứa trẻ của những gia đình hiếm muộn mình đã chữa thành công.
Cái khó là thuyết phục bệnh nhân đồng ý làm vì họ đã buông xuôi, không còn tin vào bất cứ phương pháp nào nữa. Trước đó, bệnh nhân này đã uống bao nhiêu thuốc men, chạy chữa đủ cách rất tốn kém nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Tin vào khả năng của mình từ thực tế, bác sĩ Hải đã cố gắng thuyết phục người chồng làm thủ thuật. Cuối cùng, bệnh nhân đồng ý chấp nhận, coi như đây là lần thử cuối cùng. Bác sĩ Hải thở phào nhẹ nhõm vì biết mình đã thành công một nửa.
Sau đó, thủ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh thành công, người đàn ông đã bật khóc vì nỗi oan không có tinh trùng bao năm ám ảnh anh cũng là chừng ấy năm suy nghĩ gia đình mình tuyệt tự.
“Vợ chồng anh ấy sau đó làm IVF (thụ tinh ống nghiệm) và sinh được cu con khỏe mạnh. Bé giờ cũng được hơn 1 tuổi, rất bụ bẫm và kháu khỉnh", bác sĩ Hải kể với niềm vui ánh lên trên đôi mắt.
Điều khiến bác sĩ hơi tiếc cho ca bệnh này là vợ bệnh nhân cũng nhiều tuổi. Vào thời điểm chữa cho chồng thành công thì vợ cũng hết trứng, đành phải đi xin trứng em gái vợ. "Tôi thầm nghĩ nếu vợ chồng anh ấy gặp mình sớm thì có lẽ đã không phải xin trứng, niềm vui hẳn sẽ trọn vẹn hơn".
Mặc dù vậy, đối với họ, đó đã là điều hạnh phúc vô bờ. Cho đến bây giờ, gia đình anh vẫn thường xuyên gọi video zalo cho bác sĩ để trò chuyện và khoe với bác sĩ thằng cu tí.
Nhiều gia đình vẫn giữ liên lạc với bác sĩ, thường xuyên gửi khoe ảnh em bé "thành quả" để cảm ơn.
Mỗi khi xuống Hà Nội thăm khám, anh chị lại lích kích mang theo khi thì gạo quê, khi thì rau sạch… biếu bác sĩ. Món quà tuy đơn sơ nhưng chứa chan tình cảm chân thành, mộc mạc của người nông dân.
"Chữa cho người không có tinh trùng đã khó, chữa cho người mất hết niềm tin còn khó vạn lần. Thế nên có ca thành công, với mình, không còn điều gì cảm thấy tuyệt vời hơn thế", BS Hải chia sẻ.
Nói về cơ duyên đến với nghề sản phụ khoa, bác sĩ Trương Quang Hải tâm sự thực ra tất cả là sự ngẫu nhiên, “giống như sự an bài của Thượng Đế”. Với anh, đúng là nghề chọn người chứ người không chọn được nghề.
Hồi sinh viên, bác sĩ Hải có đi theo thầy đến phòng khám để học chuyên ngành phục hồi chức năng. Tuy nhiên, sau đó vì yếu tố sức khỏe, anh không theo được nữa.
Ra trường, anh chuyển sang học siêu âm với mong muốn chuyển hướng theo chẩn đoán hình ảnh. "Thực sự trong thâm tâm chưa bao giờ mình thích mổ xẻ và không bao giờ nghĩ sẽ làm một lĩnh vực liên quan đến ngoại khoa, phải can thiệp nhiều như hiện tại. Nhưng khi xin việc, mình lại được sắp xếp làm ở trung tâm Hỗ trợ sinh sản nên lại thành tay mổ lành nghề như bây giờ", BS Hải cười nói.
Bác sĩ Hải là một trong hai bác sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp vi phẫu tinh hoàn tại đại học Munster-Công hòa Liên bang Đức.
Lúc đầu làm việc, anh cảm thấy thật sự khó khăn vì giống như tờ giấy trắng, không chút kinh nghiệm, kỹ năng gì trong khi ngành hỗ trợ sinh sản thì quá mới mẻ và rất cần hiểu sâu về kỹ thuật. May mắn được sự dìu dắt của cô chú, anh chị đi trước, BS Hải đã dày dạn tay nghề và trưởng thành rất nhanh. Có được những thành công liên tiếp của bệnh nhân mà chính tay mình can thiệp, chứng kiến hạnh phúc vỡ òa của các cặp đôi, BS Hải tự nhiên cảm thấy yêu thương và muốn gắn bó nhiều hơn với công cuộc đưa thiên thần bé nhỏ đến với gia đình hiếm muộn.
Ít ai biết được rằng, BS Trương Quang Hải là một trong 2 bác sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành Vi Phẫu Tinh Hoàn (Micro-Tese) tại ĐH Münster-Đức. Năm 2020, anh và bác sĩ phó khoa cùng 2 bạn cử nhân sinh học trong Labo được cử sang Đức để học thêm về mổ Micro-tese, khóa học đó có thêm 2 bạn đồng nghiệp ở Manchester sang học. Giáo sư trưởng chia sẻ, trung tâm là một trong những nơi lớn nhất ở châu Âu mổ về Micro-tese nhưng họ chưa từng mở lớp dạy cho ai cả. “Đây là khóa đầu tiên, chúng mình cũng coi như là đại đồ đệ của các thầy!”.
BS Hải rất ấn tượng về phong cách làm việc của các giáo sư bên đó, một phong cách làm việc rất Đức, điều mà xưa nay anh chỉ nghe trên sách vở, Internet chứ chưa bao giờ làm việc cùng họ nên không trải nghiệm hết được.
"Họ kỷ luật, đúng giờ, hết mình vì công việc, thậm chí có lúc tưởng chừng như hơi dập khuôn máy móc nhưng lại giúp cho công việc luôn đảm bảo tính chính xác. Đặc biệt là trong phẫu thuật, điều đó lại rất cần thiết", BS Hải nhớ lại.
Nhờ đó, anh được trau dồi những kiến thức và kỹ năng vô cùng quý báu trong việc tìm bắt tinh trùng, cứu cho hàng trăm bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn. Ngày ngày đều như vắt tranh, BS Hải đi làm từ sáng đến chiều, những chiều có ca mổ thì 7 giờ mới về nhà. Cũng nhờ tiếng thơm đồn xa, các bệnh nhân hiếm muộn đều mong muốn được gặp và tư vấn bởi BS Hải - một bác sĩ tận tâm với nghề và với người bệnh.
Mỗi khi có thời gian rảnh, bác sĩ Hải thường livestream chia sẻ kiến thức, tư vấn miễn phí cho những gia đình hiếm muộn.
Không phải trực đêm như nhiều đồng nghiệp, anh thừa nhận mình cũng không quá vất vả. Thế nên, vào buổi tối, anh luôn dành thời gian để tư vấn online cho bệnh nhân hoặc livestream để chia sẻ kiến thức cho những bệnh nhân đi khám.
Những buổi livestream tư vấn có khi đạt đến lượng xem hàng ngàn người. BS Hải rất vui vì có thể đưa kiến thức chính thống, bổ ích đến nhiều người. Nhiều khi chỉ vô tình vào mạng buổi tối, ai may mắn nghe được những thông tin này thì cũng tránh được tiền mất tật mang.
Lập gia đình 9 năm, BS Hải hạnh phúc chia sẻ, anh đã có ba thiên thần nhỏ kháu khỉnh. Mỗi lần được bế các thiên thần nhỏ trên tay, anh lại cảm nhận rõ ràng hơn niềm hạnh phúc của những cặp đôi hiếm muộn, càng thôi thúc anh cống hiến hết mình cho nghề.
"Mình luôn biết ơn Thượng Đế đã ban tặng cho mình một công việc tốt, đem lại hạnh phúc cho nhiều người; một gia đình với mình lúc này luôn hạnh phúc, viên mãn. Những điều đó quả thật là một hồng ân", BS Hải nói.
Tiết lộ về gia đình nhỏ, BS Hải cho biết, vợ anh cũng là bác sĩ hiếm muộn. Nhiều người cứ hay hỏi đùa rằng vợ chồng nhìn thấy nhau suốt ngày thì có chán không. Cá nhân BS Hải chưa bao giờ thấy chán vì vợ cùng nghề, luôn thấu hiểu sự áp lực và vất vả trong công việc. "Hơn nữa, vì hiểu chuyên môn, cô ấy cũng phụ giúp mình rất nhiều", BS Hải hạnh phúc nói.
Mỗi lần được bế các thiên thần nhỏ trên tay, anh lại cảm nhận rõ ràng hơn niềm hạnh phúc của những cặp đôi hiếm muộn, càng thôi thúc anh cống hiến hết mình cho nghề.
Nhiều người cũng hay trêu anh rằng ngày nào cũng “úp mặt vào sông quê” thì về có chán vợ không? "Kì thực là không và mình nghĩ các đồng nghiệp nam phần lớn cũng vậy. Vì là một phần của công việc nên chúng mình thấy rất bình thường", BS Hải không ngần ngại chia sẻ.
Anh cũng không quên nhắn nhủ: "Vậy nên chị em đừng ngại khi gặp bác sĩ sản là nam nhé vì tỉ lệ đồng nghiệp nam nữ trong ngành sản là 50-50, mà những bác sĩ đầu ngành phần lớn lại là nam giới".
Nói về ước mơ cháy bỏng của bản thân, BS Hải tiết lộ, anh mong mình được đi thăm tất cả những điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Tất nhiên điều đó thực sự rất xa vời trong hiện tại vì anh rất bận rộn với công việc.
"Mình hay nói vui rằng, khi nào hỗ trợ được 10.000 em bé ra đời mình sẽ giải nghệ để đi thực hiện đam mê xê dịch của đời mình. Nên việc cần làm bây giờ là chăm chỉ hơn nữa để giúp đỡ nhiều gia đình hơn để về hưu sớm", BS Hải cười nói.
Khi được hỏi có lời khuyên nào cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Hải cho biết: "Khoa học càng phát triển thì vô sinh hiếm muộn càng được hiểu rõ và càng nhiều cặp đôi chạm tay vào điều ước trở thành cha mẹ. Vì vậy, chỉ cần các bạn có niềm tin và hy vọng, tôi tin rằng ai cũng có thể trở thành cha mẹ. Và tôi, sẵn sàng đồng hành với các bạn trên hành trình tìm con!".