Là trưởng đơn vị tiền sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Ths. Bác sĩ Châu Văn Nhịnh rất ám ảnh với những tai biến sản khoa của các mẹ bầu. Áp lực là vậy nhưng 20 năm qua chưa bao giờ vị bác sĩ này có ý nghĩ sẽ bỏ nghề.
Là một bác sĩ sản phụ khoa có hơn 20 năm kinh nghiệm, cơ duyên nào khiến anh quyết định đến và gắn bó với nghề vinh quang mà đầy nhọc nhằn này?
Sinh ra và lớn lên ở 1 miền quê, tôi chứng kiến sự nhọc nhằn của những người nông dân, có những khó khăn và thiệt thòi khi cần tiếp cận với chăm sóc y tế.
Đối với tôi, được trở thành bác sĩ là một sự may mắn và tự hào, vì tôi được làm một ngành nghề đầy tính nhân văn mỗi ngày, đem đến lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt, được làm việc trong ngành sản phụ khoa liên quan đến sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em, một đối tượng vô cùng đặc biệt.
Hiện anh là Trưởng đơn vị tiền sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và các trung tâm IVF, thường xuyên gặp gỡ với các thai phụ, anh giúp đỡ các khách hàng đặc biệt ấy ra sao?
Điều quan trọng của một bác sĩ đối với tôi, không chỉ là sự am hiểu về kiến thức chuyên ngành, bệnh lý của bệnh nhân mà còn là sự thấu cảm với những trăn trở âu lo của họ. Nên với mỗi một ca thăm khám, tôi vẫn thường dành thời gian để trò chuyện tìm hiểu, lắng nghe và cố gắng giải toả được những lo lắng áp lực mà chị em thai phụ đang gặp phải.
Đối với tâm lý những người làm mẹ thì sức khoẻ và sự an toàn của con là vô cùng quan trọng, đặc biệt nhạy cảm như thời gian mang thai, nên mỗi một thông tin bác sĩ cần truyền tải cần giải thích rõ ràng, chính xác và không gây hoang mang.
20 năm trong nghề, hẳn bác sĩ từng chứng kiến những ca mổ đẻ hay mổ u nang, u xơ, lạc nội mạc tử cung… nguy hiểm và ám ảnh nhất, đòi hỏi phải cân não. Trước những khoảnh khắc đó, bác sĩ thường xử lý thế nào?
Sản phụ khoa là một chuyên ngành mà tôi nghĩ khá đặc biệt trong ngành y nói chung vì hạnh phúc hay là mất mát sẽ nhân đôi. Cho đến lúc này, dẫu khoa học đã tiến bộ rất nhiều, nhưng sự hiểu biết về cơ thể và sức khoẻ của con người là vẫn còn giới hạn và ngành sản vẫn phải đối mặt với những tai biến y khoa khó lường.
Có một lần, trong một ngày dù không có lịch làm việc, nhưng ngẫu nhiên trưa hôm đó tôi lại có mặt ở bệnh viện. Và khi nghe đồng nghiệp báo có ca cấp cứu sản khoa từ bên ngoài chuyển đến trong trạng thái nặng, tôi đã kịp thời có mặt và may mắn hỗ trợ được bệnh nhân vượt qua nguy kịch.
Với mỗi ca thăm khám, bác sĩ Nhịnh thường dành thời gian trò chuyện tìm hiểu, lắng nghe và cố gắng giải toả những lo lắng áp lực mà thai phụ đang gặp phải. (Ảnh: NVCC)
Nhưng những ca bệnh để lại cảm xúc nhất không phải là những ca mà tôi nghĩ mình thành công và đem đến niềm vui. Ngược lại đó là những ca bệnh mà tôi thấy mình bất lực khi không thể kịp thời cứu lấy bệnh nhân của mình. Có ca khi chuyển đến đã quá trễ, có ca là tai biến sản khoa không lường trước được… Những ca bệnh đó ám ảnh tôi rất lâu vì sự mất mát trong sản khoa liên quan đến mẹ và con, mất 1 trong 2 đều không thể nào trọn vẹn …
Là một bác sĩ được nhiều chị em và các vợ chồng trẻ đánh giá giàu y đức, luôn tận tâm, hỏi thật anh sợ nhất điều gì? Bản thân anh có những nguyên tắc riêng trong công việc ra sao?
Là một bác sĩ thì điều tôi sợ nhất là không thể làm tốt công việc điều trị của mình do hạn chế về kiến thức, những sai sót do chủ quan… Thế nên tôi vẫn luôn nhắc mình phải cẩn trọng ngay từ những bệnh lý tưởng chừng đơn giản nhất và không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức cũng như am hiểu về tâm lý, thấu cảm với những đau đớn và lo lắng mà bệnh nhân gặp phải.
Nhắc đến bác sĩ sản phụ khoa, mọi người hay nhắc đến “phong bì” và thu nhập khủng. Thực trạng này có đúng với anh?
Tôi nghĩ khi đã chọn ngành nghề liên quan đến sức khoẻ và tính mạng của con người thì chắc mỗi bác sĩ đều có những lý tưởng nhất định khi quyết định chọn lựa bước chân vào ngôi trường Y khoa, chứ không phải vì tư lợi làm giàu cá nhân. Có thể điều đó có xảy ra trong ngành, nhưng tôi nghĩ đó là những trường hợp cá biệt.
Đối với riêng tôi, khi nhận những món quà quê đơn sơ được bệnh nhân gói ghém mang tặng, lại là những món quà mà tôi thấy hạnh phúc và trân trọng nhất.
Không chỉ có kinh nghiệm thăm khám và điều trị, phẫu thuật các bệnh lý sản phụ khoa, anh còn là người thầy tâm huyết đối với nhiều thế hệ sinh viên. Khi đứng trên bục giảng, tâm thế và suy nghĩ của anh có khác nhiều với khi khoác áo blue làm việc trong viện?
Như tôi từng nói, tôi lớn lên ở một miền quê mà người dân còn lắm khó khăn để tiếp cận y tế, những rủi ro y khoa do không kịp thời đến bệnh viện cũng như những ca bệnh mà tôi cảm giác bất lực khi nhận từ tuyến dưới trong tình trạng nặng và muộn…
Thế nên tôi vẫn mong rằng, có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình có được, để qua đó, các em sẽ có kiến thức tốt giúp ích cho bệnh nhân, cho cộng đồng, cũng như tránh được những sai sót mà đồng nghiệp đi trước mắc phải. Đó cũng là cách đền đáp sự giúp đỡ của những thầy cô, đàn anh đồng nghiệp đi trước đã hướng dẫn giúp đỡ cho tôi khi tôi mới bước chân vào ngành.
Được làm những công việc nhân văn mỗi ngày, cống hiến cho cộng đồng là một điều may mắn trong cuộc đời của bác sĩ. (Ảnh: BSCC)
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, điều gì làm anh tâm đắc nhất? Đã có thời điểm nào anh bất lực hay muốn bỏ nghề chưa?
Cảm giác bất lực thì có, như tôi từng kể ở trên, có những ca bệnh vượt tầm kiểm soát, và tôi đã từng bị ám ảnh suốt một thời gian dài khi nhìn những đứa trẻ chịu sự mất mát thiếu mẹ ngay khi mới ra đời, nỗi buồn day dứt theo tôi rất lâu sau đó. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Đối với tôi, được làm những công việc nhân văn mỗi ngày, cống hiến cho cộng đồng là một điều may mắn trong cuộc đời của mình.
Tôi mong rằng, sớm đến một ngày nào đó, người dân ở các địa phương sẽ có cơ hội tiếp cận với chăm sóc về y tế đầy đủ và kịp thời hơn, mạng lưới nhân viên y tế phát triển mạnh và phủ rộng đến các nơi xa xôi nhất…. Để không còn những tổn thất không đáng có nữa.
Cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ và chúc anh nhiều sức khỏe, công tác tốt, mãi được các mẹ bầu Sài Gòn tin tưởng!