Nam bác sĩ 15 năm ươm mầm hạnh phúc, mang mùa xuân rạng rỡ đến các gia đình hiếm muộn

Thảo Nguyên - Ngày 10/02/2024 11:30 AM (GMT+7)

Mỗi Tết Nguyên Đán về, nhận được những tin nhắn tri ân, những tấm thiệp chúc Tết kèm theo lời cảm ơn chân thành của các gia đình hiếm muộn, nam bác sĩ này càng được tiếp thêm sức mạnh mãnh liệt tiếp tục con đường giúp đỡ các cặp đôi hiếm muộn đến đích.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch

 Giảng viên bộ môn Sản, ĐH Y Dược TP.HCM

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Với các gia đình hiếm muộn Sài Gòn, Bác sĩ Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh giống như vị bác sĩ ươm mầm hạnh phúc, mang mùa xuân mới rạng rỡ và trọn vẹn đến với gia đình họ. Nhân ngày đầu năm mới, cùng lắng nghe những chia sẻ chân thành của anh để biết rõ những vất vả, hy sinh của nghề bác sĩ hiếm muộn.

Nam bác sĩ 15 năm ươm mầm hạnh phúc, mang mùa xuân rạng rỡ đến các gia đình hiếm muộn - 1

Chào bác sĩ, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, những bác sĩ hiếm muộn như anh hàng ngày nhận được rất nhiều tin nhắn của bệnh nhân khắp nơi gửi lời tri ân. Khi nhận được những tìm cảm này của các bệnh nhân từng giúp đỡ tìm con, cảm xúc của bác sĩ thế nào?

Thật ra bác sĩ hiếm muộn sẽ nhận được lời cảm ơn qua tin nhắn, những món quà quê với rất nhiều món ăn từ các cặp đôi hiếm muộn điều trị thành công mỗi ngày. Tuy nhiên, những ngày lễ đặc biệt trong năm như Tết cổ truyền dân tộc là dịp để họ gửi những lời chúc tốt đẹp, những lời tri ân sâu sắc với tình cảm, sự biết ơn chân thành dành cho bác sĩ hiếm muộn.

Mỗi lần nhận được những tin nhắn tri ân đó, những tấm thiệp chúc Tết kèm theo lời cảm ơn chân thành, tôi như được tiếp thêm sức mạnh mãnh liệt để tiếp tục con đường giúp đỡ các cặp đôi hiếm muộn đến đích. Sự trân trọng của bệnh nhân dành cho bác sĩ là món quà vô giá, đáng giá hơn cả những món quà khác hay vật chất. Đó là sự tôn vinh nghề nghiệp.

Nam bác sĩ 15 năm ươm mầm hạnh phúc, mang mùa xuân rạng rỡ đến các gia đình hiếm muộn - 2

Dù tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ với 15 năm trong nghề nhưng với sự ham học hỏi và tận tâm, anh được đánh giá là một bác sĩ giỏi, là niềm hy vọng của hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn. Động lực nào giúp bác sĩ ươm được nhiều mầm non, mang hạnh phúc đến cho những gia đình hiếm muộn như thế?

Khi còn là sinh viên của đại học Y Dược TP.HCM, mỗi khi đi học nhìn mấy bé dị tật được cha mẹ dẫn đi khám là nước mắt tôi trào ra vì thấy thương những bé đó vô cùng dù không phải người thân của mình. Tôi quyết định sẽ chọn Sản phụ khoa để học và sau này làm IVF để làm sao có thể giúp các cặp đôi tầm soát hoặc dự phòng những trường hợp sinh con dị tật. Mong muốn những thế hệ em bé sinh ra khoẻ mạnh, không còn dị tật là khát khao lớn nhất trong tôi.

Sau đó tôi còn nhận ra được ngoài vấn đề sinh con bình thường còn vấn đề lớn hơn là làm sao để họ có thai nếu tự nhiên họ không thể có được. Công việc đầy ý nghĩa và nhân văn như vậy là động lực giúp tôi làm việc mỗi ngày, có khi tôi làm đến 18 giờ thậm chí 20 giờ/ngày. Có thể nói gieo mầm hạnh phúc là việc thiên liêng mà tôi may mắn “được lựa chọn” nên luôn cố gắng để làm tốt nhất sứ mệnh này.

Là chuyên gia hiếm muộn, ngày cao điểm bác sĩ phải tư vấn và thực hiện thủ thuật cho bao nhiêu ca?

Khi được lựa chọn làm bác sĩ hiếm muộn sẽ hi sinh không ít thời gian cá nhân của bản thân và những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt vẫn không có thời gian để làm. Gần như chúng tôi không có ngày nghỉ kể cả thứ 7 - Chủ Nhật và thậm chí ngày lễ lớn trong năm như Tết dương lịch vẫn phải làm.

Nam bác sĩ 15 năm ươm mầm hạnh phúc, mang mùa xuân rạng rỡ đến các gia đình hiếm muộn - 3

Công việc buổi sáng thường là chọc trứng và chuyển phôi, làm công việc ở bệnh viện, dạy sinh viên, chấm thi và tối làm phòng khám. Ngày cao điểm có thể tôi làm 20 ca vừa chọc trứng và chuyển phôi kèm theo đó 03 ca mổ hiếm muộn. Hôm đó gần như không có thời gian ăn sáng và trưa, chỉ ăn 1 cữ lúc 17h trước khi bắt đầu ngồi phòng khám đến 23h.

Hỏi thật, đã có ca vô sinh hiếm muộn nào anh từng phải bó tay chưa? Những lúc ấy, anh thường suy nghĩ thế nào?

Bác sĩ đâu phải thần thánh mà không gặp thất bại. Mỗi ca thất bại tôi sẽ dành nhiều thời gian để nghiền ngẫm và tìm giải pháp, tôi đọc thêm y văn để xem trên thế giới họ báo cáo như thế nào và đặc biệt tôi có một người thầy đáng kính rất giỏi, mỗi khi thất bại tôi đều hỏi ý kiến thầy để tìm thêm giải pháp cho họ ở lần điều trị tiếp theo.

May mắn đến hiện tại phần lớn đều đã thành công sau thất bại lần đầu. Tuy nhiên đến giờ tôi vẫn còn 1-2 ca thất bại mà chưa có giải pháp nào tốt hơn cho họ.

Ca khiến tôi đau đáu mãi là một phụ nữ 40 tuổi, dự trữ buồng trứng cạn kiệt do lạc nội mạc tử cung buồng trứng 2 bên, tử cung của chị bị dạng lạc nội mạc rất nặng, to tương đương thai 14 tuần, mỗi lần kích thích buồng trứng chỉ 1-2 trứng và có khi không được trứng nào. Số phôi tạo ra cũng không nhiều nhưng cũng nuôi được phôi N5, mỗi lần được 2 phôi chuyển 2 lần sau khi điều trị lạc nội mạc nhưng do tử cung to quá nên đến hiện tại vẫn đang tiếp tục chuyển phôi lần thứ 7 rồi.

Là bác sĩ hiếm muộn, số lần đón giao thừa cùng gia đình của mình chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, bác sĩ thường phải đón giao thừa trong viện và sẽ gặp những câu chuyện về các ca sinh hoặc hiếm muộn đặc biệt. Bác sĩ có thể kể lại những ca sinh hoặc chữa hiếm muộn những ngày cuối năm hoặc giao thừa mà bác sĩ đã từng gặp.

Giao thừa trực bệnh viện là chuyện rất bình thường, tôi vẫn thích về quê đón Tết cùng ba mẹ và gia đình ở quê nhưng năm nào trực đành ở lại trực Tết rồi về quê sau.

Tôi còn nhớ năm đó tôi về quê sớm tầm 25 âm lịch rồi chơi đến sáng 30 Tết bay lại Sài Gòn để trực Tết. Hôm đó đang ngồi phòng sinh tôi nghe báo có hội chẩn 1 ca mổ cấp cứu, sản phụ yêu cầu bác sĩ Thân Trọng Thạch mổ giúp. Lúc đó cũng gần giao thừa rồi, tôi thấy lạ vì khách quen của phòng khám họ đều biết tôi nghỉ Tết rồi…

Tôi ra gặp sản phụ và hỏi chị biết bác sĩ Thạch không? Chị ấy trả lời biết chứ và đã từng gặp rồi, bác Thạch từng khám cho chị 1 lần ở cấp cứu này lúc chị mới có thai và ra huyết, sau đó chị quay lại khám nhưng không gặp được bác Thạch khám. Chỉ khám một lần nhưng chị quý bác sĩ Thạch nên muốn bác sĩ mổ cho mặc dù chị không nhớ bác sĩ Thạch mặt mũi ra sao cả. Và người đang ngồi nói chuyện với chị là bác sĩ mà chị đang trông đợi cho cuộc mổ của chị. Ca mổ nhanh chóng, an toàn khi con chào đời trước giao thừa vài phút.

Giai đoạn gần Tết là giai đoạn khám hiếm muộn cho những ca đặc biệt, phần lớn người dân đang sinh sống tại Việt Nam sẽ tất bật lo toan cái Tết nên không đi khám nhiều. Ngược lại đây là giai đoạn mà mấy chị Việt kiều về quê đón Tết kết hợp khám hiếm muộn những ngày cận Tết, thậm chí có chị yêu cầu làm IVF xuyên Tết luôn để qua Tết chuyển phôi xong mấy chị kịp về lại nước ngoài để tiếp tục công việc.

Nam bác sĩ 15 năm ươm mầm hạnh phúc, mang mùa xuân rạng rỡ đến các gia đình hiếm muộn - 4

Với nhiều năm công tác trong nghề, bác sĩ đã từng gặp những câu chuyện bi hài của các gia đình hiếm muộn khăng khăng chưa chịu nhập viện để sinh con vào ngày giờ đẹp hoặc sinh trong năm mới. Theo đó, bác sĩ đã giải thích với gia đình thế nào để họ đồng ý sinh con an toàn?

Người Á Đông vẫn còn nặng nề chuyện sinh con theo ngày giờ và sinh con hợp tuổi 2 vợ chồng lắm. Trước những ca mong muốn làm IVF để sinh con hợp tuổi dù mới thả có thai 2-3 tháng tôi sẽ từ chối nhẹ nhàng và giải thích về khả năng có thai tự nhiên của họ vẫn còn tốt lắm, thai tự nhiên vẫn tốt nhất vì họ còn quá trẻ. Tuy nhiên, những ca có vấn đề hiếm muộn cần phải can thiệp IVF việc chọn sinh năm nào tôi nghĩ là quyền tự do của họ, tôi sẽ làm tốt nhất để họ có thai và sinh con đúng mong muốn của họ.

Vấn đề mổ theo giờ hẹn tôi không ủng hộ lắm. Thứ nhất mổ phải có đúng chỉ định mới mổ. Thứ 2 phải đủ tuổi thai trên 39 tuần mới mổ và cuối cùng sẽ không mổ chủ động những khung giờ sai khoa học như 1-2 giờ sáng. Tôi sẽ từ chối vì không đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Tết với những bác sĩ hiếm muộn vẫn là những lúc tất bật suốt đêm, điện thoại của bệnh nhân réo gọi bất kể lúc nào nhưng vẫn thấy hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được. Những hạnh phúc giản dị của 1 bác sĩ hiếm muộm như anh là gì?

Việc nghe điện thoại mỗi ngày cả trăm cuộc và trả lời 200-300 tin nhắn mỗi ngày là chuyện bình thường. Tuy nhiên tôi thấy hạnh phúc khi bản thân còn có giá trị trong xã hội, người ta tin tưởng và quý mến bác sĩ họ mới làm phiền chứ họ không yêu, không quý chắc họ không rảnh đâu làm phiền bác sĩ làm gì. Như tôi chia sẻ, hạnh phúc đơn giản là được gieo mầm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Mỗi ngày nhận được kết quả beta hCG dương của các cặp đôi là tôi thấy vui vẻ cả ngày.

Bản thân anh thường phải sắp xếp và lên kế hoạch đón Tết cùng gia đình ra sao? Có nhiều năm kế hoạch đón Tết của bác sĩ bên gia đình bị phá sản vì bệnh nhân hiếm muộn thế nào?

Hạnh phúc hiếm hoi là những phút được chơi cùng 2 đứa con vào mỗi Tết vì đó là thời gian quý giá duy nhất trong năm của tôi cho 2 đứa nhỏ. Năm nay tôi nghỉ Tết 10 ngày sẽ về quê vui Tết sum họp gia đình, nơi tôi sinh ra và lớn lên nên Tết là ngày rất có ý nghĩa. Đây cũng là năm không trực Tết nên tôi có kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình để chuẩn bị tinh thần và sức khoẻ cho một năm mới với rất nhiều ca đang mong chờ “săn rồng”.

Mong ước và dự định của bác sĩ trong nghề của mình cũng như những nhắn nhủ của bác sĩ đối với các sản phụ hiếm muộn muốn tìm con thành công?

Tôi vừa là bác sĩ vừa là một ông giáo “gõ đầu trẻ” nên mong ước có 2 lĩnh vực. Về phía bác sĩ hiếm muộn, mong ước lớn nhất của tôi là tất cả các ca đều gặt hái được quả ngọt trong năm 2024 này, mọi người đều săn rồng thành công. Bên cạnh đó ông giáo mong muốn tất cả sinh viên đều học tốt, ra trường đều tìm được việc làm mong muốn trong năm 2024.

Dự định trong tương lai thì nhiều lắm, dự định lớn nhất của tôi là sẽ tham gia góp phần xây dựng IVF giá rẻ cho những các cặp vợ chồng có thu nhập thấp, những người có hoàn cảnh và thu nhập đứng ngoài cuộc chơi IVF bởi giá cả còn quá đắt đỏ so với thu nhập của họ mặc dù IVF ở Việt Nam đã là rẻ nhất nhì trên thế giới rồi.

Nam bác sĩ 15 năm ươm mầm hạnh phúc, mang mùa xuân rạng rỡ đến các gia đình hiếm muộn - 5

Cuối cùng tôi xin chúc tất cả mọi nhà năm mới 2024 bình an, hạnh phúc và thành công. Chúc tất cả các cặp đôi hiếm muộn thành công sớm nhất trong con đường tìm kiếm những thiên thần nhỏ. Cho dù một vài lần thất bại cũng cố gắng giữ vững tin thần, niềm tin vào một ngày không xa, “Don’t give up”.

Xin cảm ơn bác sĩ, chúc bác sĩ và gia đình năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và luôn mang tới mùa xuân trọn vẹn tới các gia đình hiếm muộn!

Nam bác sĩ 15 năm ươm mầm hạnh phúc, mang mùa xuân rạng rỡ đến các gia đình hiếm muộn - 6

21 năm chữa hiếm muộn hết 3 tỷ đồng, vợ đề nghị ly hôn nhưng chồng quyết không chịu
21 năm chưa một lần dám buông xuôi trong hành trình tìm con, cuối cùng cũng được ôm đứa con bé bỏng trong tay khiến vợ chồng hiếm muộn nghẹn ngào không nói thành lời.

Câu chuyện mang thai

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ Thân Trọng Thạch