Nhiều hôm đi làm về, thấy nhà cửa bừa bộn, vợ thì mệt mỏi thấy rõ, tôi thương đề nghị thuê giúp việc nhưng cô ấy cứ tiếc tiền bảo vẫn cố được.
Khi hai đứa mới cưới nhau, vợ tôi cũng có bằng đại học và có công việc ổn định. Cô ấy làm content cho một công ty dược nhỏ. Tuy lương chỉ được 7-8 triệu đồng/tháng nhưng em cũng có thể nuôi được bản thân mình.
Từ khi vợ mang bầu, do có nhiều dấu hiệu dọa sảy thai nên bác sĩ khuyến cáo dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Sẵn đà, tôi bắt vợ phải nghỉ làm ở nhà dưỡng thai. Nghe lời chồng, cô ấy cũng xin nghỉ việc ở công ty.
Sau sinh do con hay quấy khóc và ốm đau nhiều nên vợ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi làm lại vì thương con. Hơn nữa nếu cô ấy có xin đi làm lại, tôi cũng không đồng ý vì chẳng ai chăm con bằng mẹ cả, tôi không tin tưởng giao con cho giúp việc hay ông bà nội ngoại.
Sau sinh do con hay quấy khóc và ốm đau nhiều nên vợ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi làm lại vì thương con. (Ảnh minh họa)
Vợ tôi cũng có quan điểm như vậy nên tự nguyện ở nhà chồng nuôi. Mọi sinh hoạt tôi lo liệu hết. Biết vợ bận bịu chăm con nên mỗi tháng tôi đưa cho cô ấy 30 triệu chi tiêu để vợ không phải quá lo nghĩ tiêu pha hàng ngày.
Khi con đầu vừa được hơn 2 tuổi thì chúng tôi lại bị nhỡ. Vợ tôi bầu “tập 2” nên chính thức phải ở nhà thêm thời gian dài nữa. Từ ngày bầu lần 2 và chăm con lớn, vợ tôi có vẻ bức bối do ở nhà lâu nên tâm trạng hay cáu gắt thất thường. Con tôi lại bám mẹ nên dù bầu bí nặng nhọc cô ấy vẫn phải lo cho con ăn ngủ 24/7, việc gì cũng đến tay.
Khi vợ sinh con thứ 2, tôi đã bảo nếu không cố được thì cứ gửi con lớn về bà nội chăm giúp 1 thời gian. Nhưng thương con còn nhỏ, em cứ giữ rịt bên mình vừa chăm con lớn, vừa chăm con sơ sinh. Cá nhân tôi dù thương vợ nhưng bận rộn với công việc suốt, đã vậy còn đi sớm về khuya liên miên nên chẳng giúp gì được việc nhà, con cái.
Nhiều hôm đi làm về, thấy nhà cửa lanh tanh bành, vợ thì mệt mỏi thấy rõ mặt phờ phạc, mất ngủ mà tôi thương bảo thuê thêm giúp việc nhưng vợ cứ tiếc tiền bảo vẫn cố được.
Đợt vừa rồi hết 2 tháng cữ mà vợ đã giảm cân rõ rệt vì bị thiếu ngủ. Cô ấy gầy đi trông thấy, lúc nào cũng lo âu nghĩ quá. Đã vậy nhiều lúc lại khóc tu tu bảo thấy có lỗi khi không lo được cho 2 con chu toàn. Thấy vợ có những biểu hiện lạ, tôi giục em đi khám nhưng em cứ bảo không bị sao.
Cho tới đêm vừa rồi, nửa đêm tỉnh dậy sang phòng vợ con ngủ để lấy nước uống thì tôi phát hiện vợ có hành động rất đáng sợ. Cô ấy đang tự cắn cổ tay mình. Dù đã thấy chảy máu mà không chịu nhả ra. Tôi phải nhảy vào giằng mãi ra mới được.
Đưa vợ từ bệnh viện về mà tôi ân hận quá. Tôi sẽ ở bên để đồng hành cùng vợ chữa bệnh. (Ảnh minh họa)
Ngay sáng hôm sau, tôi hoảng hốt đưa vợ đi bác sĩ khám. Sau khi kiểm tra vết thương, bác sĩ bảo vết cắn không quá nghiêm trọng, vài hôm sẽ khỏi. Nhưng hành vi kỳ lạ của cô ấy thì họ lo vợ tôi bị mắc chứng trầm cảm sau sinh. Tôi là chồng cần phải quan tâm đến vợ hơn để giúp cô ấy thoát khỏi tình trạng này.
Đưa vợ từ bệnh viện về mà tôi ân hận quá, chỉ biết ôm em mà khóc. Bác sĩ nói đừng quá lo lắng vì triệu chứng trầm cảm của vợ tôi nhẹ, sẽ kiểm soát tốt được nếu như có chồng luôn đồng hành. Nhưng tôi vẫn thương và lo cho vợ quá. Những chị em nào sau sinh từng bị trầm cảm cho tôi hỏi, trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không, điều trị thế nào là tốt và nhanh nhất?
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những tác động xấu nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.
Đối với phụ nữ
Trầm cảm sau sinh thường khó phát hiện, kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn, có thể phát triển thành bệnh rối loạn tâm thần nếu không chữa trị kịp thời. Ngay cả khi được điều trị, bệnh làm tăng nguy cơ trầm cảm trong tương lai.
Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường không đủ sức khỏe để chăm sóc con cái, nguy cơ tự tử cao.
Đối với người con có mẹ mắc bệnh trầm cảm
Những đứa trẻ có mẹ bị trầm cảm nhiều nguy cơ không phát triển cảm xúc, hành vi:
Chậm phát triển ngôn ngữ, vận động.
Hạn chế khả năng giao tiếp.
Có thể có những hành vi bất thường hoặc dễ kích động hơn trẻ bình thường.
Trẻ sau này dễ căng thẳng và khó thích nghi với môi trường, khó hòa nhập xã hội…
Đối với gia đình
Người chung sống cùng người bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao. Đó có thể là chồng, bố mẹ, anh chị em ruột. Bởi khi có sự căng thẳng triền miên trong gia đình, tâm lý, sức khỏe của từng thành viên sẽ ảnh hưởng.
Phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh tùy theo mức độ nặng nhẹ có thể tự khỏi hoặc điều trị thành công bằng cách dùng thuốc kết hợp với tâm lý trị liệu, kèm theo chế độ ăn uống nghỉ ngơi, vận động phù hợp.
Tâm lý trị liệu
Nói chuyện với bác sĩ tâm lý sẽ giúp phụ nữ sau sinh suy nghĩ, thay đổi cảm xúc bản thân. Ngoài trực tiếp với bác sĩ phụ nữ sau sinh có thể tham gia hội nhóm để hỗ trợ cùng nhau vượt qua trầm cảm. Nếu trầm cảm sau sinh nặng hoặc rối loạn tâm thần sau sinh nghiêm trọng, có thể cần phải nhập viện.
Ngoài ra, người chồng, người thân trong gia đình cũng nên hiểu việc chăm sóc một em bé mới chào đời sẽ gặp nhiều khó khăn, phụ nữ sau sinh cơ thể yếu ớt kèm theo giờ giấc sinh hoạt đảo lộn nên hãy luôn ở bên cạnh giúp đỡ, chia sẻ mọi chuyện để mẹ bỉm có thời gian ngủ, nghỉ và tinh thần thoải mái nhất.
Điều trị bằng thuốc
Mất ngủ là nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm kéo dài, do đó phần lớn để giải quyết trầm cảm các bác sĩ điều trị thường kê thuốc ngủ hỗ trợ người bệnh ngủ đủ giấc, tỉnh táo tinh thần.
Ngoài ra, người bệnh được sử dụng số thuốc chống trầm cảm theo phác đồ riêng. Thời gian điều trị trầm cảm có thể kéo dài từ 1- 6 tháng, hoặc kéo dài hơn, tùy thuộc vào mức độ bệnh.
Ngoài ra, đối với những người đã có một giai đoạn trầm cảm từ trước khi mang thai hoặc sinh con bác sĩ có thể kê đơn thuốc phòng ngừa trầm cảm sau sinh ngay sau khi em bé chào đời.