Các bác sĩ đã phải họp khẩn cấp và nhờ sự hỗ trợ của rất nhiều khoa khác mới có thể cứu thành công cả mẹ và con sản phụ.
Trong quá trình mang thai có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra, từ sức khỏe của bà mẹ cho đến các biến chứng liên quan đến nhau thai, dây rốn, và thai nhi. Cách đây 1 tháng, các bác sĩ ở khoa phụ sản thuộc Bệnh viện Trung Ương Ôn Châu (Trung Quốc) đã phối hợp với các khoa khác “gỡ” thành công “quả bom nổ chậm” là nhau thai tiền đạo, cứu sống sản phụ họ Lâm và em bé.
Được biết, cô Lâm năm nay đã 41 tuổi và đây là lần sinh thứ 4. Trong khi 3 lần trước, cô đều vượt cạn một cách nhẹ nhàng, nhưng riêng lần mang thai này, cô lại gặp nguy hiểm đến tính mạng khi bị nhau thai tiền đạo. Trước tình hình nguy cấp, cô Lâm đã được bác sĩ “mổ bắt con” ở tuần thứ 36 của thai kỳ.
Trước khi ca phẫu thuật bắt đầu, đội ngũ cấp cứu khoa sản đã phải họp khẩn cấp với các bác sĩ ở bộ phận truyền máu, gây mê hồi sức và các khoa khác. Sau đó, cô Lâm được đưa vào phòng mổ, không bao lâu sau, một bé trai đã chào đời khỏe mạnh. Song theo bác sĩ bây giờ mới chính thức bước vào "cuộc chiến" cam go nhất, khó khăn nhất – gỡ bỏ nhau thai tiền đạo.
Bác sĩ đã kết hợp nhiều biện pháp điều trị kết hợp và truyền cho sản phụ 4.000ml trong quá trình phẫu thuật (Ảnh minh họa)
Đúng như các bác sĩ đã lo lắng, việc bóc nhau thai tiền đạo gặp nhiều khó khăn, vì nó có khả năng gây chảy máu nghiêm trọng và làm hỏng bàng quang hoặc ruột của người mẹ. Dù đã cố gắng hết sức nhưng máu vẫn chảy loang toàn bộ bàn mổ. Khi đó, lượng máu được ước tính đạt 1.800ml, tức bằng 1/3 lượng máu của cơ thể.
Bác sĩ Thẩm – trưởng khoa phụ sản của Bệnh viện Trung Ương Ôn Châu đã "toát mồ hôi hột" khi nhận định máu vẫn sẽ tiếp tục chảy trong quá trình bóc tách nhau thai ở tầng dưới tử cung. Các bác sĩ đã phải tiến hành các biện pháp kết hợp như cầm máu bằng nong bóng, điều trị chống sốc, truyền máu tích cực... May mắn là sau đó, lượng máu chảy đã bắt đầu giảm dần, sau 6 giờ phẫu thuật, tình trạng của cô Lâm đã được kiểm soát, huyết áp và huyết sắc tố bắt đầu tăng lên. Bác sĩ cũng cho biết họ đã truyền cho sản phụ gần 4.000ml máu trong quá trình phẫu thuật.
Hiện tại, mẹ con của cô Lâm đã được xuất viện, song trước khi ra về, bác sĩ đã dặn dò sản phụ không nên mang thai nữa.
Nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào đối với mẹ bầu và thai nhi?
Nhau thai tiền đạo là một biến chứng nguy hiểm khi mang thai (Ảnh minh họa).
Theo Tiến sĩ Robin Elise Weiss - Trợ lý Giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc trường Đại học Louisville (Mỹ), nhau tiền đạo là một biến chứng khi mang thai. Thông thường, nhau thai -– nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé – sẽ bám ở phần trên của tử cung, cách xa cổ tử cung để chừa “lối thoát” cho em bé trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, nhau tiền đạo lại nằm ở phía dưới tử cung, che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, gây hiện tượng sinh non, sinh mổ và chảy máu nghiêm trọng sau sinh.
Triệu chứng phổ biến nhất của nhau tiền đạo là gây ra hiện tượng chảy máu âm đạo màu đỏ tươi dù không đau bụng trong tam cá nguyệt thứ hai. Đôi khi, nó cũng có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ mang thai bị nhau tiền đạo đều gặp phải triệu chứng này, có khoảng 1/3 trong số họ không bị ra máu.
Nhau tiền đạo thường được chẩn đoán thông qua quá trình siêu âm. Do đó, nếu bất kỳ lúc nào mẹ bầu bị ra máu hãy đi khám thai ngay để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và có hướng xử lý để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.