Tố mẹ chồng "khác máu tanh lòng" vì mâm cơm cữ, nàng dâu không ngờ bị "ném đá" ngược

Hà Phương - Ngày 19/03/2022 12:00 PM (GMT+7)

Khi “bóc phốt” mâm cơm cữ của mẹ chồng lên mạng xã hội, nàng dâu này không những không được cư dân mạng đồng tình, thương cảm mà còn bị “ném đá” ngược vì sự khó chiều của cô.

Không ít nàng dâu từng chia sẻ mâm cơm ngày ở cữ được mẹ chồng chuẩn bị cho mình lên mạng xã hội. Có chị em thấy ấm lòng vì có người mẹ chồng thật tốt, chăm lo chu đáo cho con dâu những ngày “nằm ổ”, nhưng cũng có người kêu ca về mâm cơm đạm bạc, thiếu chất, chẳng có gì ăn.

Mới đây, một nàng dâu đã đăng tải đoạn clip tố mẹ chồng đối xử bạc bẽo với cô trong những ngày ở cữ. Cụ thể, đoạn clip ghi lại mâm cơm cữ mẹ chồng chuẩn bị cho cô, kèm theo đó là dòng trạng thái sặc mùi oán trách: "Mới đẻ 2 tháng mà mẹ chồng nấu ăn thế này, ôi cuộc đời khác máu tanh lòng".

Những tưởng nàng dâu bị mẹ chồng cho ăn “cơm thừa canh cặn” hoặc bát cơm trắng với đôi ba miếng thịt như nhiều người từng than trách trước đây, nhưng thực tế lại khác xa với những gì cư dân mạng nghĩ. Từ đoạn clip có thể thấy, trên mâm cơm có 2 món mặn gồm 1 đĩa thịt luộc và 2 miếng cá rán, bên cạnh đó là 1 đĩa rau cải luộc xanh ngắt cùng 1 bát canh cua đầy ú ụ.

Mâm cơm cữ mẹ chồng chuẩn bị cho nàng dâu 2 tháng sau sinh.

Mâm cơm cữ mẹ chồng chuẩn bị cho nàng dâu 2 tháng sau sinh.

Mặc dù chẳng có món nào là sơn hào hải vị nhưng mâm cơm này khá đầy đặn và đủ chất, rõ ràng được mẹ chồng chuẩn bị khá kỹ càng. Không rõ nàng dâu này không ăn được canh cua, không chấm được nước mắm ớt hay không ưng ý với món ăn nào mà đến mức cô phải trách móc mẹ chồng trên mạng xã hội bằng lời lẽ nặng nề đến thế.

Đoạn clip sau khi được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, đa số đều quay sang “ném đá” ngược cô con dâu này. Một số cảm thấy bức xúc trước sự vô lý của nàng dâu khó chiều, số khác lại cho rằng cô nàng này đáng ra phải thấy may mắn, biết ơn mẹ chồng vì cô nghỉ 2 tháng rồi vẫn có người “cơm bưng nước rót tận miệng”, bởi thực tế có không ít mẹ bỉm ở cữ chưa tới 1 tháng.

“Nàng dâu này tiểu thư khó chiều quá, mâm cơm như thế còn chê được, không biết chê cái gì nữa”,

“Mẹ chồng chị kỳ cục ghê, sao lại cho chị ăn uống như thế chứ? Đáng nhẽ bà phải cho chị nhịn đói mới đúng. Có phúc mà không biết đường hưởng”,

“Nghỉ sinh 2 tháng rảnh quá hóa xàm à? Cơm bưng nước rót tận miệng chị còn kêu ca gì nữa, đáng nhẽ chị phải thấy biết ơn mẹ chồng mới đúng. Tôi đẻ mổ được 10 ngày đã phải xuống giường tự nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa rồi đây”.

Bên cạnh đó, một số người cũng khuyên nàng dâu nếu không ăn được món gì thì nói với mẹ, bởi chuẩn bị được mâm cơm cho con dâu như thế thì mẹ chồng ắt hẳn cũng không phải là người quá đáng, khó gần. Việc đăng lên mạng xã hội để quy kết “khác máu tanh lòng” như thế này chỉ khiến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tệ hơn, dễ xảy ra mâu thuẫn gia đình hơn mà thôi.

Nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ sau sinh như thế nào?

Sau khi trải qua quá trình mất khá nhiều máu lúc sinh con, cơ thể người mẹ phải mất rất nhiều năng lượng, tuy rằng không đến mức cạn kiệt vì vẫn còn phần tích trữ được trong thời kỳ mang thai nhưng điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe mẹ và trẻ mới sinh. Cũng bởi thế mà nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ sau sinh cao hơn nhiều so với người bình thường.

Protein là chất thiết yếu đối với trẻ dù là lúc còn đang trong bụng mẹ hay khi đã chào đời. Trong giai đoạn đầu sau sinh, mẹ bầu cần tăng lượng protein mỗi ngày từ 20 đến 25g. Các chị em nên thêm các thực phẩm nhiều đạm vào thực đơn như: thịt, sữa, cá, trứng,… để bổ sung protein trong sữa mẹ cho trẻ.

Rau là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào, đặc biệt là các rau có màu xanh đậm. Ăn các loại rau, củ, quả không chỉ bổ sung các chất trong sữa mẹ mà còn cải thiện sắc vóc và làn da của mẹ bầu, chất xơ trong rau giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón phổ biến sau sinh.

Tương tự như đạm, chất béo cũng là một thành phần thiết yếu đối với sức khỏe của bà bầu và bé, chiếm tới 30% mức năng lượng cần thiết trong khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày của các mẹ bầu nhưng lại thường bị xem nhẹ hoặc thậm chí bỏ hẳn trong thực đơn vì chị em cho rằng đó là nguyên nhân tăng cân và gây ra bệnh béo phì. 

Đó là quan niệm hoàn toàn sai vì không phải chất béo nào cũng xấu. Chất béo tốt sẽ góp phần cấu tạo nên các tế bào, chất xám và dây thần kinh, giúp giảm lượng cholesterol xấu, ngăn ngừa nguy cơ các bệnh về tim mạch, tiểu đường, đông máu,…

Sau khi sinh còn, cơ thể mẹ thường đổ mồ hôi trong vài tuần đến vài tháng. Để bù lại lượng nước đã mất, cộng thêm việc phải có sữa cho con bú thì việc uống nước đầy đủ hàng ngày là điều cần phải làm. Bà bầu nên uống từ 2 tới 2,5 lít nước/ngày là tốt nhất. Hơn nữa, uống nước còn giúp thanh lọc cơ thể, thải các chất độc, cặn thừa trong cơ thể ra bên ngoài.


 

Không rau ngót, thịt kho, cơm cữ của 9X Hà Nội cực chất lượng toàn tôm hùm, cua sốt
Nhìn những mâm cơm đầy ăm ắp, toàn món ngon lành lại được bày biện đẹp mắt, nếu không nói thì nhiều người không nghĩ đây là cơm cữ.

Ăn uống sau sinh

Hà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ăn uống sau sinh