Chị Tống Hương chia sẻ, con đi nhà trẻ Nhật là ngày nào mẹ cũng phải viết sổ liên lạc về việc tối qua con ăn gì, ngủ lúc mấy giờ, đi vệ sinh khi nào cho cô giáo biết.
Lâu nay, môi trường giáo dục mầm non ở Nhật Bản được nhiều người đánh giá là chuyên nghiệp và mang tính chuẩn mực, cộng với sự cẩn thận, luôn đưa chất lượng lên vị trí hàng đầu của người Nhật.
Đó cũng là lý do có không ít mẹ Việt vẫn mong con cái mình sau này có cơ hội được sống trong môi trường giáo dục như thế. Vậy khi có con học mầm non tại Nhật thì bố mẹ sẽ gặp phải những vấn đề gì?
Chị Tống Thị Hương (32 tuổi), làm việc cho một công ty IT, hiện đang sinh sống cùng chồng và 2 con tại thành phố Tokyo, Nhật Bản đã hơn 9 năm nay. Với kinh nghiệm có hai con là Đỗ Tường Vy (7 tuổi) và Đỗ Bá Kiên (5 tuổi) học mầm non tại Nhật, chị Hương đã có những trải nghiệm và chia sẻ vô cùng thú vị cho các bậc cha mẹ Việt.
Gia đình chị Hương định cư tại Nhật Bản đã lâu và các con đều học tập tại môi trường giáo dục này.
Con vào mầm non, mẹ có một danh sách dài cần chuẩn bị, không phải cứ cho bộ quần áo, miếng bỉm, hộp sữa là đi
Khi có con bắt đầu đến trường mầm non, chị đã phải chuẩn bị những gì?
Bé đầu nhà mình đi nhà trẻ khi 3 tuổi, còn bé thứ 2 thì đi nhà trẻ lúc 1 tuổi. Hầu như khi cho con đi nhà trẻ công bên này đều phải chuẩn bị rất nhiều thứ như: Vỏ chăn (2 cái), khăn (dạng khăn tắm to dùng để đắp lên người bé khi bé ngủ), khăn lau tay có móc treo (khoảng 10 cái), túi đựng vỏ chăn, túi dùng để đựng đồ con thay ra, 1 hộp túi bóng để đựng bỉm thay ra hoặc đề phòng lúc con nôn có cái đựng đồ, 1 hộp giấy ướt, giầy đi trong lớp, giầy đi ngoài sân chơi (cho bé lớn),…
Đối với vỏ chăn, vì phải theo kích thước nhà trường đưa ra nên không thể mua ở ngoài cửa hàng hay siêu thị được mà thường mẹ phải tự may hoặc đặt may riêng. Ngoài ra, trên mỗi vỏ chăn và khăn đắp đều phải may thêm một miếng vải trắng, to và ghi tên bé vào để không bị nhầm lẫn với của các bé khác.
Lúc đầu khi nhận được danh sách các đồ nhà trẻ yêu cầu chuẩn bị, mình đã rất lúng túng vì không biết phải làm gì, tự làm thế nào, mua đồ như thế nào Mọi thứ thực sự khiến mình rất đau đầu. Với những mẹ tự làm được thì cũng không tốn bao nhiêu đâu, nhưng nếu không tự làm được, phải đặt mua online thì cũng khá đắt đỏ.
Nói chung, để chuẩn bị cho con đi học mầm non khá là mất thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nhiều.
Thật không dễ dàng gì khi phải chuẩn rất nhiều đồ trước khi con đến trường mầm non.
Ngoài ra, khi con đi nhà trẻ, cần nhiều quần áo hơn khi chỉ ở nhà. Vì 1 ngày có khi cần thay đến 3 bộ quần áo trên lớp. Theo quy định của nhà trẻ, đối với trẻ từ 0-2 tuổi, khi ăn xong bữa phụ phải thay 1 bộ, sau đấy nếu con làm ướt trong khi ăn, hoặc làm dơ vì lí do gì đó thì phải thay.
Còn bé lớn trong khoảng 3 – 5 tuổi, khi đi chơi ở ngoài về cũng phải thay đồ. Nên lúc nào cũng phải chuẩn bị cho con 2 bộ trong ngày, cộng thêm vài bộ để dự trữ ở tủ của bé. Chính vì thế mà ngoài việc sắm quần áo thêm nhiều thì việc giặt hàng ngày cũng tăng lên theo cấp số cộng.
Điều gì khiến chị thấy vất vả nhất khi chuẩn bị đồ cho con đi mẫu giáo?
Ngày đấy, mình thấy “cực” và mất thời gian nhất là việc viết sổ liên lạc cho con hàng ngày. Với bé từ 0-2 tuổi thì hàng ngày nhà trẻ và phụ huynh đều phải viết sổ liên lạc. Nội dung cơ bản là tối qua con ăn gì, ngủ lúc mấy giờ, sáng con ăn gì, đi vệ sinh lúc mấy giờ và thêm 1 phần nữa là viết một vài câu về việc quan sát con ăn, ngủ, chơi cho cô giáo biết. Với những mẹ lúc nào cũng trong tình trạng như “chạy giặc” như mình thì việc ngồi viết vài câu như thế đôi khi cũng là một vấn đề lớn.
Và có lẽ mất nhiều thời gian nhất phải nói đến sáng thứ 2. Bởi cuối tuần thì mẹ đã mang chăn, khăn, giày, quần áo của con về giặt nên thứ 2 lại phải mang đi một túi to đến lớp. Sau đó phải dành thời gian lồng vỏ chăn, sắp xếp đồ, bỏ bỉm chỗ này, quần áo chỗ kia, bỏ cốc chén, sổ liên lạc vào đúng chỗ nữa.
Học phí mầm non ở Việt Nam nhiều khi còn cao hơn ở Nhật
Chuyện chuẩn bị cho con đi học đã vất vả thế rồi, vậy khi bé đi học thật sự thì bố mẹ sẽ đưa đón bé như thế nào?
Bởi vì bên đây giờ bố mẹ đưa đón con tùy thuộc vào giờ bố mẹ đi làm và tan ca, cộng thêm thời gian đi lại. Ví dụ, có đợt mình đi học buổi sáng từ 9 giờ, chiều đi làm 18 giờ mới về nên mình gửi con lúc 8 giờ sáng và đón lúc 18 giờ 30.
Do tính chất công việc nên thỉnh thoảng, anh Đỗ Bá Đức (chồng chị Hương) sẽ thay vợ đón con.
Việc đưa đón còn thì hầu như mình thực hiện là chính, còn chồng mình đi làm sớm hơn và về muộn hơn nên không tiện. Thỉnh thoảng anh ấy đưa, đón thay mình một hôm. Có đợt mình vừa đi học, vừa đi làm không có thời gian đưa đón con nên phải nhờ bà ngoại sang giúp mấy tháng. Nói chung, mình thấy các mẹ bên Nhật vừa đi làm, vừa nuôi con thì vất vả lắm, vì hầu như việc từ A đến Z đều phải làm.
Khi con học trong môi trường giáo dục mầm non Nhật Bản được đánh giá tốt như thế thì học phí có cao không?
Tại đây, học phí của con đi học thì tính theo mức đóng thuế thu nhập của bố mẹ. Nhà mình cả hai bé đều học trường công. Nếu tính học phí thì có khi thấp hơn hoặc bằng ở Việt Nam thôi. Đôi khi mình thấy mấy chị bạn ở Việt Nam cho con đi nhà trẻ, đi học mầm non còn phải đóng tiền học cao hơn con mình bên này nữa.
Giáo dục mẫu giáo Nhật "không chê vào đâu được"
Nhiều mẹ Việt vẫn ngưỡng mộ nền giáo dục Nhật Bản. Là "người trong cuộc", chị cảm nhận như thế nào về các cô giáo dạy mầm non tại Nhật Bản?
Có lẽ mọi người cũng biết ở Nhật họ quan tâm đến chất lượng hàng đầu nên các dịch vụ của họ không chê vào đâu được. Các cô giáo làm việc rất trách nhiệm và chuyên nghiệp. Họ chăm các con như con mình và rất biết cách nói chuyện để khuyến khích, động viên các con. Họ dạy các các con từng tí một và rất kiên trì để các bé tự làm những gì bé có thể.
Lần đầu tiên con mình đi nhà trẻ, do chưa quen nên ngày nào cũng khóc. Cô giáo đón bé từ cửa lớp, sau đấy bế bé đi chơi quanh quanh, rồi cô chơi cùng con, vài ngày là con quen và dạn dĩ hơn nhiều.
Cô giáo chăm sóc học sinh như con mình và rất biết cách khuyến khích, động viên các con.
Theo chị thấy thì khi đi học, các con được chú trọng phát triển về kỹ năng gì nhất ở lứa tuổi mầm non?
Ở trường, các con được chơi, được học các kĩ năng mềm như tự lập theo lứa tuổi, sinh hoạt theo nhóm, học văn hóa qua các hoạt động, dịp trong năm. Và các cô cũng chú trọng dạy cho con tự ăn, tự cầm cốc uống nước, tự giác tham gia vui chơi cùng các bạn,…
Vậy chị đã từng cùng con trải qua một ngày hoạt động ở trường cùng con hoặc cùng con thưởng thức bữa trưa ở trường chưa?
Ở nhà trẻ có hoạt động cho bố mẹ trải nghiệm cùng con, tuy nhiên, do công việc nên mình chưa tham gia được ngày nào cả. Nhưng ăn cùng con ở nhà trẻ thì mình đã tham gia nhiều lần rồi. Bữa ăn thì rất đa dạng về mặt dinh dưỡng, lượng ăn rất phù hợp vì nhà trường cũng đã tính toán theo năng lượng cho lứa tuổi.
Các bé từ 2 – 5 tuổi thì suốt bữa ăn các bé tự ngồi ăn với nhau. Và hầu như ở Nhật, trẻ từ 1 tuổi là đã có thể tự ngồi vào bàn ăn được rồi. Bé nào chưa tự ăn được thì cô sẽ giúp. Còn lại cố giáo chỉ đứng quan sát thôi chứ không can thiệp gì nhiều.
Tốt không có nghĩa là không có mặt hạn chế
So với giáo dục mầm non tại Việt Nam thì Nhật Bản có lẽ có những yếu tố vượt trội, tốt hơn, chị nghĩ sao?
Theo mình thấy, giáo dục của Nhật chuyên nghiệp hơn của Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như họ dạy cho con từng cái nhỏ nhặt nhất, chẳng hạn vào xếp giày thế nào, chơi xong để đồ chơi đúng chỗ, để con tự làm những việc con có thể làm theo lứa tuổi… Yên tâm nhất là khoản ăn uống vì họ tính theo năng lượng, chất cần theo lứa tuổi để cung cấp bữa ăn.
Hàng ngày con được chơi, chạy nhảy bên ngoài, tiếp xúc với thiên nhiên… Con nhỡ bị ngã, xước, hoặc bị bạn làm đau thì ngay lập tức lúc đón sẽ được cô giáo thông báo và xin lỗi. Nói chung là mình rất yên tâm khi gửi con cho trường mầm non tại đây.
Tại trường mầm non, con được dạy về tính tự lập, tự giác và hòa đồng với bạn bè.
Vậy có nghĩa là không có sự bất tiện nào cả?
Đúng là môi trường giáo dục tại đây rất tốt song không phải là không có phiền phức. Ví dụ như ngày nào cũng phải giặt rất nhiều đồ. Các cô thì cứ theo quy định là thay, nhiều khi đồ không bẩn hoặc dơ không đáng kể thì mình nghĩ là không cần thiết. Hoặc con chỉ cần hơi ho là cô giáo gọi điện đến đón về, dù lúc đó mình đang bận. Hoặc nhiều khi có việc, đón con mà chậm hơn giờ đón quy định là bị cô giáo nhắc chẳng hạn….
Được biết thì các con học xong mầm non sẽ được làm lễ tốt nghiệp, chắc chị cũng đã trải qua rồi, chị có thể kể về ấn tượng của ngày hôm ấy?
Lễ tốt nghiệp mẫu giáo của các con được cô giáo chuẩn bị rất chu đáo. Từ trước đó vài tháng nhà trẻ đã gửi kế hoạch chuẩn bị cho bố mẹ. Trước ngày tốt nghiệp vài ngày, đến nhà trẻ là đã thấy không khí tràn ngập rồi, được trang trí nào hoa, bong bóng rất nổi bật. Vào buổi sáng hôm tốt nghiệp, thường bố mẹ sẽ cùng con đến trường, mặc đồng phục là vest hoặc lễ phục. Nhiều gia đình còn có cả ông bà đến tham dự nữa.
Cô hiệu trưởng và cô giáo sẽ đứng đón ngoài cổng. Sau đấy các con vào chuẩn bị cùng cô giáo chủ nhiệm, bố mẹ chờ ở phòng riêng. Đến giờ, bố mẹ vào hội trường đã được trang trí. Đầu tiên là cô giáo sẽ phát biểu cảm xúc, nói về quá trình trưởng thành của con. Sau đó, cô hiệu trưởng lên phát biểu và gọi từng con lên hỏi, đại loại như hôm nay con muốn nói gì với bố mẹ con nhất chẳng hạn và trao giấy khen (giấy chứng nhận tốt nghiệp). Cuối cùng, mẹ sẽ đứng lên và đón con trở về.
Lễ tốt nghiệp mầm non được chuẩn bị chu đáo và mang lại nhiều cảm xúc.
Ngoài ra các con sẽ có các tiết mục hát, biểu diễn cùng các bạn. Không gian thực sự rất ấm cúng, trang trọng và đầy cảm xúc. Nhiều phụ huynh không cầm được nước mắt vì xúc động.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!