Theo quan điểm của Hà Lý Sinh, cái gọi là "giáo dục đại bàng" giống như một con đại bàng cha huấn luyện một con đại bàng con, không phải âu yếm con trong vòng tay của mình, mà đẩy con ra ngoài hoang dã để con tự vùng vẫy và tìm cách sống sót.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 7-2-2017, Đại học Nam Kinh, Trung Quốc đã tiếp đón 2 cha con rất đặc biệt: cậu con trai mới 8 tuổi và người cha 50 tuổi. Đáng nói, họ muốn đăng ký tham dự tuyển sinh lớp học tự học của Đại học Nam Kinh. Cặp cha con này chính là “ông bố đại bàng” Hà Lý Sinh và “cậu bé chạy cởi trần trong tuyết” Hà Nghị Đức từng gây xôn xao dư luận 5 năm trước đó.
Trước khi đến đăng ký, Hà Nghị Đức đã hoàn thành chương trình tiểu học và trung học cơ sở ở nhà, cũng như học qua một bộ phận chương trình đại học. Trong 5 năm kể từ khi nổi tiếng trên MXH, Hà Lý Sinh đã áp dụng phương pháp giáo dục khác thường đối với con trai mình và thu về được những thành tựu nhất định.
Cậu con trai Hà Nghị Đức khi trả lời phỏng vấn cũng thừa nhận có phần ghen tị với chúng bạn khi bản thân không được thoải mái chơi đùa nhưng cậu bé vẫn khẳng định “như hiện tại rất tốt”. Ông Hà Lý Sinh thì nói, phương pháp giáo dục của ông có phần khác biệt nhưng “khác biệt không có nghĩa là sai”.
"Ông bố đại bàng" và con trai trong ngày đăng ký học vào trường Đại học Nam Kinh.
Giáo dục bằng cách bắt con trai 4 tuổi chạy giữa tuyết lạnh
Vào đêm giao thừa năm 2012, trên MXH Trung Quốc lan truyền video ghi lại cảnh một cậu bé gầy nhỏ chỉ mặc trên mình chiếc quần lót chạy trong tuyết rơi dày đặc ở New York, Mỹ. Cậu bé ấy chính là Hà Nghị Đức đến từ Nam Kinh và mới chỉ vỏn vẹn 4 tuổi. Chạy cởi trần trong tuyết chính là một chương trình giáo dục của chính bố cậu bé!
Từ đó cậu bé trở thành người nổi tiếng trên MXH, được gọi là “cậu bé cởi trần”, chương trình giáo dục của người bố là “giáo dục đại bàng”, còn người cha Hà Lý Sinh được gọi là “ông bố đại bàng”.
Cậu bé Hà Nghị Đức trần mình chạy dưới trời tuyết rơi theo chương trình giáo dục của người cha.
Hà Nghị Đức thường thức dậy lúc 5 giờ rưỡi, hoàn thành công việc nhà trong vòng 15 phút, sau đó ăn sáng. Cậu bé bắt đầu học tập lúc 6 giờ. Các lớp học trải dài từ sáng sớm cho đến 12 giờ trưa, sau đó tiếp tục từ 1 giờ rưỡi đến 6 giờ chiều. Như vậy, cậu bé đã phải học tập liên tục 11 tiếng/ngày.
Tháng 8 năm 2012, cậu bé Hà Nghị Đức 4 tuổi đã xuống biển ở Thanh Đảo để tham gia cuộc đua thuyền quốc tế. Vào cuối tháng 9 cùng năm, cậu bé lên 5 tuổi và đã dành 15 giờ để leo núi Phú Sĩ, Nhật Bản. Vào ngày đầu năm mới 2013, Hà Nghị Đức lao mình ra bán báo tại ga tàu điện ngầm Nam Kinh theo “chỉ thị” của bố. Vào tháng 8 năm 2013, Hà Nghị Đức giành được Giải vô địch số học quốc gia lần thứ 7. Vào cuối tháng 8 năm đó, Hà Nghị Đức đã có thể lái được máy bay nhỏ bay qua Công viên động vật hoang dã Bắc Kinh.
Hà Lý Sinh và con trai trong một chuyến leo núi.
Theo quan điểm của Hà Lý Sinh, cái gọi là "giáo dục đại bàng" giống như một con đại bàng cha huấn luyện một con đại bàng con, không phải âu yếm con trong vòng tay của mình, mà đẩy con ra ngoài hoang dã để con tự vùng vẫy và tìm cách sống sót. Triết lý giáo dục ấy đã dẫn đến nhiều tranh cãi.
Cậu bé 8 tuổi đăng ký học đại học
Sau năm 2013, cậu bé chạy khỏa thân và bố của mình không còn xuất hiện nhiều trên các mặt báo. Thực tế, Hà Lý Sinh đã thuê một số giáo viên nghỉ hưu và thành lập nên trường tư thục “Trường bố đại bàng”. Họ tự biên soạn chương trình giảng dạy cũng như là người đứng lớp. Cậu bé Hà Nghị Đức ngoài việc học ở các trường tiểu học, trung học gần đó thì còn được giáo dục tại chính ngôi trường bố mình lập nên.
Hà Nghị Đức đăng ký khóa tự học Quản lý bán hàng của đại học Nam Kinh sau khi đã tham gia vài khóa học quản lý kinh doanh chuyên nghiệp tại nhà. Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên, Hà Nghị Đức đã cho thấy sự già dặn không tương xứng với tuổi của mình.
Cậu bé nói rằng mình hiện đang viết một chương trình robot và sẽ đến Vương quốc Anh để tham gia một cuộc thi tầm cỡ thế giới. Nói về chương trình "giáo dục đại bàng", Hà Nghị Đức vẫn rất mực khen ngợi và tự hào. Cậu bé cũng tiết lộ bản thân sau này muốn trở thành một doanh nhân.
Hà Nghị Đức từng xuất hiện trên bìa tạp chí.
“Tôi chưa thấy con kháng cự vì đó là tất cả những gì thằng bé muốn. Con tôi dành thời gian học tập gấp đôi mỗi ngày so với các bạn cùng lứa nhưng thằng bé thích điều đó. Con tôi có khả năng tự học mạnh mẽ, khả năng tự rèn luyện và hiệu quả học tập cao hơn so với các đứa trẻ khác. Nói như vậy không có nghĩa tôi coi thường nền giáo dục hiện tại, điều tôi muốn là sự bổ sung một phương án giáo dục khác ngoài giáo dục học đường”, Hà Lý Sinh nói như vậy.
Các chuyên gia giáo dục nói gì?
Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, "giáo dục đại bàng" làm mất đi trải nghiệm thường ngày và tự do cá nhân của trẻ em, đơn giản hóa sự hiểu biết của trẻ em về cuộc sống. “Giáo dục đại bàng” là tương đối một chiều, chỉ tập trung vào các kết quả ngắn hạn. Khi đứa trẻ còn nhỏ, nó có thể tốt hơn các bạn cùng lứa ở một số khía cạnh, cha mẹ cũng được tôn vinh. Nhưng quá trình tăng trưởng của trẻ rất khó dự đoán và có nguy cơ lớn khi từ bỏ hoàn toàn giáo dục truyền thống để thực hiện các chương trình giáo dục cá nhân cho trẻ em.
Viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc khuyên rằng, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp giáo dục không thông thường bởi xã hội vẫn khuyến khích việc khám phá đa dạng các mô hình giáo dục cho trẻ em nhưng điều này phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về giáo dục của các nhà giáo dục. So ra "Giáo dục đại bàng" của Hà Lý Sinh rõ ràng mang tính một chiều và cực đoan.