Đổ đống tiền cho con học trường quốc tế, tôi hối hận vì con 6 tuổi không sõi tiếng Việt cũng chẳng xịn tiếng Anh

Trang Tri - Ngày 08/04/2024 09:28 AM (GMT+7)

Con gái mới 6 tuổi đã càng lúc càng "sính ngoại", quên cả cái "gốc" của mình khiến vợ chồng tôi vô cùng lo lắng.

Lần đầu làm bố mẹ, tâm lý của tôi luôn muốn con gái của mình được hưởng những điều tốt nhất, từ ăn mặc ngủ nghỉ vui chơi cho đến trường học. Tôi không phải kiểu bố mẹ theo số đông, nhưng qua tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi cảm thấy môi trường quốc tế có rất nhiều điều kiện tốt để con phát triển toàn diện. Chính vì thế dù gia đình không quá giàu có, nhưng tôi và chồng vẫn cố gắng cho con theo học tại một ngôi trường quốc tế khá xa khu nhà đang ở với mức học phí gần 200 triệu/năm.

Sau một năm, tôi thực sự vô cùng hối hận với quyết định này của bản thân. Đổ đống tiền vào cho con bé học trường quốc tế, để rồi giờ đứa trẻ "quên" luôn cả cái gốc ban đầu của mình, dẫu đã 6 tuổi nhưng tiếng Việt chưa sành đã suốt ngày bập bẹ tiếng Anh. Chưa biết sau này con bé có thực sự giỏi không, nhưng bây giờ mỗi lần con giao tiếp với bố mẹ hay người thân trong gia đình đều nửa Việt nửa Tây khiến tôi cực kỳ khó chịu.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trước đây khi đưa ra quyết định cho con học trường quốc tế, yếu tố ngoại ngữ là điều tôi cực kỳ quan tâm và yêu thích ở môi trường này, vì tôi nghĩ để con giáo dục trong trường quốc tế thì tiếng Anh sẽ chuẩn hơn. Ngày nay giỏi ngoại ngữ là một lợi thế lớn để con dễ dàng đạt được nhiều thành tựu hơn, nên tôi cứ thế đầu tư cho đứa trẻ của mình.

Tuy nhiên giờ vợ chồng mới hãi hùng làm sao khi phát hiện con gái có thói quen sử dụng ngôn ngữ loạn xạ cả lên. Nói câu nào cũng đều chêm vài từ tiếng Anh vào, có lúc nói một câu tiếng Việt cũng không hoàn chỉnh, ngập ngừng và vấp, thậm chí không ai hiểu ý con bé muốn truyền đạt là gì. 

Quen với kiểu giao tiếp tiếng Anh ở trường không xài kính ngữ nên về nhà con cũng không "dạ", "thưa" gì khi gặp người lớn. Chưa biết sau này đứa trẻ có thực sự giỏi giang không, nhưng lễ nghi phép tắc trong giao tiếp dần khiến tôi không hài lòng. Nếu là người Việt, sống ở đất Việt mà ngay cả tiếng mẹ đẻ cũng không sõi thì thực sự đó là một thảm hoạ, và tôi hoàn toàn không muốn điều này xảy ra với con gái mình.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Rồi còn chưa nói vì môi trường tiếp xúc với các bạn học nước ngoài nên con cũng dần bị ảnh hưởng, từ đó hình thành lối tư duy "Tây". Nhiều lúc chính tôi còn không nhận ra con gái ngày nào của mình. Còn gì đáng sợ hơn, đáng buồn và lo lắng hơn khi sống tại Việt Nam nhưng đứa trẻ lại Tây không ra Tây, mà Ta cũng chẳng giống Ta.

Sau sự việc này, tôi chắc chắn sẽ chuyển trường cho con bé. Trường công gần nhà vừa hợp "túi tiền" của gia đình, lại vừa có thể giúp con trưởng thành, được rèn luyện trong môi trường truyền thống, không quên đi "gốc gác" ban đầu của mình. Lớn lên chút nữa, đủ chính chắn và có thể tự lập thì để con quyết định, muốn bay nhảy trên bầu trời nào thì bay, bố mẹ sẽ ủng hộ và hỗ trợ khi con cần, còn giờ thì tốt nhất vẫn nên làm "Ta" một cách tròn trĩnh trước đã...

Các mẹ có đồng quan điểm, suy nghĩ với tôi không?

Tâm sự từ độc giả phuongly...@gmail.com

Việc chọn môi trường học tập cho con là nhiệm vụ quan trọng mà mỗi bậc phụ huynh cần bỏ thời gian và công sức để nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Không phân biệt trường công hay trường tư, cũng đừng chạy theo xu hướng số đông, bố mẹ phải thật tỉnh táo để biết đâu là môi trường phù hợp và tốt nhất cho gia đình, cho con cái của mình.

Trong quá trình lựa chọn trường học cho con, bố mẹ có thể xem xét và tham khảo những yếu tố thiết yếu dưới đây:

- Chất lượng giáo dục

Chất lượng giáo dục đóng vai trò quan trọng khi lựa chọn trường cho con. Bố mẹ cần xem xét phương pháp giảng dạy, chương trình học, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của trường.

Phương pháp giảng dạy đa dạng và tương tác, chương trình học đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục chất lượng, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm và đào tạo chuyên môn, cơ sở vật chất tốt và tài liệu giảng dạy phù hợp sẽ đảm bảo rằng con nhận được một nền tảng giáo dục tốt, và được phát triển toàn diện.

Chất lượng giáo dục không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức, mà còn hình thành nhân cách và kỹ năng sống của con. Việc đảm bảo chất lượng giáo dục, sẽ mang lại cơ hội tốt nhất cho sự phát triển và thành công của con trong tương lai.

- Vị trí trường học

Một yếu tố quan trọng khác mà bố mẹ cần xem xét khi lựa chọn trường cho con, là vị trí của trường và thời gian đi lại từ nhà đến trường.

Khi trường gần nhà, thời gian đi lại giữa nhà và trường sẽ được rút ngắn, giúp con tiết kiệm thời gian và năng lượng. Điều này quan trọng, vì thời gian đi lại quá dài và mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến sự tập trung và hiệu quả học tập của con. Ngoài ra, việc trường gần nhà cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, và tương tác xã hội sau giờ học.

Một thời gian đi lại hợp lý, cũng giúp gia đình dễ dàng quản lý lịch trình hàng ngày. Bố mẹ có thể dễ dàng đưa đón con đi học, và đảm bảo rằng con đến trường đúng giờ. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần liên hệ với trường, việc trường gần nhà cũng giúp gia đình tiết kiệm thời gian và công sức khi cần phải tới trường.

- Tài chính phù hợp

Việc lựa chọn trường cho con không chỉ liên quan đến chất lượng giáo dục, mà còn phải xem xét khả năng tài chính của gia đình, đảm bảo con nhận được một nền tảng giáo dục tốt nhưng vẫn không gây áp lực quá lớn về mặt tài chính cho bố mẹ.

Mỗi trường học sẽ có mức học phí khác nhau, và điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguồn tài chính của gia đình. Hãy xác định khả năng của bố mẹ để đáp ứng các khoản chi này trong dài hạn, bao gồm cả các chi phí phụ ngoài học phí như sách giáo trình, đồ dùng học tập và các hoạt động ngoại khóa...

Điều này sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn tổng thể về chi phí hàng tháng mà gia đình cần đảm bảo. Nếu tài chính có hạn, bố mẹ có thể cân nhắc các tùy chọn như trường công lập hoặc các chương trình học có hỗ trợ tài chính. Trường công lập thường có học phí thấp hơn, nhưng sẽ vẫn cung cấp một môi trường học tập chất lượng.

Ngoài ra, có thể tìm hiểu về các chương trình học bổng mà trường cung cấp để giảm thiểu gánh nặng tài chính. Quan trọng nhất là tạo ra một kế hoạch tài chính chi tiết và bền vững. Xác định nguồn thu và chi tiêu hàng tháng của gia đình, và xem xét khả năng tiết kiệm và đầu tư để đảm bảo việc đáp ứng các chi phí giáo dục của con trở nên khả thi.

Lương 25 triệu/tháng, vợ chồng tôi vẫn quyết cho con học trường quốc tế để thu lãi trong tương lai
Tôi nghĩ việc đầu tư giáo dục cho con sẽ không bao giờ lỗ, nên dù mức lương vợ chồng ở mức trung bình khá, tôi vẫn cố gắng cho con học trường quốc tế.

Tâm sự người mẹ

Theo Trang Tri
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Con vào lớp 1