Dạy bé bỏ rác vào thùng, xả nước sau khi đi vệ sinh, cho quần áo bẩn vào máy giặt… Những việc tưởng đơn giản nhưng chị Trang đã dạy con từ rất sớm, bởi theo quan điểm của người mẹ này “cây non thì dễ uốn”.
Video: Chị Nguyễn Thu Trang đang dạy con học.
Chị Nguyễn Thu Trang (SN 1992) ở Tuyên Quang là mẹ của bé Thóc (19 tháng tuổi). Dù còn rất nhỏ nhưng bé đã được mẹ dạy cho nhân cách sống và các bài tập kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Giờ đây con đã có thể tự phục vụ được bản thân nhưng vẫn cần thêm thời gian để làm mọi việc thành thục hơn.
Bé Thóc là con đầu lòng của hai vợ chồng chị Trang.
Mẹ làm trước sau đó con bắt chước làm theo
Theo lời chị Trang, bé Thóc là con đầu lòng của gia đình, lần đầu làm mẹ nên hai vợ chồng khó tránh khỏi những bỡ ngỡ khi chăm sóc và dạy dỗ trẻ nhỏ. Nhận thức được việc nuôi dạy một đứa trẻ cần rất nhiều yếu tố. Chị không ngừng tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm dạy con từ các chuyên gia đầu ngành về giáo dục trẻ nhỏ và từ các mẹ đã từng nuôi dạy con trước đó.
Thú nhận là người kém may mắn hơn so với nhiều cha mẹ khác khi tiếp cận với phương pháp giáo dục sớm có phần chậm trễ, nhưng sau khi lĩnh hội kiến thức áp dụng đối với chính em bé của gia đình chị Trang đã nhận lại thành quả rất tuyệt vời.
Chị Trang thường xuyên tham gia các khóa học dạy con từ các chuyên gia đầu ngành về giáo dục trẻ nhỏ
Với mong muốn con có thể tự phục vụ bản thân ngay từ khi còn rất bé, chị áp dụng nuôi dạy con theo cách quan sát sự phát triển của con và thiết kế các trò chơi tương tác phù hợp với từng khoảng thời kỳ nhạy cảm của con. Việc chơi có mục đích giúp con vui vẻ và hợp tác đồng thời cũng đạt được mục đích dạy con của bố mẹ.
Những kỹ năng tự phục vụ bản thân như hợp tác cùng mẹ mặc quần áo, tự xúc ăn hay đánh răng, làm việc nhà chị dạy con thông qua việc quan sát con theo từng thời kỳ. Khi thấy con nhìn mẹ và bắt chước thì mẹ tạo điều kiện để con tự học hỏi hoàn thiện kỹ năng đó.
Một số đầu sách về nuôi dạy con, giáo dục sớm mẹ đã đọc để áp dụng dạy bé Thóc
Bà mẹ trẻ minh họa: “Mình dạy con bằng việc trước đó mẹ làm, con quan sát và dần dần bắt chước để làm theo. Ví dụ sáng ra thay bỉm xong con sẽ tự đi bỏ bỉm vào sọt rác. Ban đầu thì mẹ bế con đi bỏ bỉm vào sọt rác. Khoảng 1 - 2 tuần sau thì mẹ sẽ hỏi con: Bỉm (rác) sau khi sử dụng thì bỏ vào đâu nhỉ? Con có thể giúp mẹ bỏ vào sọt rác được không?
Nếu bé chưa sẵn sàng hợp tác thì mẹ lại làm và nói với con "bỏ rác đúng nơi quy định" đưa con theo để con nhìn mẹ làm. Còn nếu con hợp tác tự đi bỏ đúng chỗ thì khen ngợi khích lệ con rằng: "Con đã làm rất tốt mẹ cảm ơn con đã giúp mẹ".
Cứ vậy lần sau con tự giác biết việc mình phải làm mà không cần nhắc nhở. Nếu chúng ta làm ngược quy trình thì thấy khó khăn chứ làm đúng theo quy trình thuận theo tự nhiên thì nhàn hạ lắm”.
Ở từng giai đoạn phát triển của con, chị Trang vẫn tiếp tục dùng “chiêu” mẹ làm trước sau đó con “bắt chước” làm theo. Việc dọn đồ chơi sau khi chơi xong, đi vệ sinh đúng nơi, xả nước sau khi đi vệ sinh, cho quần áo bẩn vào máy giặt cũng áp dụng tương tự như vậy.
Ở từng giai đoạn phát triển của con, chị Trang sẽ áp dụng theo nhiều phương pháp để phù hợp với con hơn
Lúc đầu sau khi chơi xong con chưa tự cất đồ chơi thì mẹ vừa cất đồ chơi vừa nói luôn "cất đồ về vị trí cũ sau khi sử dụng". Ban đầu con chưa hợp tác cùng mẹ sau khi nhiều lần thấy mẹ lặp đi lặp lại hành động với lời nói như vậy thì con sẽ học theo, dần dần sẽ hình thành thói quen cho con. Đối với những trường hợp bé bầy biện quá nhiều đồ chơi, mẹ có thể hỗ trợ cùng con cất dọn, đó cũng là một cách để dạy con hiểu như thế nào là chia sẻ công việc.
Theo đó những lần đến nơi công cộng con nhìn thấy mẹ giữ vệ sinh chung bằng việc nhặt rác bỏ vào thùng thì con sẽ làm theo mà không cần phải nhắc nhở. Chỉ cần mẹ kiên nhẫn làm gương là con tự giác học theo, đó là những bài học thực tế nếu chỉ đọc và học trên sách thì con khó mà được thực hành.
Học ghi nhớ bằng các thẻ học
Với mong muốn giúp con phát triển trí não bộ, giai đoạn em bé 4 tháng tuổi mẹ đã mua rất nhiều thẻ học thông minh, sau đó áp dụng tráo thẻ và đọc thẻ để con nhận diện và ghi nhớ hình ảnh và mặt chữ, mỗi lần tráo thẻ xong hãy khen ngợi con là con rất ngoan, mẹ rất vui…
Chị Trang chuyển sang dán thẻ chữ vào tên đồ vật trong nhà để dạy con
Khi con lớn lên một chút con không còn hợp tác với phương pháp học tráo thẻ, chị Trang chuyển sang dán thẻ chữ vào tên đồ vật trong nhà, với cách dạy này mẹ không mất nhiều thời gian để soạn thẻ lại kích thích thú tò mò, nhìn vào những đồ vật đó trẻ sẽ thấy hấp dẫn và ham học hơn.
Đến gần 1 tuổi bé Thóc bắt đầu nhạy cảm với chữ và số, đi đâu có chữ hay số con yêu cầu mẹ đọc, theo đó mẹ đọc cho con các biển hiệu ngoài đường, biển số xe, số nhà... con bắt đầu học theo, con có thể học mọi nơi mọi lúc. Nhờ được tiếp cận với sách hướng dẫn và kinh nghiệm thực tế nên dù mới 19 tháng tuổi nhưng bé Thóc đọc sách đọc thơ (dựa vào tranh ảnh để đọc và kể chuyện) rất thuần thục.
Những bức vẽ do bé Thóc thỏa sức tưởng tượng và trải nghiệm
Bày tỏ về quan điểm dạy con của mình, chị Trang cho hay: “Quan điểm dạy con của mỗi người một khác, không có đúng và không có sai. Bản thân mình dạy con ngay từ khi còn rất nhỏ, bé mới chỉ vài tháng tuổi nhưng đã được mẹ rèn luyện, dạy dỗ rất cẩn thận. Bởi với mình dạy con các kỹ năng tự phục vụ bản thân và dạy con về nhân cách không bao giờ là sớm cả vì cây non thì dễ uốn”.
Ghi nhận những thành quả từ giáo dục sớm cho con, mẹ 9X nhấn mạnh việc giáo dục sớm cho trẻ rất tuyệt vời. Hiện tại và tương lai anh chị vẫn sẽ trau dồi thêm nền tảng về giáo dục sớm để có thể đồng hành cùng con và tạo môi trường tốt nhất cho con phát triển.