Tuy đây đều là những món ăn nổi tiếng trong ẩm thực Nhật Bản, tuy nhiên không ít du khách khi lần đầu nhìn thấy đều lắc đầu từ chối nếm thử.
Natto (Đậu nành lên men)
Đây là món ăn được làm từ hạt đậu tương lên men. Chúng có màu nâu nhạt, dính dớp và mùi hương khó ngửi vậy nhưng vô cùng nhiều chất dinh dưỡng. Đây được xem như là một trong những bí kíp sống trường thọ của người Nhật Bản.
Tương truyền, món ăn độc đáo này vô tình được tạo ra từ một người lính trong doanh trại của tướng Yoshiie. Trong một lần bị quân địch tập kích, anh ta đã giấu đậu tương luộc vào những túi rơm và quên không mở chúng ra trong suốt mấy ngày trời. Tới khi phát hiện thì đậu đã lên men và có mùi kỳ lạ. Người lính nếm thử thấy ngon bèn dâng món ăn lên tướng Yoshiie. Từ đó món ăn này dần dần phổ biến.
Hiện nay, món ăn này có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên Nhật Bản, thậm chí chúng còn được phục vụ trong thực đơn buffet sáng của nhiều khách sạn. Tuy có vẻ ngoài nhớp nháp và mùi hương không mấy quyến rũ nhưng nếu đã quen, bạn có thể sẽ rất thích hương vị của chúng.
Cách ăn chuẩn nhất cho món này là rưới một chút nước tương lên đậu, đảo đều cho đến khi xuất hiện những sợi dính dài màu trắng, sau đó ăn cùng với cơm.
Inago (Châu chấu)
Bạn có thích hương vị của món sốt teriyaki trứ danh Nhật Bản không? Nếu có thì rất có thể bạn sẽ thích hương vị của món Inago này đấy.
Những con châu chấu trước khi được chế biến phải để qua đêm để chúng tiêu hóa hết thức ăn trong dạ dày. Sau đó chúng được luộc trong nước sôi trong khoảng 3 – 4 phút rồi để nguội, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời trong vòng một đến hai ngày. Cuối cùng, châu chấu sau khi sơ chế sẽ được nấu chung với nước sốt teriyaki mặn mặn ngọt ngọt để tạo được màu sắc sáng bóng và hương vị thơm ngon.
Đối với một số nước châu Á, những món ăn được làm từ côn trùng khá phổ biến. Nhưng đối với những khách du lịch từ phương tây, lần đầu tiên thấy món Inago chắc chắn sẽ vô cùng hoảng hốt. Vậy nhưng nếu dũng cảm nếm thử thì hương vị của nó cũng không đáng sợ như vẻ bề ngoài.
Shirako (Tinh hoàn cá)
Người Nhật thường không lãng phí bất kỳ bộ phận nào của một con cá. Họ sẽ ăn tất cả các phần của nó, từ ruột, đuôi, mắt cá cho tới cả … tinh hoàn.
Khi cá còn tươi, các bị đầu bếp sẽ khéo léo lấy tinh hoàn hoàn của chúng ra, bày lên đĩa để thực khách thưởng thức. Shirako khi ăn sống thường có mùi nồng nên không phải ai cũng ăn được, bởi vậy người Nhật còn có thể nướng hoặc hấp chúng để phù hợp khẩu vị nhiều người hơn. Tuy nhìn thì trông có vẻ khá kinh dị nhưng hương vị của Shirako được miêu tả là mềm mịn, tan ra trong lưỡi tựa như bơ.
Tuy có nhiều loại cá có thể ăn được tinh hoàn nhưng được đánh giá cao nhất vẫn là tinh hoàn cá nóc và cá tuyết. Người Nhật thường hay ăn chúng vào thời điểm lập đông để chào đón mùa mới. Đây được xem như là món ăn rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với nam giới.
Hachinoko (Nhộng ong)
Tại Nhật Bản, người ta thường ăn Hachinoko cuộn với sushi, cơm trắng, món ăn kèm khi uống rượu hoặc làm món ăn vặt. Cách chế biến chúng cũng khá đơn giản. Người đầu bếp sẽ chiên giòn nhộng ong và ướp chúng với nước sốt đặc biệt làm từ nước đường và nước tương.
Tuy rằng khi lần đầu thấy món ăn này, không có nhiều người nguyện ý nếm thử, vậy nhưng hương vị của chúng được đánh giá là khá đặc biệt. Vị ngọt dịu của đường, vị ngậy của nhộng ong và hương vị của nước tương hòa quyện vào với nhau mang đến một hương vị độc đáo.
Suppon (Rùa mai mềm)
Từ lâu, người Nhật đã xem rùa như một loại thực phẩm vô cùng quý giá, có hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt món ăn này cũng giúp làm tăng cường sinh lý ở đàn ông. Suppon chính là tên gọi các món ăn được chế biến từ rùa mai mềm.
Đầu tiên, người ta thường làm thịt rùa rồi lấy máu của nó. Phần tim rùa được thả vào ly rượu sake cho thực khách. Trong khi khách thưởng thức rượu, đầu bếp sẽ chế biến món chính từ thịt rùa bằng nhiều cách như nấu súp, lẩu, ... Trứng rùa thường được ăn sống vì người Nhật tin rằng ăn như vậy có thể giúp cải thiện sinh lực phái mạnh.
Tuy nhiên, một bữa suppon được phục vụ trọn vẹn thường có giá không hề rẻ. Thực khách phải chi trả từ 100 USD trở lên cho mỗi bữa ăn suppon. Bên cạnh đó nhiều người khi lần đầu nhìn thấy hình ảnh nguyên một con rùa trong bát ăn cũng không dám nếm thử món ăn đó.
Kujira (Thịt cá voi)
Ở Nhật Bản, ăn thịt cá voi là hợp pháp, chúng thường được bày bán khá phổ biến tại các siêu thị. Thậm chí chúng còn được phục vụ cho học sinh tiểu học trong bữa trưa.
Tuy nhiên đối với du khách nước ngoài, ăn thịt cá voi là một việc khiến nhiều người rùng mình. Bởi vậy, hầu hết các nhà hàng thịt cá voi ở Nhật Bản đều treo những tấm biển hiệu bằng tiếng Anh với nội dung “Chúng tôi là nhà hàng thịt cá voi” để tránh việc khách hàng bị sốc hay sợ hãi khi quyết định tiến vào.
Kujira thường được chế biến thành sashimi. Phần thịt đắt nhất có tên gọi là onomi, là phần thịt chạy từ vây lưng đến đuôi cá voi. Chúng có mức giá khoảng 200 USD/kg.
Basashi (Thịt ngựa sống)
Basashi có nghĩa là sashimi thịt ngựa. Thịt ngựa sống sau khi được cắt thành từng lát mỏng có thể ăn trực tiếp mà không qua chế biến. Có 3 loại basashi chính là thịt mỡ, thịt cẩm thạch và thịt nạc.
Basashi được đánh giá là có hương vị và hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn thịt bò. Cách thưởng thức basashi cũng tương tự như những loại sashimi khác. Từng lát thịt ngựa sống đỏ tươi bắt mắt được nhúng vào nước tương, ăn kèm với gừng nghiền nhuyễn và cải ngựa Nhật Bản là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Đặc biệt chúng còn là đặc sản của vùng Kumamoto – nơi bắt nguồn của món ăn này.
Nhiều người không quen với việc ăn thịt sống có thể khá e ngại khi lần đầu thử basashin, tuy nhiên chúng lại có vị thanh ngọt và không hề có mùi khó chịu. Thậm chí nhiều người còn ngửi thấy mùi cỏ thơm như mùi thảo mộc khi ăn basashin.
Fugu (Cá nóc)
Fugu hay thường gọi là cá nóc Nhật Bản chắc hẳn là loại cá khiến nhiều người chỉ vừa nghe tên là đã muốn tránh xa. Chỉ một lượng nhỏ của nọc độc cá nóc cũng có thể dễ dàng giết chết một người trưởng thành.
Vậy nhưng, ở xứ sở Phù Tang cá nóc lại được dùng để chế biến những món ăn cao cấp. Để được chế biến món ăn nguy hiểm này, đầu bếp bắt buộc phải có giấy phép hành nghề. Thêm vào đó, đây phải là những đầu bếp dày dặn kinh nhiệm và thành thạo kỹ thuật mang tên Usu-zukuri. Đây là phương pháp thái cá thành từng lát rất mỏng và xếp chúng thành hình dáng như bông hoa cúc – loài hoa biểu tượng cho sự trường thọ và phẩm chất cao quý của người Nhật.
Đến nay vẫn chưa hề có thuốc giải cho độc tố tetrodotoxin – loại độc có trong cá nóc, vậy nên khi thực khách nếm thử món này thường mang tâm trạng khá hoang mang, lo sợ. Chính người Nhật cũng thường hay nói rằng “tôi muốn ăn cá nóc nhưng tôi không muốn chết”, đủ để thấy sức hấp dẫn đặc biệt của món ăn nguy hiểm này.
Torisashi (Thịt gà sống)
Ở Nhật, việc ăn thịt gà sống khá phổ biến, đặc biệt là trong các cửa hàng sushi. Torisashi là phần thịt được lấy từ ức gà, những miếng thịt gà sau khi được xử lý sạch sẽ, cắt lát mỏng sẽ ăn kèm cùng mù tạt, nước tương hay salad.
Đây là một món ăn khá bình dân với giá thành rẻ, được nhiều người lao động ưa chuộng. Tuy nhiên không vì thế mà chất lượng thịt bị bỏ qua. Thịt gà để làm torisashi luôn được kiểm duyệt chặt chẽ và phải đạt mức độ tiêu chuẩn trong an toàn vệ sinh và thực phẩm của Nhật. Thế nhưng ăn sống một món thịt gia cầm vẫn còn là điều lạ lẫm với nhiều du khách lần đầu đặt chân đến Nhật Bản.
Shiokara (hải sản lên men)
Shiokara là món ăn có mùi tanh rất nồng, khiến nhiều người phải bịt mũi lại trong lần đầu tiếp xúc. Chúng được làm từ nhiều loại hải sản khác nhau, cắt nhỏ rồi ngâm trong nội tạng của chính nó. Sau đó người ta sẽ cho thêm một số gia vị như muối, mạch nha, shichimi (hỗn hợp ớt), wasabi và một chút bột gạo rồi trộn đều lên, đóng trong thùng kín để lên men trong vòng một tháng là có thể ăn. Tuy nhiên, loại shiokara ngon nhất phải là loại được ủ trong khoảng 6 tháng.
Loại shiokara phổ biến nhất được làm từ mực. Người ta thường ăn kèm chúng với cơm nóng và uống kèm theo rượu sake hoặc bia. Tuy mùi hương rất khó ngửi nhưng hương vị của món này lại khá ngon và mang tới nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đồng thời giảm bớt nguy cơ đau tim, đột quỵ, béo phì và cao huyết áp