Mảnh đất miền Tây được mẹ thiên nhiên ưu đãi những loại rau dại có thể chế biến thành món ăn ngon mang hương vị đặc trưng và giản dị như chính con người nơi đây.
Nhắc đến miền sông nước miền Tây, du khách sẽ nghĩ ngay đến những con người chân chất, hiền lành và vô cùng hiếu khách. Hơn cả, mảnh đất này còn được mẹ thiên nhiên ưu đãi những loại rau dại có thể chế biến thành món ăn ngon mang hương vị đặc trưng và giản dị như chính con người nơi đây.
Sầu đâu
Loại rau này còn có nhiều tên gọi khác như sầu đông, nim, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi... thường mọc hoang ở khu rừng thưa. Tại Việt Nam, cây sầu đâu được trồng trong vườn quốc gia ở các tỉnh phía Nam hoặc mọc hoang dại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Người dân thường dùng hoa và lá của chúng để chế biến cách món ăn: luộc hoặc làm gỏi. Chị Quách Hà (28 tuổi, Tiền Giang) cho biết: “Với nhiều người sầu đâu nghe rất lạ song với người dân ở miền Tây thì ai cũng hay, kể cả tụi trẻ lên 5 lên 7. Còn nhớ ngày nhỏ, mỗi khi hè về, mình và lũ bạn trong xóm lại rủ nhau đi hái lá sầu đâu về luộc hoặc làm gỏi ăn. Hồi đó gỏi sầu đâu được chế biến đơn giản lắm, chỉ cần bóp bóp với chút chanh ớt, muối rồi thêm chút đậu phọng rang là xong”.
Ngày nay, người dân miền Tây đã biến tấu lá sầu đâu thành món gỏi vô cùng ngon. Họ kết hợp vị đắng của chúng với vị mặn của khô cá sặc. Tất cả tạo nên hương vị độc đáo, kích thích vị giác khiến bao người mê mệt. Vì thế, loại lá này bỗng trở thành đặc sản nức tiếng vùng sông nước này.
Đọt choại
Rau choại (hay còn gọi là rau chạy, đọt chạy) là loài thực vật thân thảo, dây leo sống hoang dại trong rừng ẩm nhiệt đới và ven sông rạch nước ngọt, nước lợ và nước mặn có dao động thủy triều. Ở Việt Nam, rau choại chủ yếu sống ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Kiên Giang và Hậu Giang.
Với thân dây leo nên rau choại có khả năng leo hoặc bò rất xa, dài tới 15-20m, thân có vẩy hơi thưa và xếp lợp. Đọt non mọc từ gốc có dạng uốn cong và cuộn chặt nhiều vòng, thân bên dưới cuộn xoắn mềm và dài tới 40-50 cm. Chính đọt non mọc từ gốc mới có giá trị làm rau ngon nhất. Khi đọt non phát triển, các vòng tháo dần ra, phần thân già hóa xơ.
Rễ rau choại có cấu trúc không quang hợp mọc ngầm dưới đất, có chức năng hút nước và các chất dinh dưỡng từ trong đất. Chúng luôn luôn là rễ chùm và có cấu trúc tương tự như rễ của thực vật có hạt. Còn là choại kép lông chim, mọc so le cách quãng, cuống dài 7-20 cm, gân lá chính dài 30-50cm...
Đọt choại có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như các chồi non ăn sống hoặc dùng trộn với giấm làm salad; luộc đọt choại rồi ăn kèm với nước chấm mắm cá cơm pha chút tỏi ớt bằm... hoặc phổ biến nhất chính là đọt choại xoài thịt bò.
Điên điển
Điên điển (hay còn gọi là muồng rút, điền thanh bụi, điền thanh thuân tia) là loại cây thuộc họ đâu, mọc hoang dã nên thích nghi với mọi môi trường sống. Thân tròn bóng và phân thành nhiều nhánh, có màu xanh sọc tím; rễ ăn sâu khoảng 60-70cm và có các vị khuẩn nốt sần cố định đạm cộng sinh tốt để cải tạo đất làm phân sanh; hoa mọc thành từng chúm với mỗi chùm có 8-10 quả to. quả đậu thẳng, có chiều dài chừng 20-30cm và chứa nhiều hạt có hình cầu, màu nâu bóng
Tại Việt Nam, bông điên điển được biết đến là một loại rau đặc sản của vùng Đồng bằng Nam Bộ. Chúng mọc ở dọc khắp các bờ đê, đầm ruộng, mé con sông khi tới mùa nước nổi về.
Người dân cho biết, thời điểm thích hợp để thu hoạch bông điên điển chính là buổi chiều. Lúc này bông chỉ mới hé nhụy và tươi hơn, giúp làm món ăn ngon hơn các buổi khác trong ngày. “Ngày xưa, người ta ít ăn bông điên điển lắm, vì nghĩ nó mọc hoang dại, không bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Dần dần, chúng bỗng trở thành đặc sản được người ta biết đến nhiều hơn. Vì thế, người dân miền Tây mới thi nhau ra mương ruộng hái loại rau này đem ra chợ bán, thậm chí chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon mang đặc trưng của vùng đất này”, chị Hồng Ngọc (34 tuổi, Bến Tre) cho hay.
Cũng theo chị Ngọc, bông điên điển có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào trứng, muối chua, làm lẩu cá linh điên điển…
Rau đắng
Rau đắng đất là một loại rau mọc hoang dại mà gắn liền với đời sống người dân miền Tây Nam Bộ từ xưa. Rau đắng đất xuất hiện trong thơ ca, văn học, chứa chan trong từng ký ức người dân Nam Bộ đặc biệt là thế hệ ông bà tía má.
Người ta hay nhắc tên rau đắng với món cháo cá lóc rau đắng, rồi món cháo cá lóc rau đắng ấy trở thành đặc sản miền Tây tự khi nào chẳng biết.
Rau đắng tự mọc, tự lớn lên tươi tốt sau hè nhà. Nhất là sau mỗi trận sa mưa, rau đắng nhổ giò thiệt nhanh, xanh non mơn mởn. Bởi vậy mà người nông dân nơi đây không quên kết hợp chúng lại thành những món ăn ngon.
Rau đắng đất thường chế biến thành canh cá trê rau đắng, canh cá rô rau đắng,… Ngoài ra nó còn được kết hợp với một số loại lẩu như lẩu cá lăng, lẩu cá kèo.