Gia Lai có rất nhiều đặc sản thơm ngon nhưng đặc biệt nhất vẫn là 5 món dưới đây.
Bún mắm cua
Đây là món ăn rất đặc biệt của vùng đất Gia Lai. Nó được chế biến rất kỳ công, gồm những nguyên liệu: cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả nem, da lợn chiên giòn, bánh phồng tôm, các loại gia vị ớt, mắm nêm và rau ăn kèm. Trong đó, cua đồng là thành phần quan trọng nên người bán thường lựa chọn cua rất kỹ: vào mùa mưa, cua đồng sẽ nhiều, thịt cua ngọt và chắc hơn mùa khô.
Bún cua có vị mặn của mắm, vị thơm các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt,… Tất cả hòa quyện nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn và ngon miệng.
Phở khô
Phở khô hay còn gọi là phở hai tô vì khi ăn, thực khách sẽ được chủ quán đem ra 2 tô: bánh phở và nước súp. Nó được làm từ bột gạo cay, có sợi nhỏ, săn và mịn, khi trụng nóng sợi phở sẽ mềm dai. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, vón cục để khách dễ thêm tương nâu, xì dầu hoặc tương ớt.
Tô phở khô ăn kèm thịt heo bằm nhỏ, gà xé sợi và hành khô. Còn tô nước dùng gồm nước ninh gà, thịt bò tái hoặc bò gân, bắp hay bò viên tùy khẩu vị mỗi người. Tất cả ăn cùng rau sống và vài lát chanh tươi.
Muối kiến vàng
Đây là loại muối độc nhất vô nhị ở Gia Lai được làm từ kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa. Thoạt nhìn nhiều du khách sẽ cảm thấy sợ hãi nhưng chỉ cần nếm qua một lần sẽ mê ngay, thậm chí còn mua về làm quà hoặc ăn dần.
Để làm món này, người dân phải đi tìm bắt kiến vàng, loài sống sâu trong rừng. Sau đó, họ đem rang sơ rồi đem giã với ớt cay, vài loại lá rừng, muối hột… Nó dùng là gia vị chấm với nhiều món nướng, luộc, quay.
Bún mắm nêm
Đây là món ăn dân dã của người dân phố núi Pleiku. Thành phần của nó hết sức đơn giản: bún, mắm nêm và rau sống. Trong đó mắm nêm là thành phần chính, quyết định sự ngon miệng của món ăn.
Mắm nêm được làm từ cá cơm rửa sạch, ướp với muối theo một tỷ lệ nhất định rồi cho vào hũ đậy kín. Tùy theo thời tiết và nhiệt độ mà mắm có thể chín sau từ 7 đến 9 ngày. Khi ấy mắm hơi sền sệt và có mùi thơm ngào ngạt mà mùi lạ đặc trưng. Khi ăn với bún, mắm được thêm vào nhiều gia vị chanh, tỏi, ớt, đường và dứa bằm nhỏ để làm dịu vị mặn.
Măng chua rừng
Khi mùa mưa bắt đầu, rừng ở Gia Lai sẽ cho những búp măng non ngon ngọt. Người dân sau khi hái măng về sẽ thái mỏng hoặc giã dập với ớt rồi đem ủ trong chậu sành. Khoảng hai tuần sau, măng chua đến độ vừa dùng. Miếng măng giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt.
Từ măng chua, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu với cá trê, gà… tạo ra hương vị vô cùng thơm ngon và là lạ.