Đến với Tây Ninh, du khách có thể được thưởng thức nhiều món ăn ngon như bánh tráng cuốn phơi sương, muối tôm, mắm chua…
Bánh tráng cuốn phơi sương
Bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng nổi tiếng vô cùng. Để làm ra bánh tránh tưởng như rất dễ nhưng thực tế tốn khá nhiều công sức và trải qua nhiều công đoạn. Ban đầu, người dân phải lựa chọn nguyên liệu gạo tẻ mới, không trộn lẫn, không có màu đen và hạt gạo không bị nẻ để tạo đúng mùi vị và màu sắc của bánh.
Sau đó, họ mang gạo ngâm trong nước khoảng 3-4 giờ và vo sạch rồi xay ở dạng bột ướt để tiện cho việc trộn bột và tráng bánh. Tiếp theo, họ lọc kỹ bột để loại bỏ tạp chất và cặn, trộn nhuyễn và sánh mịn. Đồng thời, họ đặt một nồi nước đun sôi, căng lên mặt của nồi nước lớp vải mỏng để tráng bánh. Khi nước sôi họ mang phần bột đã trộn tráng lên mặt của mảnh vải và dùng hơi nước phía dưới để bánh được chín, đợi tới khi bánh chín tới, có sự liên kết với nhau nhưng vẫn có sự mềm dẻo thì lấy ra.
Phần bánh lấy ra sau khi tráng sẽ được phơi nắng khô và nướng bằng chiếc lò đặc biệt đốt bằng vỏ lạc. Trong quá trình nướng, người dân sẽ tránh nướng chín và phồng quá, chỉ nên nướng qua trên mặt bếp tới khi bánh ngả sang màu trắng đục thì được.
Bánh tráng nướng xong sẽ được phơi trên dàn vào lúc sáng sớm hoặc tối để tạo độ dẻo và thơm ngon. Món này cuốn kèm với thịt lợn, thịt bò và rau sống.
Muối tôm
Tây Ninh không phải là một tỉnh ven biển nhưng lại nổi tiếng khắp cả nước với đặc sản muối tôm. Nó được làm từ nguyên liệu tôm thịt, tỏi, ớt và muối hột trắng. Tất cả được đem xay, rang qua lửa rồi phơi nắng cho dậy mùi là có thể đóng hộp.
Muối tôm thường dùng làm gia vị chấm các loại quả như xoài, bưởi, ổi… vô cùng bao ngon. Hiện đặc sản này bày bán ở mọi tiệm tạp hóa, cửa hàng và siêu thị trên cả nước nhưng du khách đặt chân đến Tây Ninh vẫn không quên mua về làm quà.
Bánh canh Trảng Bàng
Đặc sản này gồm có bánh canh, nước dùng, giò lợn, thịt lạc, huyết… Trong đó quan trọng hơn cả chính là nước dùng – ninh xương hàng chục giờ đồng hồ rồi nêm nếm gia vị gia truyền của người dân Tràng Bảng.
Bánh canh Trảng Bàng có thể ăn ngay hoặc thêm chút chanh, ớt và rau sống.
Bánh tráng me
Đây là phiên bản khác của bánh tráng phơi sương. Theo đó, bánh tráng phơi sương được ăn kèm với sốt me và lạc rang, hành ph, bột tôm… Tất cả tạo nên một món ăn vặt chua ngọt, thơm mà ngầy ngậy. Bởi vậy, du khách đến với Tây Ninh sẽ vô cùng thích thú với món ăn này, thậm chí đặt mua về làm quà tặng bạn bè.
Mắm chua
Mắm chua làm bằng cá cơm đánh bắt từ hồ Dầu Tiếng đã có thương hiệu và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nó được làm bằng cá rễ tre, cá con (cá ruộng) và cá cơm đánh bắt ở hồ Dầu Tiếng vô cùng sạch.
Cá cơm và cá con sau khi đánh bắt sẽ rửa sạch rồi cho vào ủ, cứ 100kg cá cơm trộn với 30kg tép ủ cùng 30kg muối hột rắc và bịt kín. Sau đó 3 ngày, người dân sẽ lấy hỗn hợp trên ra trộn với thính, tiếp tục bịt kín miệng. 21 ngày sau khi trộn thính là mắm sử dụng được.
Khi mắm đã chín, cần phải sơ chế thêm một bước trước khi ăn: Củ Riềng cạo vỏ thái sợi nhỏ phơi héo cho khô bớt nước, thêm một ít thính cơm khô hoặc thính gạo xay nhuyễn, vài lát vỏ quýt tươi hoặc đã phơi khô thái chỉ băm nhỏ, tỏi, ớt băm nhuyễn cho tất cả vào một tô lớn. Cho tiếp mắm cá cơm vào tô, bỏ đường và bột ngọt trộn đều. Để 5 phút cho mắm ngấm gia vị là đã có một món mắm sống đặc trưng, thơm ngon đậm đà.
Mắm chua dùng để ăn với cơm hoặc cuốn bánh tráng Tây Ninh.
Bò tơ
Bò tơ Tây Ninh được chăn thả tự nhiên. Miếng thịt bò dai dai màu đỏ hồng, tươi ngon được chế biến thành nhiều món như bò tơ cuốn bánh tráng, bò tơ nhúng lẩu, bò tơ hấp… Đặc biệt nhất là món bò tơ tẩm ướt gia vị nướng trên than hồng. Nó có vị khá nồng và đậm.
Nem bưởi
Nem bưởi được làm từ vỏ bưởi bào sợi trộn với đu đủ cùng nhiều nguyên liệu khác như ớt, tiêu... Món ăn này có màu hồng này cùng với đủ vị chua cay mặn ngọt chắc chắn sẽ làm siêu lòng các tín đồ ăn vặt.
Đặc sản Tây Ninh này thích hợp cho người ăn chay lẫn ăn mặn.