Kon Tum không chỉ nhiều cảnh đẹp mà còn có nhiều đặc sản độc lạ hấp dẫn khách du lịch.
Bún đỏ cao nguyên
Món ăn này được chế biến hết sức đơn giản với nguyên liệu chính là cua đồng, chả viên cùng trứng cút luộc. Nó gây ấn tượng với màu hơi đỏ của hạt điều, màu đỏ au của từng miếng cà chua, hay màu nâu của chả cá – riêu cua, màu trắng của trứng cút luộc và màu xanh của đĩa rau sống. Tất cả hòa hợp làm nên một tô bún vô cùng hấp dẫn.
Nhiều người vẫn lầm tưởng bún đỏ cao nguyên là bún riêu hay canh bún cà chua thông thường. Nhưng điểm khác của nó chính là ăn kèm với tóp mỡ, trứng cút luộc, rau cần đước và giá, mỡ hành.
Tại Kon Tum, bún đỏ cao nguyên được bán ở khắp nơi như các nhà hàng hạng sang, xe đẩy vỉa hè… Du khách đặt chân đến nơi này nhất định phải thử món ăn này để cảm nhận hương vi của núi rừng Tây Nguyên.
Lợn Măng Đen quay
Lợn Măng đen nuôi bằng thức ăn tự nhiên của núi rừng nên thịt săn chắc, thơm ngọt và rất bổ dưỡng. Con to nhất lúc trưởng thành cũng chưa đầy 20kg.
Lợn được làm sạch lông, mổ lấy nội tạng, sau đó tẩm ướp gia vị ủ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt. Lợn quay nguyên con bằng lửa than cho đến khi căng da vàng giòn rộm, tỏa mùi thơm phưng phức.
Cá chua
Cá chua là một món ăn để dự trữ của người dân vùng núi ở Kon Tum. Nó có cách chế biến khá dễ dàng: chọn loại cá niệng đặc trưng rồi đánh vẩy, rửa sạch mang, cắt thành từng khúc nhỏ 2-3 cm để cho ráo nước.
Cá đã khô nước sẽ được trộn cùng muối, lá bép, ớt, thính ngô. Tiếp tục đưa cá vào từng ống lồ ô khô, sạch rồi nút hai đầu thật kín rồi để lên gác bếp, đợi vài ngày là có món cá chua độc đáo.
Cá chua có hương vị khá đặc biệt: vị cay của ớt rừng, mặn của muối, ngọt dịu của lá bép và mùi thơm nhè nhẹ của thính ngô.
Cá gỏi kiến vàng
Đây là món ăn vô cùng độc lạ của vùng núi Kon Tum. Cá suối bắt loại bằng ba ngón tay đem về làm sạch, băm nhuyễn, vắt cho cạn nước để đỡ mùi tanh. Còn kiến vàng chọn ổ kiến non, có cả trứng đem về giã nhỏ để riêng.
Lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá với kiến, thêm chút thính gạo bột gạo rang cháy xém, dậy lên mùi thơm. Khi ăn lấy lá sung cuốn lại vừa miếng và tận hưởng vị ngọt của cá suối lẫn vị béo của kiến non, cay xé của tiêu, ớt tạo nên hương vị ngon tuyệt vời.
Cà đắng
Cà đắng mọc thành vạt ven những ngọn đồi, bờ suối, quả nhỏ như cà pháo hoặc quả hình thuôn dài, to hơn đốt tay, màu xanh sậm, sọc trắng dọc quả. Nó có vị thơm ngon đặc biệt.
Cà đắng thành từng lát mỏng, xiên qua từng que đặt lên nướng, khi cà chuyển sang màu nâu sậm, dậy mùi thơm lan tỏa và vừa chín tới, vẫn còn giữ chút nước đắng, hơi dai dai, mềm mềm, chấm với muối tiêu rừng hoặc ăn kèm với thịt rừng nướng rất ngon.
Ngoài ra cà đắng còn nấu thành nhiều món kho với tôm, tép bắt được dưới sông hay cà đắng om ếch…
Dế chiên
Món ăn từ dế khá xa lạ với người đồng bằng nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum, các món ăn chế biến từ dế đã trở nên quen thuộc. Có nhiều loại dế như dế cơm, dế than, dế lửa nhưng để chế biến món ăn thì chỉ có dế cơm thì mới ngon được.
Để có một đĩa dế chiên vàng thơm cần trải qua nhiều công đoạn chế biến: Dế được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo dầu đang sôi chiên lên. Sau đó, người dân bản địa nêm gia vị, bỏ thêm trái ớt, lá chanh, sả thái nhỏ vào rang chung là có thể thưởng thức được.
Rượu ghè
Đây là thức uống đặc biệt của những đồng bào dân tộc ở miền núi Kon Tum. Nó là hương vị không thể thiếu trong các lễ hội và trở thành “đặc sản” của riêng những du khách miền xuôi khi lên nơi này tham quan.
Nguyên liệu chính của rượu ghè được làm từ gạo nếp hoặc sắn và một loại men đặc biệt làm từ nhiều lá cây rừng, được ủ kín trong một thời gian dài để lúc có thể uống được sẽ cho vị ngọt lịm.
Ngày nay, rượu ghè được chế biến bởi nhiều loại men chợ, tuy cũng vị ngọt nhưng mất hẳn chất đại ngàn như trước.