Những món ăn này đều thơm ngon, bổ dưỡng và là món quen thuộc ở Việt Nam nhưng đối với du khách nước ngoài, chúng lại là nỗi khiếp sợ.
Trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn (hay hột vịt lộn) là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam... và vẫn được quan niệm ở các nước phương Đông coi là món ăn bổ dưỡng. Trứng được bán rong hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như là Trung Quốc, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau một chút.
Trứng vịt lộn tại Việt Nam được ăn cùng rau răm và muối tiêu khô hoặc muối tiêu chanh (tắc), một số địa phương khác còn ăn kèm với đồ chua ngọt. Ngoài ra,còn có các món biến thể khác như trứng vịt lộn nhúng lẩu, trứng vịt lộn chiên, trứng gà lộn và trứng cút lộn.
Khách du lịch phương Tây và những người lần đầu nhìn thấy và ăn thử trứng vịt lộn thường thấy e ngại và không dám ăn trứng vịt lộn. Nguyên nhân có lẽ là do hình con vịt đã rõ ràng đủ hết mọi bộ phận, lông cánh khiến họ thấy kinh sợ đến nỗi món ăn này thường xuyên xuất hiện trong chương trình thử thách lòng can đảm Fear Factor (chương trình TV mà người tham gia còn phải ăn giun xay và các thứ tương tự khác).
Tiết canh
Tiết canh là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu là tiết động vật tươi được pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt hãm cho khỏi đông trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết. Cách chế biến món ăn như vậy rất thịnh hành trong ẩm thực của người Việt, đặc biệt là ở miền Bắc, nhưng chưa từng thấy trong ẩm thực của một nơi nào khác trên thế giới.
Khi ăn, tiết canh có vị ngọt, mát và giòn, thường không được sử dụng như một món ăn chính trong bữa ăn mà chỉ như một món khai vị, hoặc là món ăn mở đầu cho một buổi tiệc nhậu với rượu trắng. Các món tiết canh ăn dễ gây lạnh bụng, đau bụng vì đồ tươi sống, nên thường được ăn kèm với nhiều loại gia vị có tinh dầu cay nóng như rau húng quế, rau húng thơm, ngò gai, tía tô, hạt tiêu tán bột, ớt tươi, nước cốt chanh v.v. và thường đi kèm rượu nặng.
Tiết canh không hợp khi uống rượu nhẹ như rượu vang, cũng không hợp với bia, chỉ thích hợp với loại rượu nặng ví dụ rượu "cuốc lủi". Thực khách vắt chút nước cốt chanh lên bề mặt bát tiết, rắc chút hạt tiêu bột, cho vài lát ớt tươi và ngắt mấy nhánh rau thơm để vào bát, dùng thìa hoặc bánh tráng xúc miếng để ăn.
Món ăn này có thể khiến nhiều du khách nước ngoài cảm thấy ghê rợn khi biết nguồn gốc của món ăn. Không chỉ vậy, tiết canh chứa rất nhiều vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có hại cho con người, do đó các chuyên gia y học khuyến cáo mọi người không nên ăn tiết canh.
Thịt chuột
Ở nhiều vùng miền nước ta, thịt chuột được coi là đặc sản thơm ngon và bổ dưỡng. Chuột được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như chuột chiên sả ớt, chuột đồng áp chảo, chuột quay lu, chuột nướng,...
Chưa hết, còn nhiều món chế biến từ thịt chuột kể ra khiến nhiều người nuốt nước miếng. Nào là chuột đồng luộc ép lá chanh, chuột đồng rang muối, chuột khía nước dừa, chuột nướng chao, chuột xào lăn, chuột xào lá cách, chuột chiên nước mắm…
Thịt chuột có vị thơm và béo. Tùy theo hình thức chế biến mà có hương vị khác nhau nhưng bất kỳ ai đã nếm thử đều phải công nhận thịt chuột rất ngon. Vừa dai vừa mềm lại thơm ngậy nên nó có thể hợp với đủ kiểu chế biến và nêm nếm gia vị.
Với thực đơn các món làm từ chuột đa dạng như vậy nhưng đây vẫn là món ăn khiến nhiều người e dè khi thưởng thức, đặc biệt là các khách Tây. Cũng bởi từ trước đến nay, chuột vẫn là loài động vật mang nhiều mầm bệnh và chúng ta cần phải dè chừng trước khi ăn.
Thịt chó
Thịt chó là thịt của các loài chó. Trong lịch sử, việc ăn thịt chó đã được ghi nhận tại nhiều vùng trên thế giới, bao gồm Đông Á, Đông Nam Á, Tây Phi, châu Âu, châu Đại Dương và châu Mỹ. Đến nay, thịt chó vẫn là một món ăn thông thường tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Thịt chó thường được các đầu bếp Việt Nam chế biến thành các món: thịt luộc (biến thể là hấp hoặc phay); dồi nướng; lòng hấp; thịt nướng (biến thể là quay, chả chìa); nhựa mận (biến thể là xào lăn); xáo măng (biến thể là lẩu). Các gia vị chính để chế biến món thịt chó là: sả, riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ trắng.
Hiện nay, đối với một số nền văn hóa, thịt chó được coi là một phần của văn hóa ẩm thực hàng ngày, thậm chí đã trở thành một món đặc sản. Nhưng đối với một số nước khác, đặc biệt là phương Tây, việc ăn thịt chó được coi là điều cấm kỵ.
Mắm tôm
Mắm tôm là loại mắm được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng. Mắm tôm thường có 3 dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng. Người làm mắm còn có thể thái cây bọ mắm rồi trộn với tôm cùng muối để chống giòi bọ.
Trong quá trình lên men mắm tôm, người ta bắt buộc phải sử dụng một loại enzyme chính có trong ruột của loài moi để lên men. Theo đó, enzyme sẽ giúp kiềm chế các vi khuẩn phân huỷ bằng nồng độ muối khá cao trong mắm tôm, giúp mắm có mùi vị của chính loại enzyme này tạo ra. Mắm tôm là loại gia vị không thể thiếu trong một số món ăn như bún đậu mắm tôm, bún thang, bún ốc, bún riêu, chấm lòng lợn,... Nhờ có lượng enzyme lớn nên mắm tôm kích thích vị giác, giúp bạn cảm thấy ngon miệng hơn và tiêu hóa tốt hơn.
Mắm tôm khá nặng mùi, giá không phải người sành sỏi thì rất khó phân biệt được mắm tôm còn tốt hay đã hỏng. Mặt khác nhiều người vẫn còn quan điểm sai lầm cho rằng mắm tôm càng nặng mùi càng ngon. Tuy vậy không phải khách Tây nào cũng có thể thưởng thức món ăn này vì mùi của nó quá nồng.