Buổi ra mắt tiểu thuyết Có tiếng người trong gió lấy cảm hứng từ thực trạng bắt cóc, buôn bán trẻ em sang Trung Quốc để lấy nội tạng đã diễn ra chiều qua.
Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Hội sách Mùa Xuân 2016, chiều qua, buổi tọa đàm giới thiệu tiểu thuyết Có tiếng người trong gió của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - 36 Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Sự kiện có sự tham gia của tác giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình Chu Văn Sơn, cùng đại diện của đông đảo các đơn vị truyền thông.
Toàn cảnh buổi tọa đàm ra mắt tiểu thuyết Có tiếng người trong gió của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (ảnh: Cò Trắng)
Với những độc giả trung thành của dòng văn hiện thực xã hội, Nguyễn Xuân Thủy là gương mặt không hề xa lạ. Trong số 10 đầu sách đã in của anh có 4 tiểu thuyết (Biển xanh màu lá, Sát thủ online, Nhắm mắt nhìn trời, Có tiếng người trong gió), và tất cả đều nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Năm 2013, tiểu thuyết Sát thủ online của Nguyễn Xuân Thủy đã được dựng thành phim truyền hình dài tập cùng tên, phát sóng trên VTV3 qua đó càng gây tiếng vang cho nhà văn.
Các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy đều được tái bản trong Hội sách Mùa xuân 2016 (ảnh: Cò Trắng)
Xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Xuân Thủy là các vấn đề thời sự “sát sườn” cuộc sống. Đã từng viết về đời sống của bộ đội ngoài Trường Sa, về tội phạm Internet, về bi kịch trí thức trẻ thời đô thị hóa, đến cuốn tiểu thuyết thứ tư mang tên Có tiếng người trong gió, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy lại làm bạn đọc ngạc nhiên trước mảng đề tài còn khá mới mẻ: Buôn bán và đánh cắp nội tạng trẻ em. Với sức sáng tạo dồi dào, Có tiếng người trong gió cho thấy một năng lực tiểu thuyết đang được khẳng định cũng như những ám ảnh từ trang viết của anh là kết quả của một tài năng bắt đầu vào độ chín.
Cuốn sách mở đầu bằng cuộc gặp gỡ éo le trên đất Trung Quốc giữa một kĩ nữ dày dặn kinh nghiệm với một cậu trai trẻ mới bước vào đời mà cô có linh cảm đó là người cô vẫn tìm kiếm bấy lâu. Cùng lúc đó tại Việt Nam, các chiến sĩ công an đang điều tra một vụ án liên quan đến sự biến mất của hàng loạt trẻ sơ sinh trong thành phố…
Lấy cảm hứng từ thực trạng bắt cóc, buôn bán trẻ em sang Trung Quốc để lấy nội tạng, Có tiếng người trong gió như một băn khoăn về nhân tính, một rùng mình về cái ác, một tiếng kêu về thiên lương. Những ai đang tự hỏi: “Con người có thể ác đến đâu? Những ai có thể ác? Liệu con người, sau những bước tiến dài của sự phát triển, có hướng đến sự tiến bộ nhân văn hay vẫn chỉ là những cạnh tranh hủy diệt và sát phạt lẫn nhau được chuyển đổi về mặt hình thức?” có thể tìm thấy câu trả lời khá xác đáng trong cuốn tiểu thuyết tâm lý hình sự đầy hồi hộp này.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận xét: “Có tiếng người trong gió đã ‘thăm dò’ và rọi sáng dữ dằn một sự thực: Không chỉ là hệ quả hồn nhiên của những vô minh bản năng, cái ác ngày càng là chủ đích lựa chọn rồi được lập trình, trình diễn bài bản đến hoàn hảo bởi những trí-thức-giang-hồ, và thường được trợ sức bởi siêu công nghệ. Không lẽ loài người càng đi gần về phía văn minh thì càng đánh mất nhân tính?"
Trong khi đó, Dịch giả, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh thì chia sẻ rằng: “Có tiếng người trong gió là một tiểu thuyết nhiều tầng lớp câu chuyện, động chạm đến những vấn đề thời sự của xã hội, thậm chí có những việc như vừa xảy ra hôm qua đây thôi đã thấp thoáng trong lời kể của nhà văn rồi. Người nhìn ra trước các sự kiện trong dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc hay những phận người vẫn cứ đầy đắng cay như vậy, chỉ cần ai đó nhận ra, kể về họ một cách ám ảnh, xót thương, đầy trân trọng, khiến ta khó có thể thờ ơ với những ngạo ngược trái khoáy của cuộc đời?
Nhưng sau tất cả, là tình người còn lại. Tình mẫu tử trong Có tiếng người trong gió ấm áp, rạng rỡ ngay cả ở câu chuyện đầy bi kịch”.