Nơi đây có rất nhiều quán ăn phục vụ món bê thui ngon nổi tiếng, có chất lượng mà không nơi nào có thể sánh được bởi mang đậm hương vị xứ Quảng.
Nằm trên quốc lộ 1A, đoạn qua xóm Cầu Mống, xã Điện Phương, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bê thui Cầu Mống từ lâu đã được người dân địa phương, du khách rỉ tai là điểm "dừng chân" đầy hấp dẫn, không thể thiếu trong hành trình khám phá ẩm thực xứ Quảng.
Bê thui Cầu Mống đặc biệt hơn ở các vùng khác là nhờ đôi bờ sông Thu Bồn là ngàn dâu biêng biếc, mênh mông những đồng cỏ non tơ mơn mởn trải dài. Đất Gò Nổi - Cầu Mống suốt mùa lũ lụt thường chìm khuất dưới nước. Nước lũ rút đi, phù sa màu mỡ để cỏ cây lên xanh, tươi tốt đến không ngờ, trở thành vùng đất thuận lợi chăn nuôi bò. Những đàn bò mặc sức ăn no tắm mát và sinh sản rất nhanh, cho ra đời những chú bê con lớn nhanh như thổi vì được tiếp nguồn sữa mẹ dồi dào nhờ đồng cỏ xanh tươi…
Người Gò Nổi nói rằng con bê năm tháng tuổi là lúc thích hợp nhất để hạ thịt. Mặc dù có thể chọn bê nơi khác cũng cùng độ tuổi nhưng thường gầy ốm nên thịt mỏng mà không thơm như bê ở Cầu Mống. Bê thui nơi đây có hương vị đậm đà xứng danh đệ nhất món ngon xứ Quảng.
Để có món bê thui mặn mà đặc trưng, ngoài tìm chọn nguyên liệu thì một bí quyết nhỏ nhưng không kém quan trọng trong khâu chế biến chính là sự tỉ mỉ, khéo léo và kinh nghiệm của đầu bếp.
Bê cắt tiết, cạo lông rồi mổ bụng, lấy hết bộ lòng ra, dùng dây thép khâu lại, lấy thanh sắt dài xỏ dọc thân để hai đầu thanh sắt lên lò than, bắt đầu thui. Thỉnh thoảng dùng que sắt có mũi nhọn châm đều lên da để thoát nước, lấy vải lau sạch, rồi tiếp tục thui.
Phải biết cách giữ lửa vừa đủ để cả con bê chín đều. Đặc biệt không được lơ là để lửa quá bén, thịt sẽ cháy sém không ngon lại không thẩm mỹ. Thịt bê thui đạt chuẩn phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng ruộm nhưng không dai cũng không bị hôi mùi khói.
Một yếu tố để món ăn hòa quyện và đậm đà chính là nước chấm. Nước chấm phải là loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất chế biến từ những làng chài ven biển Hội An đem về gạn ép xác, lọc lấy nước thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng, mè rang sao cho vừa nồng, mặn, ngọt, vừa cay xốc đến tận mũi để vừa ăn vừa hít hà.
Rau sống để cuốn bánh tráng cùng lát bê thui cũng khá cầu kỳ, đủ loại của vùng quê bên sông nước. Ngoài 3 loại rau chính là giá sống, chuối chát và khế chua, trong đĩa rau còn có nhiều loại rau thơm (húng, quế, ngò…) và cải chìa non. Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn.
Ngoài ra, một vài miếng bánh tráng nướng giòn điểm xuyến vào bữa ăn vốn là thói quen từ bao đời nay của người xứ Quảng.
Bê thui được xắt thành từng lát mỏng, xếp đều đặn trên một đĩa tròn lớn. Món bê thui Cầu Mống rất thích hợp cho mùa nắng nóng, chỉ cần nhìn đĩa rau xanh mát là đã gợi lên cảm giác ngon miệng, ăn mãi mà không ngán.
Có lẽ vì vị ngon không dễ quên của bê thui Cầu Mống, và sự vang danh của món đặc sản xứ Quảng này nên tại nhiều nơi, các "dị bản" của món ăn cũng xuất hiện khá nhiều. Để thực sự thưởng thức đúng hương vị món bê thui Cầu Mống, thực khách cần tìm đến những nhà hàng uy tín hoặc do đúng đầu bếp Quảng Nam nấu bếp.