Giữ lệ "khai bút" đầu Xuân đối với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là thủ tục bắt buộc diễn ra mỗi sáng Mùng 1 Tết. Cách "cố thủ" những nét cổ truyền từ bao đời trong xã hội hiện đại này trái ngược với tính cách trẻ trung, "có vẻ" rất phóng khoáng, cởi mở của ông.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong vườn nhà (Ảnh: Quang Định).
Sách bán chạy nhưng phải "sống lâu"
- Thưa nhà văn, được biết mới đây, lần ký sách nào của ông cũng đông nghẹt người đọc xếp hàng chờ đợi, tệ nạn sách giả cũng đã hạn chế xuất hiện hơn so với trước đây, theo ông đây có phải là một tín hiệu lạc quan cho văn hóa đọc những ngày đầu năm mới 2018?
Căn cứ vào những gì chúng ta nhìn thấy thì đó là một tín hiệu lạc quan. Rõ ràng, rất nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, vẫn quan tâm đến sách. Việc các em đứng xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để xin chữ ký tác giả là một hình ảnh đẹp đẽ, cảm động. Nó thể hiện tình cảm dành cho sách, cho tác giả viết ra cuốn sách chứ không đơn thuần chỉ vì muốn sở hữu một chữ ký.
Hiện tượng sách giả xuất hiện ít hơn nhiều so với những lần ký tặng trước đây cho thấy các độc giả trẻ ngày càng chú ý hơn trong việc phân biệt sách thật với sách giả. Đó là điều đáng mừng, vì nói "không" với sách giả, đó là một thái độ trân trọng đối với sách, đối với văn chương.
- Sách hay cần được đến với công chúng, đó là nhu cầu chính đáng nhưng tôn vinh văn hóa đọc đúng cách cũng không dễ khi nhiều hoạt động đang được nở rộ nhưng không phải hoạt động nào cũng hiệu quả. Thậm chí, như nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ, sách thực sự có giá trị nhiều khi chỉ được biết đến sau khi tác giả đã qua đời, nghĩa là cần phải mất một thời gian rất lâu.
Là một nhà văn đương đại, theo ông, làm thế nào để cân bằng hai yếu tố: sáng tạo những tác phẩm có giá trị và quảng bá tác phẩm tới công chúng đọc?
Mỗi lần nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng lên sách đều gây tắc nghẽn những đoạn phố dài do người hâm mộ xếp hàng chờ đợi xin chữ ký (Ảnh: Hòa Bình)
Trong thời đại mà khâu marketing được đề cao ở mọi lãnh vực thì sách, vốn cũng là một hàng hóa – dù là "hàng hóa cao cấp" hay "sản phẩm tinh thần" như chúng ta thường nói, cũng không thể đứng ngoài quy luật của thị trường. Vì vậy, tôi nghĩ quảng bá tác phẩm tới công chúng là một việc bình thường, thậm chí cần thiết.
Tuy nhiên, "quảng bá tác phẩm" là chuyện của đơn vị xuất bản và phát hành (tức là khâu sản xuất và phân phối lưu thông), không liên quan gì đến nhà văn, ít ra là trong trường hợp của tôi. Với tôi, công việc của nhà văn là sáng tác.
Tôi không am hiểu và cũng không có thời gian PR sách cho mình. Kết thúc một bản thảo, tôi giao sách cho nhà xuất bản, sau đó tôi ngồi viết cuốn sách khác. Tất nhiên, tôi vẫn sẵn sàng có mặt ở chỗ này chỗ kia để giao lưu và tặng chữ ký cho bạn đọc khi nhà xuất bản yêu cầu.
Theo tôi, cố viết cho thật hay - đó là cách PR đúng đắn nhất của một nhà văn. Tóm lại, tôi thấy "sáng tạo những tác phẩm giá trị" và "quảng bá tác phẩm tới công chúng" là hai công đoạn khác nhau, do hai "chủ thể" khác nhau thực hiện, do đó không có vấn đề "cân bằng" hay "không cân bằng" ở đây.
Dĩ nhiên, việc quảng bá chỉ làm cho người đọc biết nhiều hơn đến tác phẩm chứ không thể làm nên giá trị của tác phẩm. Do đó, PR giỏi có thể tạo nên hiện tượng best-seller chứ không thể tạo nên tác phẩm long-seller. Trong khi đích đến của mọi nhà văn là hướng đến việc tạo ra những tác phẩm có sức hút lâu bền, chinh phục nhiều thế hệ bạn đọc.
Những nụ cười sung sướng của độc giả có được chữ ký của tác giả (Ảnh: Hòa Bình)
Bí quyết văn chương của Nguyễn Nhật Ánh
- Là tác giả của nhiều đầu sách được phát hành lên tới hàng trăm ngàn bản ngay từ đợt in đầu tiên, thậm chí mới nhất là 170.000 bản cho "Cây chuối non đi giày xanh", ông có thể "bật mí" với bạn đọc và bạn đồng nghiệp về bí quyết viết những cuốn sách bán chạy?
Khác với việc chế tạo tên lửa hay tàu ngầm, "chế tạo" một cuốn sách chẳng có một công thức hay một bí quyết nào. Đọc một cuốn sách, ai cũng biết nhà văn ấy đang viết về đề tài gì, dựa trên cảm hứng nào, sử dụng câu chữ, văn phong ra sao, có gì bí mật đâu. Nếu thực sự có bí quyết đó, tôi chỉ cần viết cuốn "Bí quyết viết những cuốn sách bán chạy" là đủ sống suốt đời, khỏi cần viết những cuốn sách khác (cười).
- Mùa xuân mới đang tới, đối với một nhà văn, ông có giữ quan niệm coi trọng việc khai bút khởi đầu năm mới? Ông sẽ thực hiện công việc viết văn vào ngày nào đầu tiên trong năm?
Đã nhiều năm nay, tôi vẫn luôn giữ thói quen "khai bút đầu Xuân". Sáng Mùng 1 Tết âm lịch, tôi ngồi trước màn hình máy tính, có hứng thì viết cả trang, không có hứng thì viết dăm ba dòng. Xong rồi, làm gì thì làm. Năm nào cũng vậy.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh năm nào cũng "khai bút" vào sáng Mùng 1 Tết (Ảnh: Hòa Bình)
- Mùa xuân của TPHCM có đặc thù là nắng nóng còn hơn ngày thường, rất ít không khí Tết, khác hẳn với thời tiết lạnh của phía Bắc dễ tôn vinh các hương vị Tết cổ truyền, do đó Tết phía Bắc thường là sum họp gia đình còn Tết phương Nam nhiều người chọn giải pháp đi du lịch mang tính khám phá. Với gia đình nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông thường duy trì những cái Tết như thế nào?
Những dịp Tết tôi thường về thăm quê ở miền Trung. Năm nào không về được thì tôi ở lại thành phố chạy lòng vòng ngoài đường chứ không đi đâu xa. Đêm giao thừa, cả nhà đi hái lộc, đến lễ bái ở các nơi tôn nghiêm, cầu cho quốc thái dân an và gia đạo bình yên như tập quán của người Việt chúng ta.