Du lịch An Giang, muốn thưởng thức một món ăn mang đậm văn hóa đa dân tộc của người dân nơi đây, bạn nhất định phải nếm thử đặc sản này.
Đến với vùng Thất Sơn (Bảy Núi, An Giang), du khách sẽ được người dân nơi đây gợi ý một món ăn vặt vô cùng dân dã, đó là những chiếc bánh hẹ Tân Châu. Món ăn này có nguồn gốc từ người Hoa và được bán nhiều ở thị xã Tân Châu. Không ngẫu nhiên mà món bánh hẹ lại trở nên nổi tiếng, để làm ra được những chiếc bánh ngon thì đòi hỏi từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, cho đến sơ chế đều phải thật tỉ mĩ và cầu kỳ.
Bánh hẹ Tân Châu được làm từ bột gạo của vùng Tân Châu và lá hẹ. Nguyên liệu nghe thì đơn giản vậy thôi nhưng phải trải qua nhiều công đoạn chế biến, món ăn này mới có được mùi vị độc đáo, khác biệt. Trong tiếng Tiều (Triều Châu), bánh hẹ được gọi là ku chái kuệ.
Để làm ra được những chiếc bánh hẹ, công việc đầu tiên chính là pha bột, bằng cách cho một ít nước sôi vào bột gạo, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn. Ở ngay công đoạn đầu tiên đã đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo léo, cho nước vừa phải và đánh bột thật đều tay, sao cho bột không bị khô mà cũng không bị loãng thì bánh làm ra mới ngon. Những lá hẹ tươi xanh được rửa sạch và đem đi xắt nhỏ.
Các nguyên liệu được hòa chung và đem hấp chín. Bánh hẹ được tạo thành hình vuông, ăn cùng với trứng. Gõ trứng lên chảo nóng chiên sơ qua sau đó cho bánh lên đảo thêm vài vòng là ăn được ngày, chấm với nước tương pha giấm chua ngọt.
Được biết, khoảng năm 1982 một ông lão người Tiều trước ở Campuchia chạy giặc Pol pot về sống ở chành tương (chỗ quán hủ tíu ông tỷ) lúc đó là khu nghĩa địa hoang vu. Để kiếm sống, người đàn ông này mới nghĩ ra việc làm bánh hẹ để bán cho người dân quanh đó. Ông xay gạo làm bột pha với cơm nguội, hẹ được mua ở cồn Long Thuận nồng thơm xắc nhỏ trộn với bột đổ trên mâm nhôm tròn thành từng bánh dày chứng 1.5cm và cắt từng miếng hình bình hành nhỏ.
Bánh làm xong được ông gánh đem đi bán rong. Bánh hẹ ngon ở chỗ nó được chiên bằng mỡ heo, trên cái mâm bằng đồng, bên dưới là củi độ nóng cao làm bánh giòn mà không khét. Một phần khiến bánh trở nên đậm đà hơn đó là phần nước chấm. Nước chấm gồm giấm nuôi bằng chuối được nêm vừa ăn có độ chua thanh, nước tương và ớt đỏ bằm nhuyễn được chan vào bánh tạo dĩa bánh rất ngon giòn thơm mùi bột gạo, chút thơm nồng của hẹ, chua chua ngọt của giấm mằn mặn nước tương và cay nồng của ớt bằm.
Một thời gian sau, món ăn này bắt đầu trở nên phổ biến bởi nó được nhiều người yêu thích. Dần dần trở thành một trong những đặc sản nức tiếng của An Giang. Ngày nay, để góp phần tăng thêm vị ngon và đậm đà, người làm bánh còn cho thêm vào một ít thịt tôm hay thịt nạt và biến tấu với một lớp trứng gà bên ngoài, từ đó mà những chiếc bánh trở nên bắt mắt và lạ miệng hơn.
Bánh hẹ Tân Châu sẽ trọn vị hơn nếu được ăn kèm với rau sống như xà lách, cải bẹ xanh hay rau thơm. Chấm một miếng bánh hẹ Tân Châu với nước tương pha giấm ớt chua ngọt thì đúng là ngon khó gì sánh bằng. Mùi thơm của trứng, của rau hòa quyện với cái vị chua chua, mặn vừa của nước tương đã “níu lòng” bao thực khách.