Du khách nhất định phải nếm thử những món ăn được chế biến từ loài vật này thì mới được xem là đã đến An Giang.
Đến với xứ lụa Tân Châu (An Giang), du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những đặc sản được chế biến từ một loài vật. Nhìn qua thì rất dễ nhận nhầm với loài hến, nhưng thực ra đây lại là những con lía.
Chúng thường sống ở các vùng nước lợ cửa sông. Đặc biệt là vào những mùa nước lên, xuất hiện rất nhiều lía ở đầu nguồn lũ Tân Châu. Bà con nơi đây thường nô nức đi bắt những con lía tươi ngon nhất vào những tháng nước từ thượng nguồn đổ về.
Về hình dạng, lía Tân Châu nhìn khá giống hến. Chúng cũng có vỏ ngoài bao bọc cứng. Tuy nhiên, so với hến, lía có vỏ mỏng hơn. Kích thước của lía chỉ lớn hơn đầu ngón tay người trưởng thành một chút. Vỏ của loài vật này đa phần là hình bầu dục. Tuy nhiên, một vài con đặc biệt hơn lại có hình tam giác, hình tròn.
Để bắt được những con lía, người dân sẽ phải gạn chúng từ dưới sông mang lên. Chúng hoàn toàn có trong tự nhiên nên người dân nơi đây coi lía là "lộc trời cho". Trước khi chế biến thành món ăn, lía phải được ngâm nước vài ngày thì mới nhả hết đất cát. Sau đó, người ta phải rửa chúng thật kỹ với nước mới có thể dùng để nấu nướng.
Cũng bởi vỏ của lía mỏng hơn so với hến nên chúng cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn và nhanh chóng hơn. Lía Tân Châu có thể chế biến thành vài món ngon hấp dẫn như xào tỏi, luộc xả, phơi nắng… Trong đó, đối với người dân địa phương, lía Tân Châu ướp muối rồi phơi nắng là món ăn dân dã đặc biệt nhất.
Đa phần mọi người đến đây đều thích ăn lía xào tỏi. Vốn dĩ món ăn này được thực khách thập phương yêu thích hơn là bởi hương vị đặc trưng, đậm đà của nó.
Sau khi lía được sơ chế sạch sẽ cho hết đất cát thì được đem đi chế biến món ăn. Theo những người có kinh nghiệm, lía có vỏ mỏng nên quá trình chế biến cần thao tác nhanh hơn. Do đó, người ra chỉ xào lía qua một lần, sau đó nêm với gia vị vừa ăn. Sau cùng thì cho tỏi thái sẵn vào đảo vài lần, để đó từ 5 – 7 phút cho các nguyên liệu chín đều. Lía được bày ra đĩa cùng với vài lá rau quế lên trên cùng.
Món ăn này sẽ thiếu đi hương vị chuẩn nếu thiếu phần nước chấm. Nước chấm ăn với lía xào tỏi phải hơi đặc kẹo một chút. Tất cả các nguyên liệu như đường, me chua, nước mắm, chanh phải hòa quyện với nhau sao cho vừa ăn. Nước mắm chấm phải đạt đến vị ngọt thanh, chua vừa phải của me và chanh. Khi thưởng thức, du khách lấy từng con lía quẹt vào bát nước chấm rồi đưa vào miệng. Hương vị thơm ngon, dân dã của món lía xào tỏi chắc chắn sẽ ngay lập tức hút hồn bất kỳ ai.
Ngoài lía xào tỏi, lía phơi một nắng cực kỳ phổ biến ở vùng đất Bảy Núi - An Giang, đặc biệt khu vực An Phú, Tân Châu xuất hiện rất nhiều. Lía Tân Châu có rất nhiều món chế biến đặc trưng thơm ngon. Tuy nhiên, đối với thế hệ tuổi ở An Giang, lía phơi trở thành một phần gắn liền với tuổi thơ của họ.
Sau khi làm sạch lía, mọi người sẽ đem chúng đi sơ chế cẩn thận bằng các ngâm nước khoảng 10 đến 12 tiếng. Thông thường, mọi người hay để qua đêm. Trước khi đem phơi lía, mọi người sẽ ướp gia vị muối, ớt, bột ngọt. Tất cả hương liệu sẽ để ngâm với lía trong vài giờ đồng hồ. Theo lời kể của người dân địa phương, bí quyết để chế biến lía phơi nắng Tân Châu chuẩn hương vị đó là ướp hai giờ phơi nắng ba tiếng. Sau khi lía đã được phơi nắng vừa đủ, mọi người sẽ trùm một lớp ni-lông lên đó. Việc làm này một phần để giữ hơi nóng lại vừa có thể giữ được nước trong con lía.
Sau khi được phơi một nắng, hương vị của lía Tân Châu sẽ trở nên đậm đà hơn hẳn. Món ăn này khi nhai càng kỹ sẽ càng cảm thấy vị ngọt. Giá của chúng cũng khá rẻ nên được người dân yêu thích vô cùng. Lía Tân Châu phơi một nắng cũng là một trong những đặc sản được bày bán nhiều nơi và là món ăn vặt yêu thích của học sinh, sinh viên.